Có thể nói nhà văn Na Uy Knut Hamsun là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử giải Nobel văn chương khi ông được xem là nhân vật ẩn chứa nhiều mâu thuẫn nhất mà vẫn vinh hạnh nhận giải thưởng cao quí này (ông được trao giải Nobel văn chương năm 1920).
Ông rất ghét sân khấu nhưng lại lấy một trong những nữ diễn viên tài năng nhất thời đại mình sống làm vợ. Ông ca tụng nghề nông nhưng sinh kế chủ yếu lại nhờ các khoản nhuận bút. Ông say đắm tình yêu nhưng lại ngưỡng mộ những chính trị gia sắt đá đã phải trả giá đắt cho việc làm này..
Knut Hamsun (tên họ thật là Knud Pedersen)(sinh ngày 4-8-1859, mất ngày 19-2-1952) cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nghèo đông con ở Lom, nằm trong khu vực thịnh nông nhất tại trung tâm Na Uy. Tuổi thơ của nhà văn là những ngày tháng lam lũ, vất vả với ruộng đồng. Năm 9 tuổi, ông đã buộc phải trở thành tá điền cho ông chú đằng mẹ, cực nhọc và đói khát, thậm chí còn bị đánh đập, đến mức chỉ sau vài ba năm (1873), đã phải bỏ nhà đi lang thang và kiếm sống bằng rất nhiều công việc khác nhau. Những ngày tiếp theo, ông kiếm kế sinh nhai bằng nghề thợ giày ở thành phố Bode (miền Bắc Na Uy). Chính ở đây Hamsun đã cho ra đời tác phẩm đầu tay của mình “Con người bí ẩn" (Den Gaadefulde). Tiểu thuyết này đã được in với tên tác giả là Knud Pedersen vào năm 1877, khi nhà văn mới 18 tuổi. Ngay năm sau đó, Hamsun trở thành giáo viên ở trường trung học tại Vesteralen, rồi đi làm trợ lý của một ông chánh án. Khoảng thời gian làm trong thư viện của ông chánh án này, ông đã biết đến rất nhiều tác phẩm đầy ấn tượng của các nhà văn lớn trên vùng đất Scandinavia như Bjornstjerne - Bjornson, Henrik Ibsen… Cùng năm đó, Hamsun với bút danh là Knud Pedersen đã cho xuất bản tiểu thuyết “Bjorger" (1878), trong đó nhân vật mang tên họ này đã viết những vần thơ xuất sắc về cuộc sống khổ ải của mình.
Cũng trong năm 1878, Hamsun lên Cristinania (nay là Oslo) để mong tìm kiếm cơ hội lớn hơn cho tương lai. Tuy nhiên, tại đó, số tiền nhuận bút ít ỏi đưa ông vào cuộc sống quẫn túng, ông đành phải đi làm thợ sửa đường ở miền Đông Na Uy. Tới năm 1882, nhận được một số lá thư giới thiệu tới những người Na Uy di cư sang Mỹ có thế lực, nhà văn đã quyết tâm vượt đại dương tới “Thế giới mới". Chuyện đổi đời thường là những giấc mộng phù phiếm, những ảo vọng phù hoa đã mau chóng tan thành mây khói, buộc ông lại phải tìm cách tự mình mưu sinh trên mảnh đất xa lạ ấy. Hamsun đã buộc phải làm công việc đồng áng ở bang Wiconsin, rồi làm thư ký cho một nhà truyền giáo người Na Uy ở Minnesota. Cảnh bần hàn đã khiến Hamsun lâm trọng bệnh và không còn sự lựa chọn nào khác, nhà văn lại phải tìm đường về cố quốc.
