Suy nghĩ về việc học của học sinh ngày nay
– Bài số 1 Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển thì việc học tập cũng phát triển theo. Chính vì vậy giới học sinh chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân. Nhưng theo tôi: trong học ...
– Bài số 1
Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển thì việc học tập cũng phát triển theo. Chính vì vậy giới học sinh chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân. Nhưng theo tôi: trong học tập, tự học là cách học tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong khi học. Và khi nói đến vấn đề này, tôi muốn mọi người hiểu được trước nhất là ý nghĩa của việc học rồi mới đến cách tự học. Vậy học là gì?
Tự học là gì? Học là quá trình con người tiếp thu những kiến thức, kĩ năng do người khác truyền lại và tự học là việc con người phát huy những kiến thức, kĩ năng đã được truyền lại bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình. Thực tế ngày nay cho thấy các cách học của các bạn chưa mang lại hiệu quả cao. Học sinh ngày nay đã quá phụ thuộc vào các bài giảng của thầy cô trên lớp, thầy cô dạy như thế nào thì lại hiểu và học như thế ấy dẫn đến quá trình thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo trong lúc học để đào sâu kho tàng kiến thức còn ẩn sâu các bài giảng của thầy cô. Và cũng chính vì chỉ học cô đọng trong các bài giảng bốn mười lăm phút trên lớp của thầy cô mà dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan. Mà khi đã học thêm tràn lan thì lại càng khiến mọi người không chịu tự học, càng thêm phụ thuộc vào việc học thêm. Thêm việc ngày nay khi việc học được nâng cao thì có quá nhiều sách tham khảo, văn mẫu, hướng dẫn…dẫn đến việc học sinh đâm lười suy nghĩ trong khi làm các bài tập.Vì vậy, tự học còn giúp bạn hình thành đức tính cần cù, chịu thương chịu khó… giúp bạn vượt qua mọi trở ngại và tự tin vào cuộc sống!
Hậu quả của những việc trên rất nặng nề vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng "học vẹt": học thuộc bài nhưng không hiểu nội dung, vấn đền được nêu ra trong bài dẫn đến việc học xong là quên ngay, kiến thức không bền và sẽ không làm được các bài tập thực hành, chỉ học lí thuyết suông, kiến thức sẽ ngày càng rỗng, thành tích học tập sẽ càng sút kém khiến mọi người đâm nãn chí. Một khi kiến thức đã trang bị không chắc chắn thì kết quả sẽ không bao giờ cao.
Chính những thực tế được nêu trên lại càng khẳng định việc tự học cho bản thân là rất quan trọng. Nó chính là một chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong học tập. Nếu chúng ta biết tự học cho bản thân thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và nâng cao được tri thức của chính mình. Tự học giúp con người có được ý thức tốt nhất trong quá trình học: chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề từ đó tự học giúp ta tiếp thu được kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, từ truyền hình ti vi, từ bạn bè hoặc từ những người xung quanh,những kinh nghiệm sống của nhân dân. Tự học giúp ta có thể chủ động ghi nhớ các bài giảng trên lớp, tiết kiệm được thời gian, có thể tiếp thu một lượng kiến thức lớn mà vẫn hiểu và nắm chắc bài học. Và qua tự học, từ lí thuyết, chúng ta biết chủ động luyện tập thực hành, giúp ta có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kiến thức đã học. Vì vậy, chủ động tự học sẽ giúp ta tìm ra được phương pháp học tốt nhất mang lại hiệu quả cao cho chính bản thân mình. Ví như các vị danh nhân nổi tiếng trên thế giới thành đạt trong sự nghiệp học tập, có được kiến thức uyên thâm cũng là nhờ biết chủ động tự học mà dẫn đến thành công như Thần đồng Lương Thế Vinh khi xưa, nhờ cố gắng chủ động tự học cộng với phẩm chất thông minh trời ban mà sau đỗ trạng, chế ra bảng cửu chương còn lưu truyền mãi đến ngày nay…hay Trạng nguyên lừng danh Mạc Đinh Chi, lúc nhỏ nhờ biết chủ động tự học, sáng tạo cách học bắt đom đóm bỏ vỏ trứng mà sau đỗ trạng, đi xứ làm rạng danh nước nhà, được phong "Lưỡng Quốc Trạng Nguyên" vang danh hai nước, ghi vào sử sách nhân loại về những tấm gương tự học sáng ngời. Tuy phương pháp tự học đã có từ lâu đời những đó là một phương pháp rất có hiệu quả cho việc học tập. Tôi khẳng định rằng tự học là chìa khóa, là con đường đưa ta đến thành công…Vị lãnh tụ vĩ đại ngày trước của dân tộc Việt Nam ta cũng đã từng nỗ lực tự học, Bác đã tự say mê tìm tòi học hỏi và đã thành công, thông thuộc được nhiều ngôn ngữ của các nước trên thế giới và tìm ra được con đường cứu nước, đưa cả dân tộc Việt Nam ra khỏi ách đô hộ của giặc Tây tàn ác, hướng đến nền độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc ngày nay.
