TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng, đứng chân tại Tiểu khu Liên Phương - Xã Phương Đông – Thành Phố Uông Bí.
Phía Bắc giáp núi Nóc, xa hơn về phía trong là danh sơn Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công sát Quốc lộ 18B dọc theo vòng cung Đông Triều. Phía Nam giáp Quốc lộ 18A, bên kia là thôn Bí Thượng - Xã Phương Đông, Ra ngoài một chút là xã Phương Nam, ranh giới phân định hai tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng là con sông Đá Bạc - Nối liền tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng là Quốc lộ 10. Phía Đông là một số thôn của xã Phương Đông, đi tiếp là phường Thanh Sơn, Yên Thanh, Cách trung tâm Thị xã Uông Bí 7 km. Cách thành phố Hạ Long, thủ phủ Tỉnh Quảng Ninh khoảng 40km. Cách biên giới Việt – Trung trên 200 km dọc theo Quốc lộ 18A. Phía Tây giáp xã Phạm Hồng Thái Đông, đi chừng 15km là Mỏ than Mạo Khê, 22km là huyện lỵ Đông Triều. Một vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” ở tất cả các thời dựng nước và giữ nước. Từ đây về Hà Nội theo Quốc lộ 18A qua Phả Lại về Bắc Ninh rẽ Quốc lộ 83 hoặc đến Sao Đỏ, huyện Chí Linh rẽ về Quốc Lộ 15 đều thuận tiện trên dưới 100km.
2. SỨ MỆNH VÀ PHÁT TRIỂN
Được thành lập sau hòa bình lập lại, cả nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội với vô vàn khó khăn chồng chất. Nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc xâm lược. Toàn bộ hạ tầng cơ sở như nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đường xá, cầu cống,… bị phá huỷ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân” các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ được khẩn trương phục hồi, hàng loạt trường đào tạo công nhân kỹ thuật được thành lập thay thế các trường bên cạnh xí nghiệp để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của các bộ ngành.
Trên cơ sở đó ngày 01 tháng 10 năm 1977, Bộ Điện và Than ban hành Quyết định số 1880/ĐT-TCCB3 về việc thành lập Trường đào tạo Công nhân kỹ thuật Cơ khí, vận hành xe máy thi công (gọi tắt là trường Công nhân kỹ thuật Cơ khí). Trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trường cạnh xí nghiệp: Xí nghiệp Cơ khí sửa chữa, Xí nghiệp vận tải và Xí nghiệp Thi công Cơ giới trực thuộc Công ty Xây dựng mỏ Than (nay là công ty Than Uông Bí). Do địa điểm nhà trường đang còn phân tán 3 nơi, nên thời kỳ này nhà trường hình thành 3 phân hiệu: Cơ quan hiệu bộ và phân hiệu Cơ khí ở thôn Thượng Thông, xã Hồng Thái, Huyện Đông Triều; Phân hiệu Vận tải ở thôn Tân Lập – Xã Phương Đông - Thị xã Uông Bí; Phân hiệu Cơ giới ở tiểu khu Liên Phương – Xã Phương Đông – Thị xã Uông Bí. Ngày đầu thành lập nhà trường có tổng số 77 CBGV-CNV, trong đó có 4 kỹ sư và 4 trung cấp; cơ sở vật chất bao gồm 6 gian nhà cấp 4 do xí nghiệp bàn giao lại và 5000m2 nhà tạm tranh tre, nứa lá đã quá niên hạn sử dụng; phương tiện, thiết bị dạy học có 5 xe tập lái do hãng Giải phóng của Trung Quốc sản xuất viện trợ nước ta trong cuộc kháng chiến, các điều kiện phục vụ dạy và học rất lạc hậu và thiếu thốn. Qui mô đào tạo của nhà trường giai đoạn này là 550 học sinh/năm, trong đó phân ra các nghề Cơ khí sửa chữa, Vận hành máy thi công, cơ khí chế tạo, lái xe ô tô, lái cẩu, bồi dưỡng cán bộ công nhân.
