21/02/2018, 09:11

Cảm nghĩ về người cha

– Bài số 1 “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” (Ca dao) Câu ca dao làm tròn nghĩa hy sinh và diễn tả đầy đủ tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Người con sinh ra và lớn lên không thể ...

– Bài số 1

“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
(Ca dao)

Câu ca dao làm tròn nghĩa hy sinh và diễn tả đầy đủ tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Người con sinh ra và lớn lên không thể thiếu cha, và cũng không thể thiếu mẹ. Nếu bất đắc dĩ có ai đó sinh ra và lớn lên trong cảnh thiếu cha hoặc mất mẹ, nguời đó sẽ được gọi là những đứa trẻ mồ côi, những đứa con không cha hoặc không mẹ. Nhưng khi nói về tình cha, nghĩa mẹ, thì văn chương, thi phú, ca nhạc, và nghệ thuật dường như dành nhiều cảm tình, cảm hứng cho những đề tài nói về mẹ: tình yêu của mẹ, sự hy sinh của mẹ, lòng mẹ thương con, dòng sữa mẹ, nụ cười của mẹ, giọt nước mắt mẹ… Ngược lại, có rất ít những áng văn thơ hay, những nhạc phẩm, hoặc những tác phẩm nghệ thuật hay dành cho tình thương và tình cảm, cũng như sự hy sinh của người cha đối với các con của ông.

Những so sánh khác nhau ấy được tìm thấy qua hình ảnh từ mỗi vế của câu ca dao trên. Tình yêu, sự săn sóc và hy sinh của người mẹ đối với con được ví như một dòng suối: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình yêu, sự săn sóc và hy sinh của người cha dành cho con được ví như một ngọn núi: “Công cha như núi Thái sơn”. Nhưng Thượng Đế rất khôn ngoan và khéo léo. Ngài đã nối kết và hòa trộn hai hình ảnh trên để kết tụ thành một vẻ đẹp tuyệt vời là tình cha mẹ thương yêu con cái.

Dòng suối thì mềm mại, êm ả, và dịu dàng. Nó có khả năng len lỏi, luồn lách qua rừng sâu, trong các khe núi hoặc trải mình trên những thảo nguyên xanh tươi. Cái tính chất mềm mỏng, dịu dàng, êm ả ấy chính là những nép đẹp diệu vời của tình thương nơi người mẹ, của tình mẫu tử. Nhưng những dòng nước nhẹ nhàng, mềm mỏng kia khi muốn biểu tỏ sức mạnh của nó, nó đã trở thành những dòng thác lũ mạnh mẽ đủ sức cuốn trôi tất cả. Những gợn sóng lăn tăn là một vẻ đẹp thơ mộng của bãi biển lúc bình minh hay hoàng hôn, nhưng khi kết tụ lại sẽ trở thành những trận cuồng phong, những cơn sóng dữ đã quật ngã và nhận nhìm những con tàu to lớn giữa đại dương.  Sự hy sinh của người mẹ dành cho con bà cũng tương tự như vậy. 

Ngọn núi thì thẳng đứng, vô tri, góc cạnh, và tụ điểm ở một nơi không di chuyển. Nó phô diễn một vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và giữa thiên nhiên. Tình yêu của người cha dành cho con cũng giống như sự huyền bí của núi và vẻ âm u của rừng. Nó luôn luôn là một bí mật của tạo hóa dành cho con cái. Nhưng sự cô đơn, lạnh giá, và sức chịu đựng phi thường của núi giữa nắng mưa, bão táp, tuyết sương chính là hình ảnh trung thực về khả năng chịu đựng và tấm lòng hy sinh của người cha dành cho con và vì con.

Dù vẫn biết cha không bao giờ là mẹ, và cha hay mẹ thì cũng yêu thương và hy sinh cho con cái, nhưng khi nói về tình yêu và tình cảm của người cha đối với con cái, người đời thường muốn nhìn cái dáng vẻ mềm mại, dịu dàng của người mẹ mà ít khi thích thú với phong cách cứng cỏi hoặc mạnh mẽ của người cha. Họ ưa so sánh vẻ êm ả, dịu dàng, và tế nhị của một dòng suối trong cung cách cư xử của người mẹ, với những cách hành xử như thách thức, góc cạnh, và cố định của một ngọn núi cho người cha. Nhưng đó lại là những gì mà người con cần phải có, những gì mà người con sau này phải cần thời gian mới hiểu, mới khám phá ra được thế nào là người cha của mình. Trên phương diện tình cảm, người cha không phải là người không biết thương con, không muốn chiều chuộng con, không thích vuốt ve con nhưng chỉ là vì người cha đã được sinh ra và phú bẩm cho một thiên chức khác với thiên chức của người mẹ: Cha sinh, mẹ dưỡng.

