Các bức họa Đức Quốc xã cướp được trả lại ra sao?
Nguồn: “ How is Nazi-looted art returned?”, The Economist , 12/01/2014. Biên dịch : Lê Thị Hồng Loan | Biên tập : Lê Hồng Hiệp Vào tháng 11/2013, các nhà chức trách Đức tiết lộ rằng hơn 1.400 tác phẩm nghệ thuật có giá trị đã được tịch thu từ một căn hộ ở ...
Nguồn: “How is Nazi-looted art returned?”, The Economist, 12/01/2014.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào tháng 11/2013, các nhà chức trách Đức tiết lộ rằng hơn 1.400 tác phẩm nghệ thuật có giá trị đã được tịch thu từ một căn hộ ở Munich của Cornelius Gurlitt,[1] một cụ già tám mươi tuổi sống ẩn dật. Kho tàng này bao gồm đầy đủ các loại hình nghệ thuật tiên phong mà phát xít Đức coi là “thoái hóa” và dỡ khỏi các bảo tàng quốc gia Đức, chẳng hạn như các tác phẩm của Picasso, Chagall, Matisse và Beckmann, cũng như những tác phẩm quý lâu đời hơn, chẳng hạn như các bản khắc của Albrecht Dürer. Một số tác phẩm có thể là của những người Do Thái bị buộc phải chạy trốn hoặc bị đưa đến các trại tập trung. Những người thừa kế còn sống sót và các viện bảo tàng nói rằng họ là chủ sở hữu hợp pháp của những bức tranh này. Vậy, các tác phẩm nghệ thuật bị phát xít Đức cướp sẽ được trả lại như thế nào?
Từ năm 1933 đến 1945, Đức Quốc xã tham gia vào vụ đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử. Họ thu giữ hàng triệu các tác phẩm chủ yếu từ các nhà sưu tập người Do Thái và các bảo tàng tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Sau chiến tranh, quân Đồng minh đã trả rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật này về cho các quốc gia bị đánh cắp, nhưng chúng thường được trả về cho các bộ sưu tập quốc gia thay vì cho các chủ sở hữu ban đầu. Và còn rất nhiều tác phẩm vẫn còn đang mất tích, hoặc đã bị phá hủy, nằm trong các bảo tàng hay trong tay các cá nhân.
Quan điểm cho rằng những tác phẩm nghệ thuật này là “những tù nhân cuối cùng của chiến tranh” đã được chấp nhận vào những năm 1990. Khoảng cách thời gian từ sau Nạn diệt chủng Holocaust và sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã cho phép người dân và các tổ chức chuyển sang vấn đề các đồ vật. Năm 1998, 44 quốc gia đã nhất trí về một kế hoạch, được gọi là “Nguyên tắc Washington”, nhằm xác định và giải quyết các khiếu nại liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Tuy nhiên hiệp ước này không mang tính ràng buộc, và tình trạng pháp lý của các tác phẩm nghệ thuật này vẫn còn không rõ ràng.
Quá trình đòi lại các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp thường không rõ ràng, tạm thời (mỗi trường hợp một kiểu), tốn kém và không chắc chắn. Các quốc gia khác nhau tuân thủ theo các nguyên tắc khác nhau và không có trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp. Các hồ sơ sở hữu thì chắp vá, do đó, những tranh chấp như thế này thường rắc rối hơn so với những tranh chấp đối với các tài sản ngân hàng bị đóng băng trong suốt cuộc chiến. Chỉ mới có năm nước – Áo, Anh, Pháp, Đức và Hà Lan – là đã thành lập các ủy ban quốc gia độc lập để xử lý các kiến nghị đòi tranh, và các thực tiễn áp dụng thì cũng khác nhau.
Ở Đức, ủy ban không thể ép buộc các bảo tàng thương lượng. Ở Mỹ, hầu hết các bảo tàng là thuộc tư nhân, do đó chính phủ không thể yêu cầu bồi thường. Các quy định về thời hiệu khác nhau tác động tới các kiến nghị đòi lại đối với các bộ sưu tập tư nhân, và giá trị ngày càng tăng của các tác phẩm nghệ thuật lại càng nâng cao lợi ích của tất cả mọi người (trong việc giữ tác phẩm cho minh).