Ông khỏe ra khi về đến Oslo,sau đó cư trú một thời gian ở Valders và tại đây, với bút danh Knut Hamsund (chữ “d” về sau do lỗi nhà in nên đã bị mất đi) đã hoàn thành công trình về nhà văn Mỹ Mark Twain. Tuy nhiên, tại Oslo, con đường văn học của Hamsun lại cũng không mấy suôn sẻ. Tới năm 1886, một lần nữa, Hamsun lại liều mình dấn bước vượt đại dương sang Mỹ. Trên mảnh đất Chicago phồn hoa xa lạ, công việc mưu sinh chủ yếu của ông là làm người bán vé trên xe điện và mỗi khi hè tới lại tranh thủ kiếm tiền thêm bằng công việc nhà nông trên những cánh đồng lúa mì ở Bắc Dakota. Những thất vọng về những bước đi đầu trên con đường văn học đã đưa bước chân Hamsun lại quay về châu Âu và ở Copenhagen, trung tâm in ấn thuở đó của vùng Scandinavia, ông đã mang tác phẩm đang viết dở tới ra mắt với Edvard Brandes, người anh em của nhà phê bình văn học danh tiếng Georg Brandes, biên tập một tờ nhật báo ở thủ đô Đan Mạch. Edvard Brandes có ấn tượng mạnh như nhau trước vẻ ngoài tiều tụy của Hamsun lẫn đoạn trích từ tác phẩm mà nhà văn đang viết.
Cuối năm 1886, tác phẩm trên đã xuất hiện trên một tạp chí văn học của Đan Mạch và tới năm 1890 đã được in thành sách ở Copenhagen với nhan đề “Đói" (Suit). Chính “Đói” đã mang đến tiếng vang ngay lập tức cho Hamsun,mang đến cho ông cái danh giá của một nhà văn sau bao năm trời lận đận tìm “Thế giới mới”. Trong tiểu thuyết này, Hamsun đã cắt đứt liên hệ với truyền thống hiện thực phê phán đang là chủ đạo trên văn đàn Scandinavia thời đó và thậm chí cả quan điểm cho rằng văn học phải giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của con người. Tiểu thuyết “Đói” về thực chất không có cả cốt truyện, kể về một chàng trai trẻ ở tỉnh lẻ lên sống tại Oslo, cực kì tin tưởng vào tài năng thiên phú của mình chàng trai này thà chịu cảnh bần hàn chứ quyết tâm không bao giờ chịu từ bỏ ước mơ được trở thành văn sĩ. Ở đây,người ta tìm thấy cái “Đau đớn cả về tâm hồn lẫn thể xác, bị cơn đói giày vò, chàng trai đã biến cuộc sống nội tâm của mình thành một chuỗi những ảo ảnh". Nhân vật chính trong tiểu thuyết vật vã không chỉ vì đói mà vì thiếu thốn những giao tiếp xã hội, ức chế thể xác và sự thiếu điều kiện để bộc lộ bản thân… Đúng như nhà thơ đương đại Mỹ Robert Bly từng nhận xét, " sự sống động và gay cấn trong văn xuôi của Hamsun đã làm chấn động tất cả". Tiểu thuyết “Đói” đã được xây dựng bằng những câu văn ngắn đầy biểu cảm, những mô tả rõ ràng, mạch lạc liên kết với những nhận định cố tình chủ quan, đa nghĩa… Tác phẩm được hoàn thành vào thời điểm mà những Arthur Schopenhauer, Eduard von Hartmann, Friedrich Nietzsche và August Stringdberg lên tiếng kêu gọi chú ý tới những sức mạnh vô thức bí ẩn phức tạp tác động tới hành vi của con người….
Quan điểm riêng của ông về “văn xuôi chủ quan” đã được nêu rất rõ ràng trong tiểu luận “Từ cuộc sống vô thức của tâm hồn" (năm 1878) và tiểu thuyết” Những điều bí ẩn" ("Fra det ubevidste Sjaeleliv")(Mystener, 1892). Bỏ đi những quy ước của “văn xuôi chủ quan", Hamsun đề nghị nghiên cứu” những chuyển động bí ẩn của tâm hồn diễn ra trong những vực sâu thẳm nhất của vô thức, phân tích cõi hỗn mang vô độ của cảm nhận, qua kính phóng đại xem xét cuộc sống tinh tế của trí tưởng tượng, dòng chảy vô cùng của tư tưởng và cảm xúc". Tiểu thuyết “Quý ngài" (Pan, 1894) được viết dưới dạng hồi ức của Thomas Glahn, người đã chối bỏ xã hội văn minh và sống theo kiểu một thợ săn và đánh cá gần thị xã ở Nordland. "Tôi cố gắng tương tự như Rousseau trình bày cái gì đó tương tự như tôn vinh thiên nhiên, sự nhạy cảm, hay đúng hơn, sự siêu nhạy cảm" - Hamsun thổ lộ với một người bạn khi đang viết” Quý ngài"…
Từ năm 1895 tới năm 1898, ông đã hoàn thành bộ ba kịch bản về cuộc sống của một triết gia “Bên ngưỡng cửa vương quốc" ("Ved rikets port", 1895),"Tấn kịch đời" ("Livets spill", 1896) và “Hoàng hôn" ("Aftenrode", 1898). Dù các tác phẩm kịch, thi ca của ông không được đánh giá cao như những tác phẩm tiểu thuyết nhưng sự ra đời của tập thơ “ Dàn đồng ca hoang dã" ("Det vilde kor"(1904), với chất lượng nghệ thuật không hề thua kém các tác phẩm văn xuôi đã phần nào đánh dấu một thành công mới cho Hamsun.