Người cha chính là mô phạm sống động của các con.  Trở lại với hình ảnh của một ngọn núi cao. Dĩ nhiên ngọn núi là hình ảnh trái ngược với dòng suối. Nó không mang những nét đẹp quyến dũ nhẹ nhàng, róc rách và êm ả. Nó không trải mình trên các thảo nguyên xanh tươi, uốn quanh giữa những khu rừng âm u, hay lao mình xuống đẹp một cách thơ mộng trên những ghềnh thác đá cheo leo. Nhưng khi nói đến ngọn núi là nói đến một hình ảnh cao chót vót với nét đẹp hùng vỹ. Nó ngất ngưởng nhưng lại chứa đầy vẻ huyền bí vươn lên trên nền trời xanh thẳm. Cha ông ngày xưa thật sâu sắc và ý nghĩa khi so sánh hình ảnh người cha với ngọn núi cao. Vẻ đẹp của tình yêu là những nét cao hùng vỹ đầy quyến dũ của núi. Nhưng sự hy sinh, chịu đựng, và những đắng cay trong cuộc đời để trở thành bóng mát che phủ, bao bọc cho con chỉ được nhìn thấy qua những băng giá phủ kín, những trận cuồng phong mưa gào, gió hú băng qua hoặc thổi vào ngọn núi. Và đó là những hình ảnh của sự hy sinh mà người cha dành cho con mình. Thực tế, ít ai trong các con có thể hiểu được cha mình trong khi cha mình còn sống, nhưng chỉ tiếc nuối, hối hận sau khi cha mình đã qua đời.

Để đem con vào đời, để con lớn lên với đời, và để tương lai con được sáng lạn, người cha đôi khi chính là những con giốc cao, những thung lũng gập ghềnh, những khe đá góc cạnh, và dĩ nhiên có đôi chút cao ngạo tự tin như một nhân cách trổi vượt cho con bắt chước. Vì người cha chính là hình ảnh thái sơn của con. Thiếu những nét căn bản về nhân cách này, người con sẽ không thể lớn lên quân bình, trưởng thành và bước vào đời bằng một thái độ tự tin.

Trong tầm nhìn nhân bản, và trong so sánh tâm lý đời thường, hình ảnh của người cha dính liền với hình ảnh của một ngọn núi. Có thể là nóng nẩy, có thể là bận rộn, có thể là nghiêm nghị, có thể là ít lời, có thể là khô khan tình cảm. Và chính ở những điểm này mà người con thường cảm thấy xa lạ, đôi khi chán nản không muốn đến gần, không muốn tìm hiểu. Nhưng nếu hiểu, nếu khám phá ra vẻ huyền bí của nó, người con sẽ thấy tiềm ẩn trong những dáng vẻ bên ngoài ấy một tấm lòng đầy đặn yêu thương, ngay trong chính nỗi bất công so sánh, sự cô đơn trong đời sống. Nhưng trên tất cả, người cha vẫn chấp nhận, vẫn chịu đựng, và vẫn có mặt như một thái sơn dủ bóng che mát đời con, như một thách thức để con vươn lên, và như một điều mà người con không thể thiếu trong đời. Thiếu cha, đời con sẽ trở thành lạc lõng, cô đơn. 

– Bài số 2

Đối với bản thân mỗi chúng ta, mẹ luôn là người vô cùng quan trọng trong đời. Mẹ chính là người đã mang nặng đẻ đau, sinh ra chúng ta, là người chăm lo cho ta từng bữa ăn, từng giấc ngủ và dạy cho ta những điều tốt đẹp để ta vững bước trên đường đời. Những câu hát ru và dòng sữa ấm của mẹ vẫn luôn in đậm sâu trong ký ức và tiềm thức mỗi con người.

