Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II được thành lập trên cơ sở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II (sát nhập Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II và Trường Trung học Cảnh sát nhân dân IV). Qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi giai đoạn, mỗi bước đi lên của Nhà trường gắn liền với bối cảnh chung của đất nước và những chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự của đất nước. Quá trình phát triển của Trường trải qua các giai đoạn sau:
1. Giai đoạn 1976 đến 1993: Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II và Trường Trung học Cảnh sát nhân dân IV
a) Quá trình hình thành và phát triển của Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an và có cơ sở ổn định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các trại giam phía Nam, ngày 11/03/1977, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 1032/QĐ-BNV về việc thành lập Phân hiệu Cảnh sát Quản lý trại giam (gọi tắt là Phân hiệu Cảnh sát 6B – tiền thân của Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II cũ) đặt tại huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và giao cho Cục Cảnh sát quản lý trại giam quản lý trực tiếp để kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia quản lý và cải tạo phạm nhân các tỉnh phía Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 17/1/1979 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, lãnh đạo Bộ đã chủ trương nâng cấp các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực cho CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó có Phân hiệu Cảnh sát 6B tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 19/03/1979, Bộ Nội vụ ký Quyết định số 04/BNV-QĐ nâng Phân hiệu Cảnh sát 6B thành Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát trại giam II. Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát trại giam II có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ trung học Cảnh sát quản lý và cải tạo phạm nhân, sơ học Cảnh sát bảo vệ trại giam, bổ túc văn hóa và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý trại giam cho trại giam các tỉnh phía Nam; đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an cho Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, có năng lực và trình độ chuyên môn cần thiết đáp ứng tình hình bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự trong giai đoạn đổi mới, ngày 14/05/1986, Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 43/QĐ-BNV chuyển Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát trại giam II thành Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ trung học Cảnh sát nhân dân cho Công an các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Cà Mau, đồng thời tiếp tục đào tạo sơ học Cảnh sát quản lý và cải tạo phạm nhân.
b) Quá trình hình thành và phát triển của Trường Trung học Cảnh sát nhân dân IV
Đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, chiến sỹ là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ và UBND thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/12/1976, Giám đốc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 936/QĐ về việc thành lập Trường đào tạo Hạ sỹ quan Cảnh sát trực thuộc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ đào tạo chiến sỹ mới và bổ túc nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-BNV của Bộ và chủ trương cải cách giáo dục của Nhà nước, ngày 19/08/1985, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 106/QĐ-BNV về việc chuyển Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát thuộc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Trung học Cảnh sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung học cho Công an thành phố và 20 tỉnh, thành phố phía Nam; đồng thời tiếp tục đào tạo hệ sơ học và bồi dưỡng các chuyên đề nghiệp vụ cho Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20/02/1989, Bộ Nội vụ ký Quyết định số 08/QĐ-BNV về việc tổ chức lại hệ thống các trường trung học, các trường bồi dưỡng, sơ học trong lực lượng CAND, theo đó “Đổi tên Trường Trung học Cảnh sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Trung học Cảnh sát nhân dân IV làm nhiệm vụ đào tạo trung học chuyên nghiệp ngành điều tra tội phạm cho lực lượng Công an các tỉnh phía Nam”.
2. Giai đoạn 1994 đến 2012: Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II
Trong tình hình cả nước đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, ngày 14/10/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký Quyết định số 402-QĐ-BNV về việc tổ chức sắp xếp lại các trường CAND, theo đó “Sát nhập Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II (cũ) và Trường Trung học Cảnh sát nhân dân IV thành lập Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II (phía Nam). Ngày 20/11/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ký Quyết định số 908-QĐ-BNV, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ trung học CSND, đồng thời đào tạo học sinh sơ học CSND cho Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Cà Mau.
Đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo cán bộ cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của Công an các tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 25/12/2006, lãnh đạo Bộ Công an ký Quyết định số 2013/2006/QĐ-BCA(X13) quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II. Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp Cảnh sát nhân dân cho Công an các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Tp.HCM. Trường đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy với các chuyên ngành: Trinh sát PCTP hình sự, Trinh sát PCTP kinh tế, Trinh sát PCTP ma túy, Trinh sát PCTP môi trường, Cảnh sát khu vưc, Công an phụ trách xã, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Bảo vệ và khám nghiệm hiện trường. Đồng thời, nhà trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ vừa làm vừa học, trung cấp Trưởng Công an xã tại Công an các địa phương và đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của địa phương.
3. Giai đoạn từ 2013 đến nay: Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II
Xuất phát từ yêu cầu nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực trong Công an nhân dân phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Bộ Công an đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020”. Ngay từ năm 2011, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các trường Công an nhân dân, trong đó có Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II tích cực khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập trường Cao đẳng để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Sau gần 2 năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II đã khắc phục mọi khó khăn, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; xây dựng và trang cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đào tạo… và đến nay đã đủ năng lực để tổ chức đào tạo trình độ Cao đẳng.
Sau thời gian tiến hành thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các Bộ, Ngành có liên quan, ngày 20/12/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 5658/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II trên cơ sở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II. Trên cơ sở Quyết định số 5658 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 04/02/2013, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 678/BCA-X11 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II. Theo Quyết định số 678, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II là cơ sở giáo dục công lập bậc đại học trực thuộc Bộ Công an; Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II có trách nhiệm đào tạo cán bộ Cảnh sát nhân dân có trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an. sSau khi có quyết định thành lập, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện dạy học, chương trình tài liệu dạy học, nguồn nhân lực đáp ứng đủ các điều kiện đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp được giao.
Trong quá trình hình thành và phát triển, cùng với sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với lợi ích giai cấp và dân tộc, trung thành với Tổ quốc, đoàn kết gắn bó với các thế hệ học viên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên của Trường cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc, xây dựng nên truyền thống tự hào của Nhà trường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam cũng như góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
SỨ MẠNG CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG CSND II
Trường Cao đẳng CSND II được thành lập trên cơ sở trường Trung cấp CSND II, theo Quyết định số 5658/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2012 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Trường Cao đẳng CSND II là trung tâm đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục trong lực lượng CAND, với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp chất lượng cao, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ CSND cho lực lượng Công an các tỉnh thành phía nam, cung cấp sản phẩm khoa học CSND cho lực lượng CAND. Góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ ANQG và đảm bảo TT ATXH.
Mục tiêu của Trường Cao đẳng CSND II là đào tạo cán bộ Cảnh sát nhân dân có trình độ cao đẳng, trung cấp, có khả năng hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT và trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm. Cụ thể:
1. Về kiến thức
Hiểu được những nội dung cơ bản các học phần thuộc kiến thức chung; nắm vững những nội dung thuộc khối kiến thức cơ sở; chuyên sâu kiến thức ngành đào tạo cụ thể.
2. Về kỹ năng
Vận dụng thành thạo những kiến thức cơ bản về chính trị, tin học, ngoại ngữ, pháp luật, nghiệp vụ vào thực tế công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nắm chắc và biết vận dụng quy trình các mặt công tác từng chuyên ngành cụ thể, các biện pháp, chiến thuật, phương pháp công tác phòng, chống một số loại tội phạm cụ thể về hình sự, kinh tế, ma tuý, môi trường; có khả năng phân tích, xử lý các tình huống nghiệp vụ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
3. Về tác phong, thái độ nghề nghiệp
Có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; yêu ngành, yêu nghề; bình tĩnh, nhạy bén, dũng cảm, cương quyết, khôn khéo, linh hoạt trong công việc; có khả năng giao tiếp, ứng xử để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Về đạo đức lối sống và trách nhiệm công dân
Có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của ngành Công an.
5. Về sức khỏe
Đạt tiêu chuẩn chiến sỹ công an khỏe theo quy định của Bộ Công an. Có khả năng thích ứng với hoàn cảnh và môi trường công tác của lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt và lâu dài.