Ngày 03 tháng 4 năm 1978, Bộ điện và Than ban hành Quyết định số 662 ĐT-TCCB3 về việc đổi tên thành Trường Công nhân kỹ thuật Xây lắp thuộc Công ty Xây lắp Uông Bí. Với phương châm vừa đào tạo vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết phải xây dựng được một số nhà ở. Có giải quyết được vấn đề này mới nhanh chóng ổn định tổ chức, từng bước cải thiện đời sống thầy trò yên tâm xây dựng và khẩn trương đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cho các nhà máy, xí nghiệp trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước vừa bước qua 2 cuộc chiến tranh. Bằng nguồn vốn do Công ty Xây dựng mỏ than cung cấp và công sức đóng góp của thầy trò nhà trường đã xây dựng được 7 khu nhà cấp 4 có tổng diện tích trên 1338m2 gồm 4 nhà làm việc kiêm nhà ở cho số cán bộ, nhân viên xa gia đình, 2 nhà tập thể, 1 nhà ăn, 3 dãy ký túc xá khu B. Trong lúc thày và trò đang ra sức cùng nhau xây dựng nhà trường thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra năm 1979. Hưởng ứng lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, Phong trào tình nguyện ra bảo vệ biên giới diễn ra sôi nổi. Tại nhà trường đã có gần 100% cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên thanh niên viết đơn tình nguyện xung phong tòng quân bảo vệ biên cương tổ quốc. Vừa làm nhiệm vụ dạy học vừa tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc, Nhà trường đã hoàn thành chương trình đào tạo cho học sinh khóa I với 228 học sinh (gồm các nghề nguội, sửa chữa ô tô, tiện, hàn, lái xe ô tô) tốt nghiệp ra trường về công tác tại các xí nghiệp thuộc Công ty Xây dựng Mỏ than.
Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Năng lượng ban hành Quyết định số 799/NL/TCCB-LĐ về việc đổi tên trường thành Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ giới và Xây dựng trực thuộc Công ty than Uông Bí. Đồng thời Công ty Than Uông Bí giao cho nhà trường thành lập phòng KCS, sau đổi tên thành Trung Tâm KCS với hai chức năng thí nghiệm Vật liệu xây dựng và thử nghiệm chất lượng than cho toàn công ty (hiện nay là Phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng Las 29). Trong giai đoạn này Nhà nước có chủ trương xóa bỏ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, nhà trường đã vận dụng điều kiện thực tế và các nguồn lực của mình để tổ chức nhận thầu xây dựng các công trình tại địa phương tạo việc làm, cơ sở thực tập sản xuất cho thầy trò giúp nhà trường vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học.
Ngày 22 tháng 7 năm 1997, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 1096/QĐ-TCCB về đổi tên đơn vị thành Trường Đào tạo nghề Cơ giới và Xây dựng thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam (cho đến ngày 20-3-1999 về trực thuộc Bộ Công nghiệp). Thực hiện chủ trương đổi mới, đa dạng hóa loại hình đào tạo, các lớp lái xe hệ B được đào tạo thử nghiệm sau đó được phát triển mạnh tại Hồng Gai, Cẩm Phả. Mô hình này được các cấp, các ngành và địa phương, đánh giá cao đồng thời giảm bớt khó khăn cho nhà trường và người học về nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh phí cho con đi học dễ dàng hơn. Các nhà máy, xí nghiệp có nhu cầu đào tạo được tổ chức đào tạo tại chỗ cũng thuận lợi hơn bởi không bị thiếu hụt lao động. Đồng thời Nhà trường tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo, ngoài học sinh hệ chính qui mỗi năm đào tạo theo chỉ tiêu từ 400-500 học sinh, nhà trường còn đào tạo công nhân hệ B chủ yếu nghề lái xe ô tô mỗi năm từ 800 đến 1000 học sinh. Liên kết với một số địa phương, doanh nghiệp đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng bậc công nhân các nghề mỗi năm 200-300 người học.