Riêng đối với tôi, một đứa trẻ đã không còn mẹ kể từ khi lên 3 tuổi thì ký ức của tôi về mẹ không có nhiều. Chỉ còn tồn tại những cảm giác thân thuộc, cảm giác gần gũi mỗi khi ai đó nhắc về mẹ. 

Người quan trọng nhất với tôi lúc này chỉ có cha. Người cha thân yêu của tôi. Bởi cha phải mang trách nhiệm vừa là cha, những cũng vừa thay mẹ chăm sóc đứa con bé bỏng. Một tay cha đã nuôi dạy tôi nên người. Sáng nào cha cũng dạy từ rất sớm để chuẩn bị bữa sáng cho tôi. Cha biết đứa con gái bé bỏng vẫn thích được ăn cơm rang, nên vào buổi tối hôm trước thì cha thường nấu nhiều cơm để sáng hôm sau còn cơm nguội rang cho tôi. 

Cơm cha rang rất ngon, nhờ vậy mà lúc nào tôi cũng có thể ăn được hai bát hoặc nhiều hơn. Không những thế, cha cũng thường hay chuẩn bị áo quần mỗi sáng cho tôi đi học. Cha vẫn luôn dạy tôi rằng, là con gái phải biết ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Vì thế nên dù quần áo của tôi không nhiều, nhưng bộ nào cũng đều được cha tôi giặt, là phẳng rồi treo sẵn trong tủ cho tôi. 

Sau khi đã ăn sáng và thay quần áo xong, cha trở tôi đi học trên chiếc xe máy cũ mà ông nội đã để lại cho cha trước khi ông qua đời. Chiếc xe ấy dù đã rất cũ những đó là tất cả tài sản mà hai cha con có. Nhà tôi vì ở xa trường, đường lại khó đi nên ngày nào cha cũng phải trở tôi đi học, rồi lại đón tôi về. Cho dù trời nắng, hay trời mưa đi nữa. Có một lần khi trở tôi đi học về, do đường trơn trượt nên cha bị ngã xe nặng lắm. Vậy mà chưa khi nào cha cảm thấy vất vả và cáu lên với tôi. Tôi nhớ, có lần tôi còn trách cha vì đến đón tôi muộn, để tôi phải ngóng chờ, bị đói bụng. Nhưng cha thì chỉ hiền từ mỉm cười và nói xin lỗi tôi. Lúc ấy tôi thực sự cảm thấy hối hận vì đã trách cha vô cùng, cảm thương cho người cha đã vất vả nuôi tôi khôn lớn.

Cuộc sống của hai cha con cũng rất vất vả, cha làm thợ xây để có những đồng tiền trang trải cho gia đình. Những ngôi nhà quanh đây cũng đều có phần cha tôi xây nên. Tôi luôn yêu quý và tự hào về người cha đáng kính của mình. Cho dù mẹ tôi không còn nữa, dù cho đôi khi tôi có cảm thấy tủi thân và thiệt thòi vì thiếu đi tình yêu thương của người mẹ. Nhưng những suy nghĩ đó cũng chỉ là thoáng qua, bởi bên cạnh tôi vẫn luôn có một người mẹ thứ hai đó là cha.  Chỉ có 2 cha con nương tựa vào nhau, nên dù là con gái nhưng chuyện gì tôi cũng tâm sự hết với cha. Có những khi cha ủng hộ suy nghĩ của tôi, nhưng cũng có những lúc cha không đồng ý, và cha lại chỉ cho tôi những lời khuyên bổ ích, để tôi biết thế nào là đúng, là sai? Cha vẫn thay mẹ hàng ngày chăm lo cho tôi mọi thứ, chăm lo từ mỗi bữa ăn cho đến giấc ngủ. 

