Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục nói riêng và trong tỉnh nhà nói chung. Theo thời gian, trường được sát nhập giữa các trường, được nâng cấp vì vậy trường được đổi tên và mang nhiều tên khác nhau; đặc điểm về cơ sở vật chất, quy mô, đội ngũ, chương trình, nội dung, bậc đào tạo… rất đa dạng, phong phú và có nhiều sắc thái riêng.
Để đạt được những thành tích như ngày hôm nay, chúng ta trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các tập thể, cá nhân thầy, cô giáo đã và đang công tác, giảng dạy tại trường vào quá trình xây dựng, phát triển nhà trường. Là những người tiếp nối truyền thống nhà trường, những người đang ra sức xây dựng trường trở thành cơ sở giáo dục đào tạo bậc cao cho đội ngũ công nhân lao động trong và ngoài tỉnh, nâng cao uy tín đối với xã hội, chúng ta tự hào nhìn nhận lại quá trình hình thành và phát triển của trường từ ngày thành lập đến nay:
- Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang tiền thân là trường Trung học Kỹ thuật Kiên Giang, được khởi công xây dựng từ năm 1964 trên lô đất rộng 3 ha nằm dọc đường Liên tỉnh số 8, Rạch Giá - Hà Tiên (nay là đường Mạc Cửu, Vĩnh Thanh, Rạch Giá) và trường được thành lập năm 1965 theo Nghị định số 1110/GD/PC/NĐ ngày 30/7/1965 của Bộ Văn hóa - Giáo dục. Trường hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/1966, với 4 nghề: điện, mộc, cơ khí, cắt may; tổng số học sinh: 102.
- Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 3/1976 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 101-TTg ngày 6/3/1976, giao trường cho Bộ Hải sản quản lý với tên gọi là trường Trung học Kỹ thuật Rạch Giá. Sau 3 tháng, tháng 9/1976 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 354-TTg giao trường Trung học Kỹ thuật Rạch Giá lại cho UBND tỉnh KG quản lý để tiếp tục đào tạo công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh cấp III phổ thông ở địa phương học tập kỹ thuật theo chương trình của Bộ Giáo dục.
- Năm 1977, UBND tỉnh ban hành quyết định số 08 ngày 11/01/1977 giao trường Trung học Kỹ thuật Kiên Giang cho Ty Công nghiệp (nay là Sở Công thương Kiên Giang) quản lý, đồng thời đổi tên trường thành trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, với nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật công nghiệp cho tỉnh.
- Ngày 21/3/1988, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 205/QĐ-UB về việc đổi tên trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang với tên gọi mới của trường là Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện.
- Năm 1989, theo Quyết định số 479/QĐ-UB ngày 13/6/1989 của UBND tỉnh Kiên Giang, ba trường Giao thông Vận tải, Công nhân Kỹ thuật Xây dựng và Công nhân Kỹ thuật Cơ điện đã được sát nhập thành một với tên gọi trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, chức năng là đào tạo các ngành nghề kỹ thuật: cơ khí, xây dựng, lái xe.
- Năm 1995, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 1360/QĐ-UB chuyển trường Công nhân Kỹ thuật thuộc Sở Công nghiệp về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 01/01/1996. Diện tích nhà trường lúc này là 23.326 m2. Bộ máy tổ chức gồm BGH; 3 phòng; 7 tổ, ban nghề, có 61 CB.GV và đào tạo 4 hệ: CNKT, trung học nghề, lái xe, BTVH với 1.044 học sinh.
- Năm 1997, UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định số 373/QĐ-UB về việc nâng cấp trường Công nhân Kỹ thuật Kiên Giang thành trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang, với nhiệm vụ là đào tạo các hệ THCN, trung học nghề và CNKT. Ngoài các ngành truyền thống của trường là ngành Kỹ thuật, trường đào tạo thêm ngành Kinh tế, đã thu hút một số lớn học viên nữ theo học và góp phần đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong lĩnh vực kinh tế - tài chính.
- Ngày 28/2/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 393/QĐ-UB về việc xếp hạng I đối với trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang và tháng 11/1998, Sở Giáo dục & Đào tạo làm thủ tục chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo nghề của trường về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (theo Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy chuyển giao nhưng trường vẫn tiếp tục đào tạo hệ CNKT.
