18/06/2018, 12:12

Cần Thơ - Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp Có lẽ không ở đâu hệ thống sông ngòi và kênh rạch lại chằng chịt như ở Tây Nam Bộ Việt Nam . Cửu Long - 9 nhánh của sông Mê Kông cùng hàng trăm phụ lưu, hàng vạn kênh rạch tạo nên một màu xanh trù phú. Đất Nam Bộ màu mỡ phù sa, xum xuê ...

Chợ nổi Phụng Hiệp
Chợ nổi Phụng Hiệp

Có lẽ không ở đâu hệ thống sông ngòi và kênh rạch lại chằng chịt như ở Tây Nam Bộ Việt Nam. Cửu Long - 9 nhánh của sông Mê Kông cùng hàng trăm phụ lưu, hàng vạn kênh rạch tạo nên một màu xanh trù phú.

Đất Nam Bộ màu mỡ phù sa, xum xuê cây quả, mượt mà đồng lúa, bát ngát rừng đước, rừng chàm. Đúng như kinh nghiệm của cha ông ta thời xưa “Đất lành chim đậu”. Nên nào là vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ), chùa Cò (Trà Vinh), chùa Dơi (Sóc Trăng), sân chim Vàm Hồ (Bến Tre), tràm chim Tam Nông, vườn cò Tháp Mười (Đồng Tháp), sân chim Bạc Liêu, sân chim Ngọc Hiển, vườn chim Đầm Dơi (Cà Mau)... Phương tiện đi lại ở các ấp xóm, cù lao không phải là xe đạp, xe gắn máy mà là xuồng tam bản, xuồng ba lá. Trẻ con nhiều đứa biết bơi trước khi biết chạy. Đi đâu cũng gặp thuyền. Chiếc thuyền rất gắn bó với mọi sinh hoạt đời thường của người dân. Có thuyền rước dâu, thuyền y tế, thuyền văn hóa nghệ thuật, cả thuyền đám ma đám giỗ, rồi các hội đua thuyền và họp chợ cũng ở trên thuyền.

Nét đặc trưng ở vùng sông nước

Chợ họp trên sông nên buộc phải đi thuyền. Loại chợ này được gọi chung là chợ nổi. Nhiều chợ nổi lừng danh cả nước như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng , Phong Điền (Cần Thơ)... nhưng sầm uất và nổi tiếng hơn cả phải kể đến chợ nổi Phụng Hiệp.

Chợ nổi Phụng Hiệp thuộc huyện Phụng Hiệp, nằm cạnh Quốc lộ 1A, cách thành phố Cần Thơ khoảng 30 km về phía Nam, còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy bởi chợ họp ngay vùng hợp lưu của bảy con sông nhỏ là Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và kênh Xáng.

Từ sớm tinh mơ, hàng trăm chiếc thuyền của bà con nông dân (giống như sạp hàng của tiểu thương ở chợ trên bờ) khắp vùng đã rộn ràng như trẩy hội. Tiếng máy nổ, tiếng sóng vỗ, chày khua, tiếng í ới gọi nhau... tạo nên một vùng âm thanh thân quen và hối hả. Khác với chợ trên bờ là chợ tĩnh - chợ nổi là chợ động, bởi các "sạp" thuyền luôn di chuyển. Thay cho biển hiệu hay quảng cáo, trước mỗi thuyền ở chợ nổi có một cây sào cao, trên đó treo những hàng hóa cần bán, (dân địa phương gọi là bẹo). Chỉ cần nhìn dấu hiệu trên cây bẹo, những "bảng hiệu sống" là biết trên thuyền bán gì. Hàng hóa chợ nổi cũng cực kỳ phong phú, trên bờ có gì, dưới sông có nấy. Từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng và các loại rau quả, cây trái - bán ký, bán mớ, bán chục (gọi là chục nhưng có loại tính tới 16, 18). Người đi chợ cũng dùng thuyền. Cảnh thuyền bè đông đúc cặp mạn mua bán nhộn nhịp vui mắt. Có thuyền bán sỉ, có thuyền bán lẻ. Cả màu sắc và âm thanh chợ nổi đều ăn đứt trên bờ. Thuyền bè trên chợ đi lại như mắc cửi nhưng không hề ùn tắc hay va quệt vào nhau. Lái thuyền đa phần là phụ nữ với trang phục bà ba, nón lá, nói năng chân chất, mộc mạc. Nhiều cô xinh xắn, da trắng ngọt như nước dừa, má hồng như mận chín, mắt tròn đen như nhãn đầu mùa cứ lúng liếng cười khi gặp những khách lạ lớ ngớ lần đầu đi chợ nổi. Mua bán ở đây không sợ nạn nói thách hay mua lầm như ở chợ phố.

