24/05/2018, 21:38

Các chỉ tiêu đánh giá

Sản phẩm. Đây cũng là một chỉ tiêu phản ánh sức cạnh tranh của hàng hoá doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi thâm nhập vào một thị trường có thể với một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm. Nếu sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp ...

Sản phẩm.

Đây cũng là một chỉ tiêu phản ánh sức cạnh tranh của hàng hoá doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi thâm nhập vào một thị trường có thể với một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm. Nếu sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường thì sẽ làm tăng sức cạnh tranh các mặt hàng của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần phải luôn hoàn thiện sản phẩm bằng cách đưa ra sự thay đổi lớn những sản phẩm sẵn có, mở rộng chủng loại sản phẩm của doanh nghiệp, rập mẫu, bắt chước những sản phẩm đã có trên thị trường của doanh nghiệp khác, cải tiến mẫu mã, đồng thời doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá. Đa dạng hoá sản phẩm không chỉ là để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thị trường, thu nhiều lợi nhuận mà còn là biện pháp phân tán rủi ro trong kinh doanh khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Do vậy, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm tối ưu là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời cũng quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.

Giá thành và giá cả.

Giá thành của sản phẩm là giá trị của tất cả các yếu tố đầu vào hình thành nên sản phẩm như: nguyên vật liệu, nhân công, công nghệ sản xuất...Từ giá thành của sản phẩm sẽ xác định được giá bán trên thị trường. Do vậy, muốn có giá bán sản phẩm thấp thì doanh nghiệp phải tìm các hạ giá thành tức là phải tận dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có như tài nguyên phong phú nguồn nhân lực dồi dào, đồng thời đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý...có như vậy mới hạ được giá thành sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá.

Giá của một sản phẩm trên thị trường được hình thành thông qua quan hệ cung cầu tức là thông qua sự thoả thuận giữa người mua và người bán để đi tới mức giá mà cả hai bên đều thấy có lợi và chấp nhận được. Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh của các doanh ngghiệp thì khách hàng có quyền lựa chọn cho mình sản phẩm tốt nhất và cùng một loại sản phẩm thì chắc chắn họ sẽ lựa chọn sản phẩm có giá bán thấp hơn. Vì vậy giá cả là công cụ cạnh tranh hữu hiệu trên thị trường. Doanh nghiệp có thể định giá bán thấp, bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Để chiếm ưu thế trong cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải có sụ lựa chọn các chính sách giá thích hợp cho từng loại sản phẩm từng giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm hay tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng vùng thị trường.

Chất lượng sản phẩm.

Ngày nay, do đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao nên người tiêu dùng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm cùng loại có chất lượng tốt hơn hẳn. Vì vậy, chất lượng sản phẩm là chỉ tiêu quan trọng nhất biểu hiện khả năng cạnh tranh hàng hoá của doanh nghiệp.

Chất lượng sản phẩm là hệ thống nội tại của sản phẩm được xác định bằng các thông số kỹ thuật có thể được đo lường hoặc so sánh được nhằm thoả mãn yêu cầu của người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm được hình thành từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất và ngay cả sau khi tiêu thụ hàng hoá và chịu tác động của nhiều yếu tố: máy móc thiết bị, nguyên vật liêu, trình độ tay nghề của người lao động, trình độ quản lý, hệ thống dịch vụ khách hàng...

Chất lượng sản phẩm thể hiện tính quyết định khả năng cạnh tranh hàng hoá của doanh nghiệp ở chỗ:

- Chất lượng sản phẩm tăng sẽ làm tăng giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ làm tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng khối lượng sản phẩm bán ra và kéo dài chu kỳ sống cuỉa sản phẩm, từ đó làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Sản phẩm có chất lượng cao sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp từ đó thị phần của doanh nghiệp sẽ được mở rộng.

Vì thế, vấn đề chất lượng sản phẩm là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với một doanh nghiệp bởi vì chất lượng sản phẩm thấp cũng đồng nghĩa với việc giảm uy tín, mất khách hàng và nhanh chóng phá sản. Điều này càng quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ phải đương đầu với các công ty đa quốc gia có vốn lớn, có tiềm lực về công nghệ, kinh nghiệm và uy tín từ rất lâu.

Dịch vụ.

Dịch vụ cũng là một chỉ tiêu đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm này so với sản phẩm khác. Dịch vụ là một công cụ cạnh tranh hết sức phổ biến trên thị trường quốc tế, đó có thể là dịch vụ trước khi bán, dịch vụ bán hàng tận nơi cho khách hàng, dịch vụ sau bán hàng... Cạnh tranh bằng dịch vụ ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và đa dạng hơn, nhất là khi lĩnh vực dịch vụ đang tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Cạnh tranh bằng dịch vụ có hiệu quả rất cao vì khi đó khách hàng thấy mình được tôn trọng hơn và do đó họ sẽ cảm tình với sản phẩm và doanh nghiệp.

Uy tín của doanh nghiệp.

Uy tín của doanh nghiệp được hình thành dựa trên chất lượng, giá trị sử dụng của sản phẩm các dịch vụ sau bán hàng, thời gian giao hàng, quy mô của doanh nghiệp...Một doanh nghiệp có uy tín với khách hàng thì đồng nghĩa với việc có được lợi thế trong cạnh tranh. Khách hàng khi đó tin rằng sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng cao, dịch vụ sau bán hàng tốt...Do đó sản phẩm của doanh nghiệp khi đưa ra thị trường có thể nhanh chóng thu hút được người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm một phần chi phí cho việc thu hút khách hàng, khách hàng sẽ trung thành với doanh nghiệp hơn.

0