- Ngày 16/3/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 2951/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang trên cơ sở trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học sinh – sinh viên có trình độ cao đẳng và thấp hơn; thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. UBND tỉnh bổ nhiệm ông Hồ Minh Triết giữ nhiệm vụ Hiệu trưởng trường CĐ. Kinh tế-Kỹ thuật Kiên Giang nhiệm kỳ 2006-2011.
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang từ một trường đào tạo đơn ngành nay đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện trường đang đào tạo 12 ngành bậc cao đẳng, 17 ngành bậc TCCN, 4 nghề hệ CĐ nghề, 07 nghề hệ trung cấp nghề; với các ngành, nghề đào tạo: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tin học ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tiếng Anh thương mại – du lịch, Dịch vụ thú y; Nuôi trồng thủy sản; Kế toán doanh nghiệp, Lập trình máy tính, Quản trị khách sạn, Công nghệ ô tô;…
Quy mô học sinh hiện nay là trên 7.000 HS – SV thuộc các hệ đào tạo chính quy, tại chức, từ xa, vừa học vừa làm; đào tạo lái xe các hạng; đào tạo sau đại học và đào tạo ngắn hạn… Hàng năm nhà trường có khoảng 1.000 HS – SV tốt nghiệp phục vụ cho nhu cầu việc làm của các cơ quan, xí nghiệp trong tỉnh. Bộ máy tổ chức gồm: BGH, 6 phòng chức năng, 10 khoa chuyên môn, 3 trung tâm; tổng số CB.VC là 241 người, trong đó giáo viên giảng dạy là: 207 người. Trình độ trên đại học là 91 người; trình độ đại học, cao đẳng là 113 người; trình độ khác là 37 người.
Cơ sở vật chất khang trang với tổng diện tích mặt bằng là 78.300 m2, gồm cơ sở 1: 22.035 m2; cơ sở 2 – Hòn Đất: 50.265 m2; KTX: 6.000 m2. Diện tích xây dựng khoảng 59.314 m2, trong đó có: 55 phòng học chuyên môn (2.868 m2); 5 xưởng thực hành và 1 trại thực nghiệm (26.668 m2); Trung tâm sát hạch lái xe tự động loại II (26.961 m2); hội trường, giảng đường (2.322 m2). Có 543 máy tính phục vụ giảng dạy, hệ thống nối mạng cục bộ, internet, tổng trị giá thiết bị dạy học gồm nhiều tỷ đồng với nhiều máy móc thiết bị hiện đại được sử dụng trong giảng dạy và được nhà trường bảo dưỡng thường xuyên. Trường cũng được đầu tư các trang thiết bị và dụng cụ thực tập hiện đại như: thiết bị viễn thông; điều khiển tự động điện PLC; điều khiển khí nén thủy lực, máy tiện tự động NC&CNC; phòng lab; thiết bị chẩn đoán động cơ hiện đại Sun 450; phòng thí nghiệm Cơ-Lý-Hóa...
Trong những năm qua, nhà trường luôn duy trì nề nếp giáo dục HS – SV rèn luyện đạo đức tác phong, thực hiện nghiêm kỷ luật học đường, chấp hành tốt các qui định và kỷ cương trong học tập, thi cử. Tổ chức hướng dẫn cho sinh viên cách học tập, tự học và chú trọng đến các sinh viên yếu, kém. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo hệ CĐ, CĐN, TCCN, TCN và xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; tổ chức biên soạn tài liệu học tập, giáo trình môn học, làm đồ dùng dạy học, ứng dụng phương pháp dạy học và đưa phương tiện giảng dạy hiện đại vào giờ giảng, hạn chế việc đọc chép. Nhà trường luôn xem trọng khâu rèn luyện kỹ năng hình thành năng lực thực hành sau tốt nghiệp theo yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào công tác quản lý; đồng thời kết hợp hệ thống với các tiêu chí tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục giúp cho công tác quản lý được khoa học hơn.
