CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG
CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP PHÚC YÊN
1955-1960: Sau chiến thắng thực dân Pháp năm 1954, Miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước đòi hỏi nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao để có thể tự chủ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành địa chất. Từ tình hình thực tiễn ấy, Ban địa chất, thuộc trường Trung cấp kỹ thuật II, Bộ Công nghiệp nặng được thành lập. Nhiệm vụ của Ban Địa chất là đào tạo cán bộ trung cấp và sơ cấp kỹ thuật địa chất để cung cấp cho ngành địa chất Việt Nam và một số ngành khác có nhu cầu liên quan.
1960-1966: Đây là giai đoạn quan trọng, đánh dấu sự ra đời của trường Trung cấp Địa chất (tiền thân của trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên hiện nay) bằng việc sáp nhập lực lượng của Ban Địa chất (thuộc trường Trung cấp kỹ thuật II) với trường Kỹ thuật nghiệp vụ Địa chất theo Quyết định số 25/QĐ-TCĐC ngày 15/10/1960 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất.
Các ngành đào tạo chính của trường giai đoạn này là: Địa chất tìm kiếm - thăm dò khoáng sản; Địa chất thuỷ văn - địa chất công trình; Địa vật lý (với đủ sáu phương pháp: Thăm dò điện, thăm dò từ, thăm dò trọng lực, thăm dò xạ, thăm dò địa chấn, Karôta lỗ khoan); Khoan thăm dò địa chất; Trắc địa; Bản đồ.
Địa điểm của trường tại Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, để bảo toàn lực lượng và chống sự phá hoại của giặc Mỹ, Nhà trường đã thực hiện chủ trương sơ tán về 04 huyện, 09 xã, 21 thôn xóm khác nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và vùng ngoại thành Hà Nội.
1967-1994: Năm 1967, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đã quyết định tách Trường Trung cấp Địa chất thành hai trường là Trường Trung cấp Địa chất I và Trường Trung cấp Địa chất II.
+ Trường Trung cấp địa chất I: Địa điểm của trường sơ tán trên các địa bàn thuộc khu vực huyện Mê Linh, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội). Sau đó, trường chuyển về ở đồi Sông Lô, đồi Toà Sứ, thị xã Phúc Yên (hiện nay đang là cơ sở 1 của trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên có địa chỉ là số 1, Chùa Cấm, Trưng Nhị, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) và một bộ phận khác ở ấp Đồng Rừng, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Vĩnh Phú (thuộc Hà Nội ngày nay, với tên quen gọi là Đồng Vỡ). Trường chủ yếu đào tạo các ngành nghề thuộc hệ Trung cấp như trước khi chia tách. Đến năm 1994, Trường là đơn vị trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
+ Trường Trung cấp Địa chất II:
Địa điểm của trường ban đầu sơ tán đến xã Cao Phong, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến 1970, Trường chuyển về xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (hiện nay đang là cơ sở 2 của trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên). Trường tiếp nhận một bộ phận của Trường Cơ khí Địa chất và Trường Lái xe thuộc Tổng cục Địa chất và đổi tên thành Trường Công nhân kỹ thuật Địa chất, thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Trường Công nhân Kỹ thuật Ddiacj chất chủ yếu đào tạo các nghề Địa chất, Khoan, Cơ khí, Điện nhằm cung cấp đa dạng hơn nguồn lao động kỹ thuật cho ngành.
1994-1997: Ngày 12 tháng 11 năm 1994, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ra Quyết định số 351/QĐ-BCN, sáp nhập Trường Trung cấp Địa chất với Trường Công nhân kỹ thuật Địa chất, lấy tên là Trường Trung học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất.Địa điểm của Trường đóng trên địa bàn xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Trường đào tạo hệ trung cấp và công nhân kỹ thuật gồm các ngành, nghề như: Địa chất thăm dò khoáng sản; Địa chất thuỷ văn - Địa chất công trình và môi trường; Khai thác mỏ; Trắc địa; Tin học; Khoan thăm dò địa chất; Sửa chữa điện dân dụng và xí nghiệp; Sửa chữa động cơ ô tô xe máy; Hàn - Gò; Hàn - Rèn; Tiện (cắt gọt kim loại); Nguội sửa chữa thiết bị địa chất; Vận hành máy xúc - gạt và Trung học nghề.
Năm 1997, nhà trường đã tiếp quản lại khu đất tại đồi Sông Lô, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và bắt đầu xây dựng lại cơ sở đào tạo thứ 2 tại đây.
1998-2004: Giai đoạn này được đánh dấu bằng sự kiện trường đổi tên thành Trường Trung học Công nghiệp III và kỷ niệm 45 năm đào tạo Kỹ thuật viên địa chất, 40 năm thành lập trường bằng việc ngày 20 tháng 6 năm 1998, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ra theo Quyết định số 41/1998/QĐ-BCN đổi tên Trường Trung học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất thành Trường Trung học Công nghiệp III.
Trong giai đoạn này, ngoài những ngành truyền thống đang đào tạo, để dáp ứng nhu cầu xã hội và mở rộng ngành nghề đào tạo nhà trường đã mở thêm các ngành ngành Điện xí nghiệp và dân dụng, ngành Tin học, nghề điện tử,…
Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là vào năm 2004, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường quyết định chuyển cơ sở chính của nhà trường ra Phúc Yên. Từ đó, vị thế của nhà trường ngày càng được nâng cao và xã hội đã biết đến trường nhiều hơn.
2005-2010: Đây là giai đoạn chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của trường:
Năm 2005, nhà trường tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường Trung học Công nghiệp III và 50 năm ngày truyền thống.
Năm 2006, nhà trường được Bộ Công nghiệp phê duyệt dự án xây dựng cơ sở 3 tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 7,2 ha. Theo quy hoạch, sau khi thực hiện hoàn chỉnh dự án đây sẽ là một cơ sở đào tạo hiện đại với quy mô đào tạo dáp ứng đủ cho khoảng 9000 người học.
Giữa năm 2006 đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển nhà trường đó làngày 05 tháng 6 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 2832/2006/QĐ-BG&ĐT thành lập Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên trên cơ sở Trường Trung học Công nghiệp III (nay thuộc Bộ Công thương). Trụ sở chính của Trường đóng tại Phường Trưng Nhị - Thị Xã Phúc Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể nói, sau khi được nâng cấp thành trường Cao đẳng, nhà trường đã trở thành một trung tâm đào tạo nghề nghiệp trong khu vực với quy mô đào tạo tăng đều hàng năm (hiện nay nhà trường đang có 8000 học sinh, sinh viên theo học); các ngành nghề đào tạo đa dạng và phù hợp với nhu cầu xã hội (với 15 ngành đào tạo Cao đẳng, 12 ngành đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, 11 nghề bậc Cao đẳng, 10 nghề bậc Trung cấp và hàng chục nghề bậc Sơ cấp); số lượng giảng viên, giáo viên là hơn 200 người với 60% người có trình độ trên đại học.
Năm 2010 đánh dấu 2 mốc lịch sử quan trọng: cuối tháng 10/2010, khu giảng đường 7 tầng đầu tiên tại cơ sở 3 đã được đưa và sử dụng và sự kiện quan trọng là vào ngày 16/11/2010 nhà trường tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, hứa hẹn mở ra những trang sử mới của nhà trường.