24/10/2017, 09:16

Ca dao là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa

Nhấn mạnh một khía cạnh nội dung ca dao Việt Nam, có ý kiến cho rằng: “Ca dao là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa”. Bằng những hiếu biết về ca dao dân tộc, anh (chị) hãy phân tích và chứng minh nhận định trên. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là thể loại được nhiều người biết đến. ...

Nhấn mạnh một khía cạnh nội dung ca dao Việt Nam, có ý kiến cho rằng: “Ca dao là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa”. Bằng những hiếu biết về ca dao dân tộc, anh (chị) hãy phân tích và chứng minh nhận định trên.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là thể loại được nhiều người biết đến. Nội dung của ca dao vô cùng phong phú. Nhấn mạnh một khía cạnh nội dung của ca dao, có ý kiến cho rằng: “”.
 
Trong suốt mấy nghìn năm qua, ca dao trở thành một người bạn gần gũi, gắn bó với người lao động. Ca dao là thức ăn tinh thần không thể thiếu được của nhân dân ta. Sau những giờ làm việc vất vả, người dân lại ngồi quây quần gốc đa, đầu đình cùng sáng tác những bài ca phản ánh đúng cuộc sống của mình. Được sinh ra và lớn lên giữa quần chúng nên có thể coi ca dao là tấm gương trung thực, phán ánh cuộc sống của người lao động. Còn có cảnh nào yên bình hơn cảnh Hồ Tây buổi sớm:
 
“Gió đưa cành trúc la dà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”
 
Cảnh thơ mộng quá. Đọc bài ca, dù là kẻ vô tình nhất cũng thấy lòng mình như tĩnh lại. Trước khung cảnh ấy, ai lại nỡ phá đi vẻ yên bình, no đủ v.v... Mọi âm thanh, hình ảnh đều xa vời, huyền ảo. Hay câu:
 
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn”
 
Câu thơ như có cùng tâm trạng với con người. Nhịp thơ vui vẻ, tất bật lôi kéo chúng ta. Điệp từ “xem”, được lặp lại hai lần, vẽ lên cho người đọc cảnh những nông dân lần đầu tiên vào chốn phồn hoa đô thị. Lòng yêu quê hương đất nước không chỉ thể hiện qua những bài ca dao ca ngợi cảnh đẹp đất nước mà còn bộc lộ rõ qua bài ca được sáng tác trong những năm chống ngoại xâm như bài Cây đa Bình Đông. Bài ca thể hiện nỗi xót xa của nhân dân trước cảnh đất nước bị giày xéo, người dân phải sống cơ cực. Nước mất, con người cũng mất đi những tự do bình đẳng, “cấm quần tam tụ ngũ” hay “cấm cả phu thê”. Nước mất là đau khổ như vậy đấy! Bài ca dao là tiếng nói oan ức của người dân mất nước.
 
Trong ca dao, những bài ca ngợi tình cảm gia đình chiếm một phần không nhỏ. Ngày xưa có mấy nàng dâu về nhà chồng mà không buồn khi nghe câu ca:
 
“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
 
Câu ca khiến người nghe cảm động đến muốn rơi nước mắt. Phải chăng tác giả đã đồng cảm. với nỗi đau của người con gái khi về nhà chồng phải xa mẹ? Trong những bài nói về tình cảm gia đình nổi lên là nhưng bài ca ngợi công lao trời bề của cha mẹ với con cái, tình anh em đùm bọc, sum vầy:
 
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con”
 
(Công cha, nghĩa mẹ hai khái niệm quá trừu tượng. Ai có thể đo được tấm lòng của cha mẹ đối với con cái? Nhưng bài ca dao này lại khắc hoạ khá rõ nét về hai khái niệm trên. Công cha cao như núi, tình mẹ dạt dào chảy mải không thôi. Một bên thì to lớn, một bên thì ngọt ngào, trong sáng. Tình cảm anh chị em một nhà cũng đậm đà quá:
 
“Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
 
Câu ca dao trên là một đạo lí của nhân dân ta từ trước đến nay. Cha ông ta đã nhắn nhủ cho thế hệ hậu sinh những lời vàng ngọc. Ông cha ta đã vạch ra một con đường, một chân lí về cách sống, cách làm người.
 
Có thể nói trong các gam màu tinh cảm nói trên, nội dung nói về tình yêu trai gái tạo cho em nhiều cảm hứng nhất. Không ai biết tình yêu, có từ bao giờ, chỉ biết nhưng bài ca dao nói về tình yêu, ra đời rất sớm. Tình yêu là cái mà tạo hoá mang đến cho con người. Tình yêu của người lao động rất đẹp và trong sáng vô cùng. Chính vì vậy anh trai làng khi tỏ tình với một cô gái cũng rất ý nhị:

“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quen cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Ao anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng...”
 