Chính vì vậy, tự học là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập,mang lại một kết quả học tập cao nhất có thể. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học,chúng ta sẽ thành công, sẽ mở được một tương lai rộng mở cho chính mình.Nếu chúng ta học tập thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.
– Bài số 2
Học tập luôn là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Phương pháp học luôn là điều quan trọng với mỗi người học. Cũng có câu "Học thày không tày học bạn". Chính vì thế các phương pháp học luôn được tìm tòi và trở thành trào lưu. Có rất nhiều trào lưu phương pháp học đúng đắn chẳng hạn như việc học trực tuyến. Đây là một phương pháp học rất phù hợp với sự phát triển của giáo dục ngày nay. Nhưng bên cạnh những phương pháp học tiến bộ và phù hợp đó vẫn có lối học không tốt. Cụ thể là tình trạng học lệch ôn thi lệch của học sinh ngày nay.
Học lệch ôn thi lệch là học và ôn thi chỉ tập trung vào một số môn cụ thể mà không quan tâm đến những môn khác. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở bậc trung học phổ thông. Bởi với bậc trung học phổ thông kì thi vào đại học là quan trọng nhất. Và kì thi đại học được thi phân loại theo từng nhóm môn học khác nhau. Giáo dục Việt Nam bao gồm những khối học truyền thống như A(Toán, Lý, Hóa); B(Toán, Hóa, Sinh); D(Toán, Văn, Anh); C(Văn, Sử, Địa). Một số khối học, tổ hơp môn học mới như A1(Toán, Lý, Anh), (Toán, Hóa, Anh)…. Chính vì thế mà học sinh cấp ba thường chỉ tập trung vào khối thi đã chọn của mình và sao nhãng những môn học khác có trong chương trình cơ bản trong phần giáo dục bắt buộc theo qui định của Bộ giáo dục hiện nay. Nhưng vấn đề là việc học lệch và ôn thi lệch không hề đem lại hậu quả ngay tức khắc. Ngược lại, nó còn có thể mang lại kết quả tốt đep. Việc học lệch và ôn thi lệch còn mang kết quả tốt hơn so với việc học đồng đều. Khả năng của con người là có hạn và người học cũng vậy. Việc học lệch và ôn thi lệch tạo điều lý tưởng để người học có thể tập trung nhiều thời gian để đem lại hiệu quả tốt nhất cho môn học đó. Chính vì lý do này mà tình trạng học lệch vẫn tiếp diễn mặc dù nhà trường đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Bởi vậy, giảm tình trạng học lệch luôn là vấn đề nan giải và đau đầu với nhà trường cũng như những nhà phát triển giáo dục. Việc học lệch có thể mang lại kết quả tốt ngay tức thì nhưng hậu quả của nó là mãi về sau này. Học lệch, tập trung vào một số môn học sao nhãng, lơ là các môn học còn lại làm cho bạn bị thiếu hụt kiến thức. Không phải ngẫu nhiên mà người phát triển giáo dục và quản lý hoạt động giáo dục lại sắp xếp, lựa chọn chương trình các môn học. Tất cả các môn học đều có lợi cho sự phát triển tri thức một cách đồng đều. Việc học lệch có thể làm lu mờ tầm quan trọng của những môn học khác. Nhưng tôi dám khẳng định với bạn rằng, chắc chắn một ngày nào đó bạn phải sử dụng đến những kiến thức mà bạn đã từng lãng quên ấy. Không cần phải xa xôi đâu cả. Ngay khi bạn học đại học, những kiến thức mà có thể bạn đã từng lãng quên ấy là hành trang không thể thiếu để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của bạn. Ngoài ra việc học lệch ôn thi lệch còn khiến cho não bộ phát triển không đồng đều. Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều. Cũng có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do người học không quyết tâm, cố gắng, không học đúng nghĩa của người học. Họ học không đúng nghĩa đam mê tìm tòi học hỏi với mục đích phát triển trí tuệ. Họ chỉ học bởi bố mẹ cho đi học chỉ học như một việc rất đỗi bình thường. Với thái độ học tập như vậy nên việc học đều là điều ít có thể xảy ra. Nguyên nhân khách quan là do phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa tạo được hứng thú cho học sinh. Giáo viên chưa truyền hết được nhiệt huyết của mình với môn học khiến cho học sinh không yêu, không nhiệt huyết với môn học khiến cho việc học lệch ngày càng gia tăng. Không hứng thú với môn học dù là do nguyên nhân nào đi nữa cũng là tác nhân chính gây nên hiện tượng học lệch và ôn thi lệch. Trước tình trạng này, mọi người và đặc bệt là người quan tâm đến giáo dục nước nhà luôn tìm cách để khắc phục chúng. Như cải cách, đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử. Khẳng định rõ vai trò và vị trí của những môn học nền tảng còn lại. Không còn đặt suy nghĩ với học sinh khái niệm môn phụ môn chính, tạo điều kiện cho học sinh học đều và toàn diện. Học lệch và ôn thi lệch cũng giống như cái cây lớn lên mà không đủ rễ. Nó vẫn có thể sống nhưng không thể phát triển khỏe mạnh như những cây khác cũng loài. Học lệch và ôn th lệch không thể giúp người học phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Không đạt được điều đó, ta vẫn chưa thể đạt được mục đích thật sự của việc học hỏi. Với phương chân là phát triển toàn diện, chúng ta cần nhận rõ ý nghĩa cũng như hiểm họa mà việc học lệch gây ra. Học sinh nên cần được giáo dục nhận thức hàng ngày để hiểu rõ mình đi học để làm gì? Nhận thức được điều đó tự khắc nội dung trong chương trình học tập sẽ được học sinh tiếp thu tìm hiểu một cách khoa học nhất. Không phải chỉ có học lệch và ôn thi lệch mới có kết quả cao nhất trong học tập. Đã có rất nhiều tâm gương học đều học xuất sắc. Không cần phải đi tìm kiếm tấm gương ở đâu xa. Trong lớp học của bạn chắc chắn có không ít những bạn học đều giỏi tất cả các môn học. vậy thì tại sao những người khác lại phải chọn con đường học và ôn lệch. Thiết nghĩ điều đó là không cần thiết. Hãy để kiến thức trên trường lớp là hành trang quí báu để bạn bước vào đời.
Học lệch và ôn thi lệch là một phương pháp không hợp lý. Trái lại với học lệch và ôn thi lệch là học đồng đều với đam mê tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và tối ưu nhất. Như tôi đã nói ở trên, học lệch giống như cái cây sống không đủ rễ vậy. Không đủ rễ không chỉ không phát triển vượt trội mà còn dễ bị quật ngã trước bão táp sóng gió của cuộc đời. Kiến thức, tri thức không bao giờ là thừa thãi. Hãy cố gắng lấp đầy nó để tự tin bước trên con đường mình đã chọn.