Nhà trường còn mở rộng liên kết đào tạo bậc Thạc sỹ, Sau đại học và Đại học với nhiều ngành, hệ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như:
- Liên kết đào tạo bậc Thạc sỹ và Sau đại học với trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính, Kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Kỹ thuật điện, Giáo dục học, Lí luận và phương pháp dạy học…
- Liên kết đào tạo bậc Đại học, Đại học chuyển tiếp từ cao đẳng, Đại học liên thông từ Cao đẳng nghề với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh các ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật công nghiệp…; liên kết đào tạo bậc Đại học liên thông từ cao đẳng, Đại học liên thông từ trung cấp, Đại học văn bằng 2 với trường Đại học Cần Thơ các ngành Thú y, Luật, Việt Nam học, Kỹ thuật cơ – điện tử, Chăn nuôi – Thú y, Nuôi trồng thủy sản; Ngoài ra, nhà trường còn liên kết đào tạo với nhiều đơn vị khác như: Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Duy Tân với rất nhiều ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt, trong thời gian qua nhà trường đã thực hiện tốt việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và địa phương như: Liên kết đào tạo các lớp ngắn hạn ngành Du lịch theo yêu cầu của CTCP Vinpearl - Phú Quốc, đào tạo các lớp ngắn hạn thuộc nhóm ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Nông nghiệp tại các huyện của tỉnh Kiên Giang.
Trong 50 năm hình thành và phát triển, tập thể nhà trường luôn phấn đấu thi đua, đổi mới trong công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tại các kỳ hội giảng toàn quốc trường đều đạt thành tích cao với 23 giải: nhất, nhì, ba; gần đây trong Hội giảng Giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Thanh Hóa, trường đạt 2 giải nhất, 01 giải ba và giải Nhất toàn đoàn. Trường có 02 nhà giáo ưu tú, 05 Chiến sĩ thi đua toàn quốc và 23 giáo viên dạy giỏi toàn quốc. Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang; Huân chương Lao động hạng Ba cho 04 cá nhân; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu và hình thức khen thưởng các cấp.
Nửa thế kỷ trôi qua, nhà trường đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng với bản lĩnh, lòng yêu nghề, tập thể CB.GV trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang đã chinh phục tất cả bằng sự năng động, sáng tạo, dũng cảm vươn lên phía trước và ngày càng trưởng thành, cùng nhau xây dựng một nhà trường phát triển, mãi mãi xanh tươi và trường tồn cùng năm tháng.
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành và dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, BGH nhà trường, tập thể CB.GV và HS - SV trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, xây dựng nhà trường trở thành một đơn vị giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đưa nhà trường sánh vai cùng các đơn vị khác trong nước và khu vực, xứng đáng là một trong những trường đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của tỉnh. Ôn lại quá khứ, trân trọng những kết quả đạt được, biết ơn các thế hệ đi trước, chúng ta quyết tâm viết tiếp những trang sử mới, làm rạng danh, sáng mãi truyền thống trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang thân yêu.
Sứ mệnh: Là một cơ sở giáo dục bậc cao đẳng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trên các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và kinh tế cho tỉnh nhà. Tạo cơ hội tốt cho thanh niên trong vùng được học tập và rèn luyện trong một môi trường năng động, thân thiện với những kiến thức cơ bản, thiết thực và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng; sẵn sàng tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng sự tự tin và sáng tạo, tạo lập giá trị cho bản thân với tinh thần làm chủ, góp phần vào việc phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho gia đình, địa phương và cộng đồng.
Tầm nhìn: Xây dựng nhà trường trở thành một trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ có chất lượng, uy tín trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cung cấp cho xã hội những công dân ưu tú, có phẩm chất, nhân cách tốt đẹp, có tinh thần kỷ luật, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng. Là nơi đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Nơi gắn kết giữa nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao Khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Cam kết: Tạo lập uy tín chất lượng đào tạo đối với xã hội. Quan tâm đến quá trình và điều kiện học tập, rèn luyện của sinh viên học sinh. Xây dựng mối quan hệ và thái độ ứng xử gần gũi, nhiệt tình, trách nhiệm. Cải tiến đổi mới và áp dụng các phương pháp dạy học vào quá trình đào tạo đạt hiệu quả rõ rệt. Đáp ứng ngày càng tốt hơn với nhu cầu của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.