Ngày 02 tháng 11 năm 2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 122/2004/QĐ-BCN về việc thành lập Trường Trung học Công nghiệp và Xây dựng trên cơ sở Trường Đào tạo nghề Cơ giới và Xây dựng. Sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, của ngành công nghiệp nói chung và của Tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường. Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo đã được đầu tư như nhà học lý thuyết, xưởng thực hành, ô tô tập lái, máy xúc, máy gạt, máy hàn tự động TIG – MIC - MAG, thiết bị điện, điện tử, điện lạnh đã phát huy tác dụng đạt hiệu quả cao. Chất lượng đào tạo không ngừng nâng lên được thị trường chấp nhận; uy tín, vị thế của nhà trường được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới. Nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục tăng, thị trường đào tạo cho các trường dạy nghề ngày càng sôi động và bức thiết. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Quyền chủ động của nhà trường về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu đã đang được phát huy ngày càng hiệu quả. Trong tổng số 140 giáo viên kể cả giáo viên kiêm nhiệm và hợp đồng có 75% trình độ đại học, 2,8% trình độ cao đẳng, 2,9% trình độ trung cấp, 19,3% công nhân bậc cao.
Ngày 08 tháng 6 năm 2006, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành quyết định số 2919/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng trên cơ sở Trường Trung học Công nghiệp và Xây dựng. Đây là bước phát triển nhảy vọt của nhà trường, từ trường đào tạo nghề nhà trường đã được nâng cấp lên thành trường cao đẳng với chức năng đào tạo 3 cấp trình độ. Giai đoạn này nhà trường đào tào đa ngành, đa bậc học từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đăng chuyên nghiệp với lưu lượng HSSV thời điểm cao nhất hơn 6000. Đội ngũ giáo viên đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, nhà trường không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên. Cơ sở vật chất được tăng cường, đảm bảo có đủ phòng học, nhà xưởng và thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đáp ứng trình độ kỹ thuật công nghệ của thực tế sản xuất. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn nội dung đào tạo với sản xuất, uy tín nhà trường ngày càng được khẳng định.
Trải qua 40 năm qua xây dựng và phát triển, nhà trường đã không ngừng phát triển về mọi mặt: Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng xu thế phát triển của nhà trường và xã hội, đời sống của CBGV, CNV ngày càng được nâng cao;…. Vị thế của nhà trường đã được khẳng định, liên kết đào tạo được mở rộng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Hiện tại, tổng số CBGV, CNV là 281 người, trong đó có 05 tiến sĩ, 04 NCS (trong đó có 01 NCS nước ngoài), 90 thạc sĩ, 124 đại học; số còn lại là cao đẳng và thợ bậc cao. Nhà trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đến nay đội ngũ CBGV đã cơ bản đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ giáo viên của trường cao đẳng. Đây là kết quả mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nhà trường. Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhà trường còn chú trọng đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, hàng năm luôn duy trì nề nếp hội giảng các cấp nên đã có nhiều giáo viên đạt thành tích cao tại Hội giảng giáo viên các cấp.
CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG
1 - Xây dựng Trường trở thành cơ sở đào tạo trình độ cao; một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao, với một số lĩnh vực trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phát triển công nghệ, giới doanh nghiệp trong và ngoài nước.
2 - Triệt để áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy và học tập; thường xuyên cải tiến phương pháp dạy học mới "lấy người học làm TRUNG TÂM"; thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ, liên kết liên thông đào tạo với các trường Đại học trong và ngoài nước.
3 - Mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở kỹ thuật – kinh tế trong và ngoài nước.
4 - Khuyến khích sáng tạo trong học tập.
5 - Được kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, tiến tới được kiểm định chất lượng của khu vực.
6 - Áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý ISO 9000:2000, TQM tập trung vào chất lượng hướng tới người học và các bên liên quan, bình đẳng, công khai, minh bạch.