Cần hiểu đúng văn hóa Thái
(ĐHVH)- Trong bài “Lễ báo hiếu của người Thái miền Tây Nghệ An”, tác giả Hà Phượng - Đại học Văn hóa Hà Nội trên Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) cập nhật lúc 16:31’ ngày 30/6/2008, cho rằng: lễ nghi quan trọng nhất trong đời sống của các dòng họ người Thái Nghệ An là ...
(ĐHVH)- Trong bài “Lễ báo hiếu của người Thái miền Tây Nghệ An”, tác giả Hà Phượng - Đại học Văn hóa Hà Nội trên Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) cập nhật lúc 16:31’ ngày 30/6/2008, cho rằng: lễ nghi quan trọng nhất trong đời sống của các dòng họ người Thái Nghệ An là “Lễ báo hiếu”! Quan niệm như vậy thì quả là rất cực đoan và không có căn cứ khoa học.
Tác giả còn khẳng định: “Lễ báo hiếu” được tổ chức cho cha mẹ người chồng hoặc người vợ gặp vấn đề về sức khỏe, ốm đau bệnh tật lâu ngày không khỏi nhằm động viên các cụ về mặt tinh thần, cầu mong cho cha mẹ mau lành bệnh, hưởng thọ lâu dài để con cháu được vui vẻ ổn định làm ăn…và “Tất nhiên lễ này phải được tổ chức khi cha mẹ còn chưa tạ thế”!!!
Chưa hết, tác giả Hà Phượng- Đại học văn hóa Hà Nội còn cho rằng người Thái Nghệ An có tập quán cúng Rằm tháng Bảy! “Có ý nghĩa để con cháu nhớ ơn tổ tiên và là dịp để họ hàng sum họp ăn cùng một mâm cỗ”…
Guồng nước Chiêng Ngam
Về
mặt ý thức tác giả rất thiện ý với văn hóa phong tục người Thái, phải nói tác
giả rất yêu quý nền văn hóa ấy nữa là khác. Nhưng nếu xét về mặt khoa học và
tính khách quan của vấn đề thì tác giả còn quá cực đoan và thiển cận. Có khi
tác giả mới chỉ tiếp xúc với vỏ ngoài của miền văn hóa nhiều tầng nhiều lớp ấy,
có khi tác giả mới chỉ tiếp xúc với một vài hiện tượng của nét văn hóa mà vội
vàng quy kết thành quy luật. Nếu không khách quan phán xét và không nhận thức
đúng vấn đề sẽ làm méo mó về nhân sinh văn hóa bản sắc tộc người.
Đồng
ý khi thiên di về vùng đất miền Tây Nghệ An, người Thái đã tìm những nơi đất
bằng ven các sông suối để cư trú và chính vì thế mà người Thái có nền văn minh
lúa nước từ rất lâu đời. Cho đến nay những chiếc guồng nước ở Mường Chiêng Ngam
Quỳ Châu vẫn là niềm tự hào về nền văn minh lúa nước của người Thái, cho dù những
công cụ này còn rất thô sơ. Người Thái không chỉ
cư trú theo dọc sông Cả (Nậm Mộ, Nậm Nơn), sông Giăng vùng Quốc lộ 7 mà còn cư
trú dọc theo các con sông Nậm Hạt, sông Nậm Việc, sông Nậm Giải phía Quốc lộ
48. Người Thái ở Nghệ An hiện có 284.119 người chiếm 70,20% dân số trên tổng số
43 vạn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi Nghệ An. Trong quá trình sinh
sống, người Thái cũng giống như bất kì dân tộc nào trên thế giới đều có sự giao
thoa, giao lưu văn hóa, có lúc còn đan xen và khó phân biệt. Tuy nhiên khi
nghiên cứu, chúng ta phải nhìn thấu được những cội rễ sâu xa của nó để tìm ra
bản sắc. Chứ nếu không, chúng ta sẽ sai lầm, dễ đánh đồng nét văn hóa bản sắc
của các tộc người. Hiện tượng dân tộc Ơ Đu ở miền núi Nghệ An là một điển hình,
các nhà khoa học đang cố tìm đâu là văn hóa Ơ Đu, đâu là văn hóa Thái vì hiện Ơ
Đu chỉ có hơn 500 người. Sự “Thái hóa” Ơ Đu cũng là quy luật khách quan vì bà
con sống đan xen với người Thái. Cái khó là làm sao nghiên cứu và gọi được tên “Văn
hóa Ơ Đu” mà không bị nhầm sang văn hóa Thái.
Trở lại vấn đề, chúng ta tìm ra để nghiên cứu chứ không phải tìm ra để phân biệt kỳ thị. Trong công đồng các dân tộc anh em chung sống trên dải đất phên dậu miền Tây Nghệ An
Những người trong cuộc nói gì?
