Câu trần thuật đơn không có từ là
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Ở bài này, có 2 nội dung các em cần nắm vững: – Đặc điểm của câu trần thuật đơn không có từ là. – Hai kiểu câu cơ bản: câu miêu tả và câu tồn tại. 1. Kiểu câu trần thuật đơn không có từ là còn được gọi là câu tả. Chủ ngữ của kiểu ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Ở bài này, có 2 nội dung các em cần nắm vững:
– Đặc điểm của câu trần thuật đơn không có từ là.
– Hai kiểu câu cơ bản: câu miêu tả và câu tồn tại.
1. Kiểu câu trần thuật đơn không có từ là còn được gọi là câu tả. Chủ ngữ của kiểu câu này thường do danh từ (cụm danh từ) đảm nhiệm. Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi: Ai? (Con gì? Cái gì?)
Vị ngữ của kiểu câu này thường do động từ (cụm động từ) hoặc tính từ (cụm tính từ) đảm nhiệm. Vị ngữ trả lời chọ câu hỏi: Làm gì? hoặc Thế nào?
Ví dụ:
– Các cụ già / nhặt cỏ đốt lá. (Ai – làm gì?)
C V
– Đàn voi / bước đi chậm rãi. (Con gì – làm gì?)
C V
– Bên đường, cây cối / xanh um (Cái gì – thế nào?)
Tr C V
2. Phân loại câu trần thuật đơn không có từ là
Sách giáo khoa phân kiểu câu trần thuật đơn không có từ là thành 2 loại: câu miêu tả và câu tồn tại.
a) Câu miêu tả là loại câu dùng để miêu tả hành động, trạng thái, đặc điểm… của sự vật nêu ở chủ ngữ (chú ý: từ “sự vật” được hiểu theo nghĩa rộng; bao gồm: người, con vật, vật vô tri…). Ba ví dụ ở trên (mục 1) đều là câu miêu tả.
b) Câu tồn tại là loại câu dùng để thông báo về quá trình tồn tại của sự vật (xuất hiện, tồn tại, biến mất). Quá trình tồn tại ấy được biểu thị qua sơ đồ sau:
Xuất hiện—————————— > tồn tại————————- > biến mất.
Ví dụ:
– Trong nhà có khách. (Câu đơn có cấu tạo đặc biệt, còn gọi là câu đơn đặc biệt. Câu này thông báo về sự xuất hiện, tồn tại của sự vật (khách).
– Đằng xa, trong mưa mờ, bỗng hiện lên / bóng một chiếc cầu sắt uốn cong.
Tr Tr V C
(Trong câu, vị ngữ được đảo lên trước chủ ngữ, nhằm nhấn mạnh vào nội dung thông báo nêu ở vị ngữ. Câu này thông báo về sự xuất hiện của sự vật).
Chú ý: Câu đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ là một trong những dạng câu tồn tại. Ngoài dạng câu này, còn có một số dạng câu tổn tại khác.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Đối với từng câu trong bài tập này, em tiến hành qua 2 bước: trước hết, tìm C và V trong câu; sau đó cho biết câu đang xét là câu miêu tả hay câu tồn tại. Muốn biết câu là câu miêu tả hay câu tồn tại, em quan sát kĩ các động từ, tính từ trung tâm ở vị ngữ (Nếu động từ, tính từ có tác dụng miêu tả hành động, trạng thái… của sự vật thì đó là câu miêu tả. Nếu động từ, tính từ biểu thị trạng thái tồn tại của sự vật thì đó là câu tồn tại).
– Cụ thể trong đoạn a:
+ Bóng tre / trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn.
C V
Động từ trùm lên miêu tả trạng thái của sự vật. Câu này là câu miêu tả.
+ Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng / mái đình, mái chùa cổ kính.
V C
Động từ thấp thoáng biểu thị trạng thái tồn tại của sự vật. Câu này là câu tồn tại.
– Trong đoạn b:
Bên hàng xóm tôi có cái hang của Dế Choắt.
C
Câu này có cấu tạo đặc biệt, gồm trạng ngữ và cụm động từ làm vị ngữ. Trong vị ngữ, động từ có biểu thị sự tồn tại của sự vật (cái hang của Dế Choắt). Do đó, câu này là câu tồn tại.
– Trong đoạn c:
Dưới gốc tre, tua tủa / những mầm măng.
V C
Tính từ tua tủa biểu thị trạng thái tồn tại của sự vật (những mầm măng). Câu này là câu tồn tại.
– Các câu còn lại có phần đơn giản hơn, các em tự làm.
2. Muốn viết được đoạn văn tả cảnh trường em, trước hết, em phải tìm ý, sắp xếp các ý (tả từ cổng trường đến sân trường, ngôi trường; tả từ bao quát đến cụ thể, nêu bật được sự hoà hợp giữa cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người…). Trong đoạn văn, cần có ít nhất một câu tồn tại. (Ví dụ: Từ xa nhìn lại, bên những lùm cây xanh, (V) ẩn hiện / (C) một ngôi nhà hai tầng chạy dài mới được xâydựng. Đó chính là ngôi trường thân yêu của chúng em…)
III. THAM KHẢO
Một số câu tồn tại (đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ)
– Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
(Hồ Xuân Hương)
– Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám.
(Tố Hữu)
– Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lứa bờ tre hiển hậu
Đã bật lên tiếng thét câm hờn.
(Nguyễn Đình Thi)
– Đã ngừng đập một trái tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng.
(Thu Bồn)
– Đã qua rồi cái thời tha hồ làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc.
(Báo)
– Trên xe ngồi chễm chệ một người đàn bà.
(Nguyễn Công Hoan)
–Đâu rồi những phố xá, đâu rồi những dãy nhà hai bên đường vàng.
(Nguyễn Đình Thi)
Mai Thu