Sự hấp dẫn với du khách

Chợ nổi chỉ họp đến xế trưa, nắng càng gắt thì chợ càng vắng nên khách xa thường đi sớm. Khách du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh đi chợ nổi Phụng Hiệp thường kết hợp tour Cần Thơ - Sóc Trăng hai ngày một đêm. Sóc Trăng có chùa Chén Kiểu, Chùa Dơi, chùa Đất Sét và Bảo tàng Khmer. Cần Thơ có bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng, nông trường Sông Hậu, các vườn cây trái... Nghỉ đêm ở Cần Thơ hay Sóc Trăng cũng được, sáng sớm theo quốc lộ 1A đến ngã bảy Phụng Hiệp rồi dùng thuyền đi chợ. Mỗi thuyền chở khoảng 6-10 người. Nếu chưa kịp ăn sáng, mời bạn dùng thử các món điểm tâm dân dã như bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu vườn... giá bình dân mà lạ miệng. Ngồi trên những chiếc thuyền chòng chành, vừa ăn vừa ngắm chợ, vừa trò chuyện với những cô gái chân quê là cái thú chỉ có ở vùng sông nước Nam bộ. Thi thoảng, khách gặp những người chèo thuyền bằng chân, cứ như đang làm xiếc. Thực ra đôi tay họ đang thoăn thoắt sắp xếp vật dụng, hàng hóa hoặc gỡ lưới.

Từ chợ nổi Phụng Hiệp nếu còn thời gian, bạn còn có thể dùng thuyền theo các kênh rạch vào sâu các vùng quê. Cảnh trí đẹp như tranh thủy mạc. Thấy khách lạ, trẻ con chạy ùa ra bờ kênh vẫy tay rối rít và gửi tặng bạn những nụ cười rạng rỡ hiếu khách. Nhớ đến thăm ao cá ông Dương Văn Lễ, còn gọi là ông Sáu Quận, một cựu chiến binh về vui thú điền viên. Ao ở đây nuôi toàn cá vồ và cá tai tượng, con nào cũng nặng bảy ký trở lên. Cá vồ thì trên chục ký. Nghe đâu dưới ao còn hai cặp "cá cụ" nặng hàng chục ký, thọ mấy năm. Trong không gian tĩnh lặng và bình yên, bạn vừa thưởng thức trái cây vừa nghe chủ nhân kể chuyện nuôi cá, trồng cảnh. Nếu thích, bạn cứ mang chuối ra ao đùa với cá. Cá vồ to xác nhưng hiền lành như lũ trẻ quê nghịch ngợm, vừa ăn chuối vừa vẫy nước tung tóe. Còn lũ tai tượng thì tinh quái và dữ dằn với hàm răng đủ sắc táp lìa ngón tay bạn, nên khi cho cá ăn cần thận trọng. Thấy màu đen là cá vồ, thấy màu nâu pha đỏ là tai tượng. Ở đây không bán vé vào cửa cũng không tính tiền trái cây, tiền nước. Ai có lòng thì gửi lại chút ít mua thức ăn cho cá. Ai cần nhân giống, lập ao thì chủ nhân nhượng lại chứ không mua bán như ở chợ.

Ngay bên cạnh chợ nổi Phụng Hiệp là chợ bán đặc sản sông nước Nam Bộ. Nào là rắn, rùa, chim... đủ loại, đủ cỡ. Có thứ bán sống, có thứ làm sẵn, có thứ chế biến, cứ như một triển lãm sống động về các "cư dân" ở vùng này. Bạn tha hồ tham quan, chọn lựa, hỏi han và chụp ảnh. Biết bao điều lý thú đang chờ bạn thưởng thức và phát hiện.


0