Tôi
điện thoại cho ông Vi Văn Kỳ, nguyên trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, nguyên bí
thư huyện ủy Quỳ Châu, ông vốn là một nhà Thái học có uy tín, ông biết rất
nhiều bài cúng và bài dân ca cổ của người Thái. Những phong tục Thái mà chúng
tôi cần đều nhờ ông chỉ bảo. Ông cười rất to khi tôi hỏi “Lễ báo hiếu” có phải
làm cho người sống không?!. Ông đính chính lại, “Báo hiếu” là làm cho người
chết, khi đang quàn tại nhà. Lễ này mang hàm ý tạ ơn công đức nuôi dưỡng sinh
thành của con cái đối với người đã khuất. Người nào chết mà có thật nhiều mâm
cúng báo hiếu thì người đó có nhiều con cháu và anh em thân thích. Đối tượng
nhận lễ này phải là các cụ cao niên. Nếu trẻ con chết không được nhận lễ “Báo
hiếu”. Ông còn nói, nếu làm lễ cho ông bà, bố mẹ già đang sống thì chỉ có “Đại
lễ gọi vía” đây là lễ giữ vía lớn nhất trong đời con người khi tuổi đã về “Cận
miệng lỗ”. Với ý rằng con cháu cầu mong phước lành cho ông bà cha mẹ sống lâu
hơn nữa. Tiếng Thái gọi đại lễ này là “Vắn huống”. Hai khái niệm và hai đối
tượng lễ khác nhau hoàn toàn. Người chết thì nhận lễ “Báo hiếu”:, người sống
thì nhận “Đại lễ gọi vía”. Người Thái quan niệm con người ta có hàng trăm hàng
nghìn cái vía: “Xảm xíp mình vắn cau, Câu họi mình vắn húa” nghĩa là trên đầu
mình có 30 vía chỏm và 900 vía của đầu. Nếu chủ vía bị ốm đau hoặc không mạnh
khỏe nghĩa là vía bị thất lạc và phải gọi vía về. Vì vậy mới có tục gọi vía và
lấy chỉ đen buộc cổ tay với ý giữ vía lại với thân chủ. Còn về rằm tháng Bảy
ông bảo chưa nghe ai nói bao giờ. Từ ngày làm trưởng Ban dân tộc cũng chưa thấy
người Thái tổ chức đón rằm tháng Bảy.
Thận trọng hơn nữa tôi gọi điện cho tiến sĩ Vi Văn An, hiện anh đang công tác tại Viện bảo tàng các dân tộc Việt Nam, là người con của đất Con Cuông, lại là nhà khoa học chính thống chuyên nghiên cứu văn hóa các dân tộc, anh cũng nói như ông Kỳ, tuy nhiên, tiếng sĩ Vi Văn An khẳng định hiện có một ít cư dân (rất ít ở Bản Đình xã Chi Khê huyện Con Cuông) bà con người Thái gốc Kinh hoặc chồng (Hoặc vợ) kinh – Thái là cúng rằm tháng Bảy.
Tôi
lại tìm nhà báo La Minh Thư- Thường trú Báo nhân dân tại Nghệ An, quê ở xã Môn
Sơn, Con Cuông; Nhà văn La Quán Miên (Hội viên hội Nhà văn Việt Nam) quê ở xã
Châu Quang, Quỳ Hợp, hai nhân vật này
không chỉ là người “Thái xịn” như tôi mà cũng rất am hiểu về văn hóa Thái đều
cho rằng Hà Phượng (Đại học văn hóa Hà Nội) nhận thức và quy kết vấn đề như vậy
là rất thiển cận và áp đặt (Nếu không nói là sai lầm). Mới đây tiếp xúc nhạc sĩ
Nông Quốc Bình khi anh vào công bố quyết định thành lập Chi hội Văn học các dân
tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Nghệ An, ông cũng cho rằng, rất nguy hiểm là hiện
nay một số người nghiên cứu văn hóa các dân tộc mắc một cái tệ là “Áp đặt”,
“Quy kết” và “Nói theo”. Ông còn lấy ví dụ chợ tình Sa Pa thì
làm gì có chợ tình! Đó là hội chợ nhưng làm sao bán tình ở đó. Một vài người
nói là “Chợ tình”, sau đó nhiều người nói theo rồi nó thành chợ tình mà thôi,
còn bà con ta thì không viết lách ra được nên đành chịu mang tiếng “Chợ tình”..
Anh cũng nói rằng trong hệ thống cộng đồng các dân tộc anh em thì ngoài người
Kinh và người Hoa chỉ có người Tày, một số do ảnh hưởng Trung Quốc, một số ảnh
hưởng bà con người Kinh nên có cúng Rằm tháng Bảy.
Mong Hà Phượng xem lại và cẩn trọng cho những bài viết về văn hóa vì nó còn là một khoa học nghiên cứu...
Lang Quốc Khánh
Đài PTTH Nghệ An