Lời nói của chàng trai rất nhẹ nhàng kín đáo. Cũng có những bài ca tình yêu rất độc đáo:
 
“Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Sang đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này: “Có lấy anh không?”
 
Cách tỏ tình này thật sôi nổi nhưng dường như lại ít vẻ dịu dàng đằm thắm của tình yêu. Khác với bài ca trận, bài ca dao vẫn thường dược gọi là “Bài ca xin áo” mang đúng vẻ dịu dàng đằm thắm đó. Ngay từ hai câu đầu trước mắt chúng ta là cảnh làng quê thơ mộng. Bức tranh có mái đình, có hồ sen chàng trai đã viện cớ bỏ quên cái áo để nói đến tình yêu. Cái áo vắt trên cành hoa sen là một điều phi lí. Giống như câu:
 
“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”
 
Cũng giống như hình ảnh cái áo, cành hoa sen trong câu ca trên là một điều phi lí. Tuy nhiên tình yêu đã biến cái phi lí thành có lí, biến cái không có thành một bức tranh thơ mộng. Chàng trai bỏ quên cái áo thật hay mượn cớ để làm quen và tỏ tình với cô gái. Chỉ hai câu thơ đầu chúng ta cũng đánh giá được đây là một chàng trai chăm chỉ. Cái áo của anh đâu có rách. Nó chỉ bị sứt chỉ thôi. Từ cách ăn nói đến cái “sứt chỉ” đều đáng yêu. Để thuyết phục cô, anh đã nói rõ cho cô biết gia cảnh của mình: “Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu”. Đến đây ai cùng nghĩ chàng trai sẽ nói thẳng vào vấn đề. Nhưng không, anh vẫn thăm dò ý kiến của cô gái. Anh trả công cho cô gái vì đã khâu giúp anh chiếc áo. Điệp từ “giúp cho” được lặp lại nhiều lần chứng tỏ chàng sẽ trả công cho nàng rất nhiều. Nhiều đến nỗi vượt qua cả sự trả ơn thông thường. Những đồ vật mà anh trả ơn cho nàng lại là những đồ dẫn cưới đầy đủ chu đáo với câu cuối: “Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Anh cố tình tránh câu “anh lấy nàng” vì sợ như thế có phần vội vã, thô thiến. “Bài ca là một nụ hồng chớm nở, cứ nở dần và để lộ ra cái nhụy thơm tho”. Đó cũng chính là những khúc ca dạt dào tình nghĩa giản dị, chất phác, chân thành của những người lao động.
 
Trong tình yêu, những khát khao, đợi chờ là một nguồn thức ăn không thể thiếu. Nguồn thức ăn này nuôi sông và bồi bổ tình yêu:
 
“Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt?
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên”
 
Bài thơ là tâm trạng của một cô gái đang yêu, chờ mong, thương nhớ. Các hình ảnh khăn, đèn, mắt được nhân hoá để miêu tả tâm trạng của cô. Khăn, đèn hay chính là cô gái đang mong đợi người yêu.
 
Trong tình yêu không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà còn có nỗi đau khổ khi tình duyên tan vỡ:
 
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!”
 
Nhân vật trữ tình trong bài thật đáng thương. Sau cơn sốc về tình cảm anh có vẻ thẫn thờ, tiếc nuối. Ba câu đầu là một chuỗi những điều vô lí nhưng những hình ảnh phi lí đó lại rất phù hợp với tâm trạng của chàng thanh niên. Không ai trồng bưởi trong vườn cà không thể có hoa tầm xuân và điều phi lí khác là “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. Đau khổ đến “mất trí” nhưng anh không hề bi quan. Đến hết bài ca chàng trai đã trở về với hiện thực cho dù hiện thực đó có đau khổ đến đâu. Bài ca như một tiếng thở dài nuối tiếc, một lời than cho duyên phận hẩm hiu, song đấy cũng là một khát vọng nồng cháy của tình yêu chung thuỷ.
 
Không có lời nào có thể diễn tả hết nội dung phong phú của ca dao. “Ca dao là bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng chúng ta”. Quả đúng như vậy, ca dao là thành quả văn hoá của cha ông ta để lại. Ca dao ca ngợi tình cảm con người, tình yêu thiên nhiên đất nước. Hay nói khác đi “Ca dao là cây đàn muôn điệu” - cây đàn đó bật lên những âm thanh ca ngợi tình nghĩa lòng yêu sâu nặng. Những âm thanh đó như nốt trầm lắng đọng xa đến muòn đời sau.
0