– Bài số 3
Tự học là một quá trình tự bản thân người học thu thập thông tin, xử lý thông tin để biến thành kiến thức của mình.
Hiện nay trong nhà trường khâu tự học chưa được coi trọng đúng mức. Do nhiều nguyên nhân, học sinh hiện nay đều ỷ lại thầy cô giáo: ngồi học chỉ biết chép vào vở, học thuộc và trả bài đúng như bài giảng. Mức độ này chỉ tái hiện vấn đề chứ chưa tái tạo, chưa mang tính sáng tạo cá nhân. Vì vậy, học sinh thường mau quên kiến thức, ra trường là “chữ thầy lại trả cho thầy”, kiến thức chẳng đọng lại được bao nhiêu.
Muốn quá trình dạy và học đạt kết quả, vai trò của người thầy rất quan trọng. Thầy là người định hướng kiến thức, đóng vai trò cố vấn cho học sinh. Cho nên, thầy cần khuyến khích động viên khi học sinh có những tìm tòi, sáng tạo hoặc có những bài giải hay ý kiến khác mình, thậm chí khác cả với sách giáo khoa.
Mặt khác, học sinh cần xác định động cơ, mục đích việc tự học, thấy được lợi ích của việc tự học. Từ đó, nó đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, miệt mài trong học tập. Bởi kiến thức ở trường chỉ là kiến thức cơ bản. Muốn mở rộng, khắc sâu thì không có con đường nào ngoài tự học. Sự sáng tạo sẽ nảy sinh trong quá trình tự học. Nếu cứ phụ thuộc vào sách giải, sách mẫu; vào bài giải của giáo viên trong những buổi học thêm thì kiến thức không bền, bởi đó không phải do kết quả tư duy của bản thân. Tư duy là suy nghĩ trong hoàn cảnh có vấn đề. Tư duy là mức độ cao nhất của quá trình nhận thức. Rèn luyện phương pháp tư duy trong tự học rất quan trọng, nó góp phần cho bản thân nhìn rõ và xử lý nhanh vấn đề, thông tin cần biết. Bên cạnh đó, vai trò của cha mẹ là không thể thiếu trong việc tạo điều kiện cho con tự học. Trong nhà, cần có “góc học tập” tạo nên một không gian riêng cho con. “Góc học tập” cần thoáng, mát, đầy đủ ánh sáng để tạo cảm giác thoải mái trong khi tự học ở nhà. Cha mẹ cũng nên khuyến khích, động viên, khuyên nhủ con về mặt tích cực của quá trình tự học, tự lĩnh hội kiến thức. Nếu có tranh luận, cần tôn trọng ý kiến của con, không áp đặt cách hiểu của người lớn cho con. Ngoài ra, mối liên thông giữa nhà trường và gia đình cần liên hệ thường xuyên để nắm bắt thông tin về việc học tập, rèn luyện của con mình.
Tự học là con đường đi tới mọi thành công trong cuộc sống. Tự học giúp ta chủ động tìm hiểu, thu thập kiến thức, tự làm giàu kho kiến thức của mình. Tự học lúc còn học phổ thông sẽ là tiền đề tốt cho cho việc tự học ở bậc đại học, sau đại học sau này.
– Bài số 4
Từng có câu: "ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lí lẽ", việc học có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi người. Một con người nếu không được học tập thì khó mà đứng vững trên đường đời. Bởi thế mà, từ xưa ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu phải cố gắng học hành, phấn đấu rèn luyện thật tốt. Ấy vậy mà, trong thời đại phát triển như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là có nhiều học sinh lơ là, chán nản việc học. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cá nhân học sinh mà còn tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước, của xã hội.
