Cao Bá Quát 高伯适 (1809?-1855) tự Chu Thần 周臣, sinh tại Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, mất giữa trận tiền Quốc Oai trong cuộc khởi nghĩa chống triều đình thời Tự Đức... Tự Đức tru di ba họ Cao Bá Quát, thu hồi tiêu huỷ văn chương ông. Nhưng ông được lòng dân bảo vệ: một rừng truyền thuyết ca ngợi tài thơ, lòng dũng cảm, trí thông minh và tinh thần thương dân yêu nước của ông. Tác phẩm của ông còn được lưu đến nay là 1353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, một số bài ca trù và khá nhiều câu đối.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm giao thiệp tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi trước hoa mai)
Đôi câu đối ấy đã thâu tóm khá đầy đủ hoài bão và phẩm chất Cao Bá Quát. Lúc trẻ Cao Bá Quát cũng như trăm nghìn sỹ tử khác mong học giỏi đỗ cao để giúp đời. Trong thơ thấy rõ cái hăng hái thường tình ấy:
“Trên đường công danh đã mấy ai nhàn/ Mũ lọng nhộn nhịp ta cũng đi đây”. Nhưng cũng nhận ra ngay trong cơn hăng hái trên đường đi thi ấy cái khí phách khác thường của ông:
Sóng biển trào lên như đầu bạc lô nhô
Gió giận dữ đánh chìm cả những chiếc thuyền to
Chớp giật sấm ran ai nấy đều xanh mắt,
Giữa cảnh, con chim hải âu vẫn nhởn nhơ
Sau này trong truyền thuyết về Cao nhiều giai thoại cũng vẽ nên sự bình thản của ông giữa gian lao như hải âu giữa bão:
“Một chiếc cùm lim chân có đế/ Ba vòng xích sắt bước thì vương”.
Khí phách ấy bắt nguồn từ chất tâm hồn của Cao Bá Quát. Tâm hồn ấy cao rộng. Qua núi Dục Thuý:
“Ta muốn trèo lên đỉnh núi cao ngất kia/ Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước”. Tâm hồn ấy giàu năng lực bên trong, chấp nhận cái khó của đường đời:
Bãi cát dài, bãi cát dài!
Bước một bước lại như lùi một bước.
Trong tình cảnh oan khốc bị giam cầm, tra tấn chỉ vì tội sửa vào bài thi cho một thí sinh có tài vô ý phạm trường quy, ông tỉnh táo và can đảm coi việc mình làm là việc thiện, mà việc thiện thì ở hoàn cảnh nào cũng nên làm. Ông coi công lý thời ấy như cái máy làm nhục người (Bài thơ tả cái cùm). Ông nhìn thẳng vào chiếc roi da đang quật nhoang nhoáng vào người mình, ông tả nó và tả chính tâm trạng mình, như một cuộc đọ sức. Cái việc tả chính xác với các chi tiết nghiêm lạnh cho thấy ai vững hơn ai:
Roi quất nhoang nhoáng bay đi liệng lại như ánh chớp.
Lúc giơ lên như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở
Lúc ngừng như nước lạnh đổ vào nồi nước sôi (...)
Ở nơi góc đài những giọt sương trong cũng vì ta mà bay lên
Roi song rủ xuống thôi không hăng như trước nữa
Chắp tay đứng, ruột mềm quặn lại như cuốn vào ngón tay được.
Ông nhìn sông dài như lưỡi kiếm dựng giữa trời xanh. Ông hỏi hoa sen ngươi có hồng bằng mặt rượu của ta không? Ông thấy núi như chiếc chén xà cừ của khách say. Khí phách, tài tử như Cao Bá Quát lại là người thắm thiết tình cảm, đặc biệt tình cảm gia đình. Ông có những câu thơ thương vợ thương con tình cảm chân thực, ngôn ngữ mộc mạc, hình như ông không muốn vẻ đẹp của tài thơ làm mờ đi nét thực của cảm xúc. Một số truyền thuyết muốn nhấn mạnh khí phách Cao Bá Quát đã mô tả ông có tính cách ngang tàng khinh bạc, coi nhẹ tình cảm, e không đúng. Cao Bá Quát khí phách nhưng đa cảm, đó là sự phong phú của tâm hồn ông. Thương xót người thân và thương xót mọi người nghèo khổ, bị ức hiếp. Hãy nghe ông mời một người đói cùng ăn:
“Than ôi hãy ngừng lệ/ Một bữa ta tạm mời/ Đời người như quán trọ/ Ung dung nào mấy ai/ Thong thả đừng nuốt vội/ No ứ dễ hại người”. Cao Bá Quát đã thấy nguồn gốc nỗi khổ ấy, không dễ nói thẳng ra, nhưng ông đã tìm cách nói:
Nghe nói xe Rồng vừa ngự tới
Cung vua sẵn đó lại cung vua
Tâm sự nhà nho Cao Bá Quát rối bời:
“Tâm sự và tóc có chi phải so sánh vắn dài/ Đến lúc đã rối bời thì cùng rối bời như nhau”. Rối bời vì ái quốc thì không thể trung quân.
Cuối đời, những bài thơ Cao Bá Quát càng nặng trĩu nội tâm. Không chỉ buồn thương, mà có buồn thương cũng không chỉ vì thân danh mình lận đận. Hoài bão của con người một đời chỉ cúi trước hoa mai rộng xa hơn nhiều. Trước cảnh đời ngang trái ấy ông không thể làm tấm bia không chữ:
“Thế sự hà kham một tự bi”. Ông phải có thái độ, nhưng thái độ ấy không thể nói trong thơ. Ông như cái hạt sen ôm tấm lòng đắng ngắt chỉ mình mình biết:
“Liên tử hữu tâm tri độc khổ”. Đêm xuân đọc sách mà như đối thoại với người xưa (
“Bùi ngùi xuân này ngồi đối diện với người xưa”) mà như giao lưu với vũ trụ (
“Dưới có người không ngủ/ Trên có vì sao muốn rơi”). Trong bài Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, ý chí hành động của Cao Bá Quát đã rõ, sau khi nhắc đến Chu An, Nguyễn Trãi, ông viết:
Khách nam nhi chẳng vì thế thái
Đem thân ra đỡ lấy cương thường
Năm 1853 Cao Bá Quát đã trở thành một trong những người lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương. Bối cảnh lịch sử chưa đủ chín để cuộc khởi nghĩa thành công. Nhưng Cao Bá Quát đã trở thành hình tượng sáng chói của lớp nhà thơ hoạt động, từ thơ mà thành chiến sỹ, lấy máu để diễn tả cao nhất cảm xúc của chính mình.
Cao Bá Quát 高伯适 (1809?-1855) tự Chu Thần 周臣, sinh tại Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, mất giữa trận tiền Quốc Oai trong cuộc khởi nghĩa chống triều đình thời Tự Đức... Tự Đức tru di ba họ Cao Bá Quát, thu hồi tiêu huỷ văn chương ông. Nhưng ông được lòng dân bảo vệ: một rừng truyền thuyết ca ngợi tài thơ, lòng dũng cảm, trí thông minh và tinh thần thương dân yêu nước của ông. Tác phẩm của ông còn được lưu đến nay là 1353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, một số bài ca trù và khá nhiều câu đối.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm giao thiệp tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi trước hoa mai)
Đôi câu đối ấy đã thâu tóm khá đầy đủ hoài bão và phẩm chất Cao Bá Quát. Lúc trẻ Cao Bá Quát cũng như trăm nghìn sỹ tử khác mong học giỏi đỗ cao để giúp đời. Trong thơ thấy rõ c…