Cách hạch toán giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ – TK 171
Kế toán Centax xin giới thiệu Cách hạch toán giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ – TK 171 Thông tư 200/2014/TT-BTC mới nhất như sau: 1. Nguyên tắc kế toán Tài khoản này dùng để phản ánh các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ phát sinh trong kỳ. Tài khoản này chỉ ghi nhận ...
Kế toán Centax xin giới thiệu Cách hạch toán giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ – TK 171 Thông tư 200/2014/TT-BTC mới nhất như sau:
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ phát sinh trong kỳ. Tài khoản này chỉ ghi nhận giá trị của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, không ghi nhận khoản coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 171 – Giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ
Bên Nợ:
– Giá trị trái phiếu Chính phủ mua lại của bên bán khi hết hạn hợp đồng;
– Giá trị trái phiếu khi mua của bên mua khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
– Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên mua.
Bên Có:
– Giá trị trái phiếu Chính phủ khi bán theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ của bên mua khi hết hạn hợp đồng;
– Giá trị trái phiếu khi bán của bên bán khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
– Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua lại trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên bán.
Số dư bên Nợ: Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
Số dư bên Có: Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Kế toán đối với bên bán trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo)
a) Khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực, ghi:
Nợ TK 111,112 (số tiền theo giá bán)
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
b) Định kỳ, bên bán phân bổ số chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào chi phí, ghi:
Nợ TK 635- Chi phí tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán)
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (thời gian phân bổ phù hợp với thời gian của hợp đồng).
c) Khi kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, công ty nhận lại chứng khoán và thanh toán tiền ghi trong hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 111,112 (theo giá mua lại ghi trong hợp đồng).
d) Khi bên mua thanh toán cho bên bán số coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, bên bán ghi:
Nợ các TK 111,112,138
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán) (số coupon của trái phiếu).
3.2. Kế toán đối với bên mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo)
a) Khi hợp đồng có hiệu lực, căn cứ vào chứng từ xuất tiền và các chứng từ khác, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 111, 112 (số tiền phải trả theo giá mua).
b) Định kỳ, bên mua phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào doanh thu, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán) (phân bổ theo thời gian của hợp đồng).
c) Khi nhận được coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, ghi:
Nợ TK 111,112, …
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388).
d) Khi kết thúc thời hạn của hợp đồng ghi:
Nợ các TK 111,112,138
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
Đồng thời thực hiện các thủ tục thanh toán lại số coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng mà bên mua nhận hộ, ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác
Có TK 111,112…