Cá nhân học sinh: lười nhác, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức, lơ đãng, chỉ lo đua đòi theo chúng bạn mà quên mất nhiệm vụ chính của mình, bị bạn bè lôi kéo, không xác định rõ con đường tiếp theo mà mình bước đến, chưa có lí tưởng và tư tưởng vững chắc, không có ước mơ để làm mục tiêu phấn đấu… Gia đình, cha mẹ quá nuông chiều con cái, chưa có sự quan tâm cần thiết với quá trình học tập của học sinh, tạo áp lực quá nhiều cho con trong việc học hành mà không quan tâm đến cảm giác và suy nghĩ của con mình…
Nhà trường: thầy cô giáo chưa tạo được sự thu hút học sinh vào học tập, chưa đánh trúng tâm lí học sinh, còn nhiều cách dạy bảo thủ. Mặt khác, chương trình học quá nặng với học sinh, áp lực từ nhiều phía, theo tâm lí: không học thêm thì học không giỏi khiến học sinh chỉ biết cắm đầu học nìà không biết mình học vì cái gì và tiếp thu được gì.
Xã hội: cùng hoà vào nhịp độ phát triển của thời đại, xã hội nước ta có nhiều biến đổi vừa tích cực vừa tiêu cực. Trong đó việc tiếp thu thiếu chọn lọc các nền văn hoá của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lí học hành của học sinh. Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử thu hút sự chú ý của học sinh, các kiểu ăn diện, phim ảnh làm thế giới học trò lúc nào cũng xao động mà lơ đãng đến nhiệm vụ chính của mình. Nhiều học sinh bỏ tiết, trốn học đi chơi, chui đầu vào các quán nét để giết thời gian thay vì lên lớp. Thành tích học tập đã xuống dốc nhiều.
Có nhiều học sinh bỏ bê học hành và lao vào các tệ nạn xã hội. Cá nhân học sinh: tương lai mờ mịt, không có định hướng cho phía trước, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng của xã hội (một số trường hợp hiếm hoi thì có chiều hướng tích cực hơn), có sự tha hoá và xuống dốc về đạo đức, không nhận ra giá trị của cuộc sống và không biết cách trân trọng, lỡ mất tuổi trẻ…Gia đình sẽ mất đi niềm tin nơi con cái, khi thấy thành tích của con không như mình mong đợi thì có những thái độ gắt gỏng, không vui, gia đình không hoà hợp.
Xã hội: về lâu dài sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, học sinh là thế hệ trẻ của xã hội nhưng đội ngũ này không có chất lượng thì không đảm bảo phát triển bền vững, nguồn nhân lực kém… Cá nhân học sinh: cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và có ý thức hơn, xác định cho mình một ước mơ, động lực học tập, biết cách kết hợp hài hoà giữa chơi và học, có lập trường vững chắc… Nhà trường: thay đổi phương pháp dạy và học, nắm bắt tâm lí học sinh, tạo sự hứng thú trong học tập, phát huy tính năng động của học sinh, chương trình học phải phù hợp vs học sinh, không nên quá nặng và tạo quá nhiều áp lực. Gia đình nên có cái nhìn thoáng hơn, không nên làm học sinh quá căng thẳng, không quá nuông chiều, quan tâm nhiều hơn đến con mình… Xã hội cần tuyên truyền rộng rãi để làm tăng nhận thức của mọi người, có nhiều chương trình khuyến học hơn, có ý thức trong tiếp thu văn hoá nước ngoài… Hiện tượng này có sự tác động từ nhiều phía, nhưng nhìn một cách khách quan thì chủ yếu là từ các yếu tố bên ngoài bởi thế mà học sinh mới có sự chán nản và lười học, có thể nói ngay đến cả những học sinh chăm chỉ nhất cũng chưa chắc đã thực sự muốn kéo dài tình trạng này, chương trình nặng, áp lực quá cao… Điều quan trọng là ý thức của mỗi người, cần có cái nhìn về nhiều phương diện để có thể đánh giá và có cái nhìn đúng nhất.
Học tập là chuyện của mỗi người nhưng cũng là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cả xã hội. Tuổi trẻ là mùa xuân của xâ hội, bởi thế mà nếu mùa xuân ấy chưa đến mà đã vội lụi tàn thì xã hội sẽ như nhà mà không có cột vậy.
Vũ Hường tổng hợp