Cha khéo tay lắm, bất cứ món gì cha cũng đều nấu rất ngon.  Nhất là món thịt kho tàu, mỗi khi được cha nấu cho ăn món này thì tôi đều có thể chén sạch nồi cơm. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ cha vẫn luôn dặn tôi phải sắp xếp sách vở kỹ càng trước để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Nếu mai có lỡ dạy muộn thì cũng không vì vội vàng mà quên sách vở. Những lời dạy đó của cha đã giúp tôi ngày một trưởng thành hơn rất nhiều. Là con gái nên có nhiều khi tôi nhớ mẹ da diết, thế nhưng rồi nhanh chóng tôi lại nghĩ tới người cha đang từng ngày bên tôi và vui lên. Có cha ở bên mình, tôi thấy như có đủ sức mạnh để vượt qua được mọi chuyện và làm được mọi thứ.

Trong mọi suy nghĩ của tôi, cha luôn là một người tuyệt vời nhất trên đời này. Dù cho cuộc sống này có vất vả thế nào đi nữa, thì tôi cũng luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng hết sức học tập thật tốt, để cha luôn cảm thấy hãnh diện về đứa con gái bé bỏng này. Tôi sẽ luôn nghe, và không bao giờ làm cha phải buồn lòng. Để cha luôn mạnh khỏe, và sống hạnh phúc bên tôi.

– Bài số 3

Bao biến cố của cuộc đời làm sao xoay chuyển được tình cha dành cho con. Không quản khó “mang nặng, đẻ đau” như mẹ nhưng với mỗi người cha, đó là hạnh phúc nói lên trên ánh mắt khi tuổi đời không còn trẻ.

Tôi biết bờ vai của người đàn ông luôn ấm áp, vững chãi để có thể là điểm tựa của vợ con, nhưng cũng là đòn gánh nặng cho gia đình với mối lo cơm áo gạo tiền. Tôi vẫn biết trên khóe mắt cha có một đường dài của nước mắt đã bào mòn đi phần da thịt theo năm tháng. Dãi nắng dầm mưa trong từng chuyến xe chở con đi học, dẫu không nói được bằng lời nhưng trong từng vòng eo con ôm là chan chứa những hạnh phúc khi còn có cha bên cạnh.

Tôi biết bàn tay cha có những vết chai sần làm lụng, cũng là bàn tay cha chặt roi đe nẹt khi bài kiểm tra năm điểm con lén giấu đi mất. Tôi nhận ra mái tóc cha bạc đi nhiều sau những lần mong ngóng con về trong dịp lễ tết. Đó là những mưa nắng của thời tiết, những khắc nghiệt của thời gian ghi dấu lại như đánh thức con giữa những bộn bề cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Thương tổn của thời gian hằn trên người cha đã làm những đứa con khi về thăm cha không khỏi nghẹn ngào xúc động. Mới đây nhìn cha đã già đến thế sao? Người ta vẫn nói con trai thường khó bày tỏ cảm xúc hơn con gái, nhưng tôi biết đâu đó giữa hàng triệu người con vẫn đau đáu trong lòng mong muốn được tri ân và tỏ lòng cho những người cha thầm lặng đồng hành theo từng bước đường con đi.

Có người con trai Việt Nam từng sang Hàn Quốc lao động không may mắn bị chặt đứt bàn tay, đến khi có một nhóm bạn trẻ muốn báo tin về gia đình thì anh nhẹ nhàng nói: “Tôi không sợ thân thể mình bị đau, nhưng sợ nếu cha tôi thấy sẽ rất đau đớn cho một phần máu thịt của mình bị tổn thương!”.

Tôi từng nghe một câu nói rất dễ thương của một học trò lớp 1 khi cô giáo hỏi:

– Sau này em muốn làm gì?

– Dạ thưa cô, em muốn trở thành cha. Cậu bé nhanh nhảu đáp.

– Sao em lại muốn làm cha? Cô giáo ngạc nhiên hỏi.

Cậu học trò lúng túng nhưng trả lời kính cẩn:

– Dạ thưa cô, vì cha em rất giỏi!

Câu chuyện của cậu học trò làm tôi suy nghĩ về tất cả những gì cha đã hình thành nhân cách trong tôi. Đó là những đức tính suốt đời tôi vẫn mang theo. Cha dạy làm con trai phải rèn luyện tâm cho vững, trí cho sáng, dũng bên mình. Đó là khi cha đón nhận hạnh phúc từ một người con trai đã trưởng thành đứng dậy.