Các nhà đấu giá lớn, chẳng hạn như Christies và Sotheby, đã nghiên cứu nguồn gốc của tất cả các tác phẩm và khuyến khích các bên dàn xếp. Nhưng các tổ chức đấu giá nhỏ hơn chủ yếu lại nghiêng theo quy định pháp luật, với xu hướng ủng hộ các chủ sở hữu hiện tại. Người đưa ra kiến nghị đòi lại thường sẽ phải phụ thuộc vào thiện chí của các nhà sưu tập hoặc các tổ chức.
Theo quy định về thời hiệu 30 năm của pháp luật Đức, ông Gurlitt không bị buộc phải trả lại bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào của mình, dù chúng có phải là bị đánh cắp hay không. (Và các bảo tàng liên bang Đức không có quyền đối với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật “thoái hóa” nào mà họ đã buộc phải từ bỏ, bởi những tác phẩm này là tài sản của chính phủ). Điều này đặt chính quyền Đức vào một vị thế không mấy thoải mái, điều có thể truyền cảm hứng cho một đạo luật về hồi tố mới.
Vụ ông Gurlitt cũng đã góp phần làm nổi bật các khó khăn trong việc đòi lại các tác phẩm nghệ thuật bị cướp bởi Đức Quốc xã. Một số người hy vọng điều này sẽ thúc đẩy những nỗ lực để tạo ra một cơ sở dữ liệu tìm kiếm đơn nhất của các tác phẩm bị đánh cắp (mặc dù một Cổng thông tin Nghiên cứu Quốc tế của các cục lưu trữ quốc gia khác nhau là một phương án thay thế phù hợp). Những người khác thì ủng hộ một tòa án tội phạm nghệ thuật quốc tế duy nhất.
Bằng cách thu hút nhiều sự chú ý hơn đến phần chưa được giải quyết này của cuộc diệt chủng Holocaust, kho báu Munich này – có giá trị khoảng 1 tỷ euro (1,4 tỷ đô la) – có thể được chứng minh là vô giá.
——————
[1] Vào tháng 2/2012, Công tố viên Quận Augsburg tịch thu 121 bức tranh có đóng khung và 1.258 tác phẩm không đóng khung tìm thấy trong một căn hộ ở Schwabing, Munich. Căn hộ được thuê bởi Cornelius Gurlitt. Một số bức tranh ngay lập tức bị nghi ngờ là bị đánh cắp bởi Đức Quốc xã trong Thế Chiến II. Bộ sưu tập phần lớn không bị hư hại và có chất lượng vượt trội, gồm các bức tranh thuộc nhiều trường phái khác nhau của các họa sĩ như Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Henri Matisse, Franz Marc, Marc Chagall, Otto Dix, và Max Liebermann…. Mặc dù chính quyền Đức thu giữ toàn bộ bộ sưu tập, Gurlitt đã không bị giam giữ. Tuy nhiên, mãi tới tháng 11/2013, vụ việc mới được báo chí tiết lộ.
Gurlitt ban đầu từ chối hợp tác với các nhà điều tra Đức. Ông giữ lại thêm vài chục bức tranh nghi vấn, không phải tại Munich mà tại nhà của ông ở Salzburg, Áo. Ngày 7 tháng 4 năm 2014, một thỏa thuận cuối cùng đã đạt được, theo đó các bộ sưu tập bị tịch thu tại Munich đã được trả lại cho Gurlitt để đổi lại việc ông hợp tác với một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ nhằm xác định các tác phẩm nào đã bị đánh cắp và trả lại cho những người thừa kế hợp pháp. Tuy nhiên, Gurlitt qua đời chỉ một tháng sau, vào ngày 6 tháng 5 năm 2014. Trong di chúc của mình, ông trao lại tất cả tài sản cho Bảo tàng Mỹ thuật Bern, Thụy Sĩ, theo đó bảo tàng sẽ thừa kế toàn bộ bộ sưu tập của ông sau khi các kiến nghị đòi quyền sở hữu hợp pháp đối với bộ sưu tập đã được xử lý (NBT, theo wikipedia).