Sau này lớn lên chẳng có mấy dịp được cạnh cha để ôm chặt eo bụng cha và nhắm tịt mắt giữa cơn gió mát, tôi thèm một tiếng gọi “Cha ơi!” rồi chợt chảy nước mắt vỡ òa. Lại một ngày của cha sắp qua đi, cha tôi lại già thêm một tuổi. Một tuổi là một mùa xuân, tôi biết chắc hẳn cha sẽ không biết sự tồn tại của ngày lễ này… Nhưng với mỗi phận làm con, đó là một ngày lễ tri ân sâu sắc từ trái tim con trai này. Những dòng chữ ít ỏi chưa xong nhưng sống mũi con đã cay xè rồi, cha ơi!

– Bài số 4

Cảm nghĩ của em về người cha của mình trong tâm trí vô cùng đặc biệt. Cha không những có ơn dưỡng dục mà giống như một người bạn, người thầy dạy bảo em từng chút một, đồng hành cùng em trong cuộc sống.

Trong mắt tôi cha luôn là một con người vĩ đại, bởi cha biết làm đủ mọi việc từ việc lớn đến việc nhỏ. Những khi mẹ vắng nhà một thời gian dài, cha thay mẹ chăm chị em tôi từng ly từng tý, cẩn thận và chăm chút không khác gì mẹ. Lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ là thế nhưng không lúc nào cha than phiền mệt mỏi. Gia đình tôi không mấy khá giả, hàng ngày cha mẹ phải ra đồng làm việc để có tiền nuôi các con ăn học, nếu như mẹ vất vả công việc nội trợ thì cha là người gánh nặng hơn trong việc kiếm tiền. Ở quê công việc của mọi nhà chủ yếu là làm ruộng theo mùa vụ, mùa trồng lúa và trồng hoa màu, nhưng không vì thế mà cả nhà mất đi tiếng cười nói, vui vẻ trong nhà. Bởi luôn có tình yêu thương của cha dành cho mẹ con tôi.

Trường cách nhà tôi khá xa, từ nhỏ đến giờ tôi luôn được cha chở đi học trên con xe đạp đã cũ của gia đình tôi. Dù trời nắng hay trời mưa, tôi đều được ngồi sau xe của cha, cái cảm giác ấy hạnh phúc biết bao. Ở nhà ba luôn là người chiều tôi nhất, muốn ăn gì, muốn làm gì cũng được ba đồng ý. Có thể là do tôi là con gái rượu của ông chăng?

Không chỉ giỏi công việc ngoài xã hội, cha tôi còn là một người rát giỏi nấu ăn, trong nhà mẹ tôi nấu ăn cũng ngon nhưng thỉnh thoảng cha tôi hay vào bếp, nấu những món mới lạ, cầu kỳ cho mọi người thưởng thức, và những món ấy thì vô cùng ngon và hợp khẩu vị với mọi người. Mặc dù rất ít khi vào bếp nhưng những món ăn của cha luôn là món ăn khoái khẩu của chị em tôi và những lúc như vậy chúng tôi chỉ muốn ăn them nữa, them nữa. Mỗi buổi tối trước khi học bài đi ngủ, cha không quên dặn tôi phải sắp xếp sách vở cho ngày mai cẩn thận, không được quên vở, chính vì những lời nhắc đó mà tôi có được thói quen này từ nhiều năm nay. Mỗi lời cha dặn luôn là một bước đệm cho tôi trưởng thành và người lớn hơn. Có cha bên cạnh tôi cảm thấy mọi việc trở nên dễ dàng và vượt qua tốt hơn rất nhiều.

Với tôi cha không chỉ là một người cha tuyệt vời mà còn là một người thầy, người anh cùng tôi thực hiện biết bao việc và hoài bão tương lai. Cảm nghĩ của tôi về cha luôn là người đàn ông tuyệt vời nhất đối với tôi và gia đình trên thế giới này. Chính vì có một người cha tuyệt vời như vậy mà tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào, đồng thời tự nhủ mình sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng cha và những người than xung quanh mình. Với tình yêu thương vô bờ bến, tôi sẽ không bao giờ phải khiến cha phiền lòng vì trong sâu thẳm trái tim, tôi luôn muốn nói con yêu cha rất nhiều và muốn cha tự hào về tôi hôm nay và cả sau này.

Vũ Hường tổng hợp

0