Từ đầu thế kỷ XX, thế giới nhân vật của Hamsun đã đa dạng hơn trong những trang tiểu thuyết dày của ông. Với những câu chuyện được kể từ ngôi thứ ba, thí dụ như “Những đứa con của thế kỷ" (Bern av tiden, 1913) và phần tiếp theo của nó” Thị trấn Segelfloss" (Segelfoss By, 1915)…, Hay những năm 1911 sống trong trang trại, dường như sự xa lạ của ông đối với xã hội đương thời càng trở nên nặng nề hơn cùng với sự chối từ những sự việc dẫn tới chiến tranh thế giới thứ nhất và xã hội công nghiệp đương thời. Tâm trạng đưa ông tới những lời tự thú trong tiểu thuyết “Nhựa của đất" (Markens grede) in năm 1917. Chính tiểu thuyết này đã góp phần quan trọng giúp Hamsun được nhận giải Nobel văn chương năm 1920. Một năm sau khi xuất bản” Nhựa của đất", Hamsun đã mua được một cơ ngơi ở miền Nam Na Uy, nơi ông vừa sáng tác văn học vừa làm ruộng. Các tác phẩm sau này của ông ngày càng nhuốm màu u ám, phủ nhận hiện thực…
Những ảnh hưởng tiêu cực từ những đánh giá mang tính phê phán đối với các tác phẩm của ông khiến ông rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần. Từ chỗ phủ nhận hiện thực tư bản chủ nghĩa, ông phủ nhận luôn cả những khía cạnh lành mạnh trong cuộc sống con người. Thậm chí năm 1934, ông còn mạnh dạn công khai tuyên bố về thái độ đồng tình của ông đối với chế độ Quốc xã, thậm chí còn viết một số bài báo ủng hộ lực lượng này, được in trong giai đoạn phát xít Đức chiếm đóng Na Uy. Năm 1934, Hamsun đã sang Đức và gặp Goebbels và Hitler… Sự việc này khiến hàng nghìn độc giả khi đó phẫn uất và đã trả lại sách cho ông.
Hamsun và vợ đã từng bị bắt vào những năm cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Mùa thu năm 1945, ông được đưa vào bệnh viện tâm thần ở Oslo rồi vào trại dưỡng lão. Năm 1947, ông đã bị đưa ra tòa và bị buộc tội phản bội tổ quốc và bị phạt 425 nghìn cuaron (gần 80 nghìn USD) nhưng do suy thoái trí tuệ nên không bị tống giam. Năm 90 tuổi, ông cho in tập truyện ngắn “Theo lối mòn hoang" ("Pa gjengrodde stier") kể về vụ án xét xử ông. Cuốn sách này được viết rất sinh động dù không hề biện minh được chút nào cho cách hành xử của Hamsun trong chiến tranh thế giới thứ hai…
Những năm cuối đời của ông là những ngày tháng cô quạnh. Bộ toàn tập các tác phẩm của ông được in sau khi ông mất hai năm. Mặc dù phê phán nghiêm khắc cách hành xử của Hamsun, xã hội Na Uy cũng như cộng đồng văn chương thế giới đối xử rất rạch ròi đối với di sản văn học của ông: đó là những báu vật của nhân loại. Trong ký ức của nhân loại, Hamsun mãi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX, người mà ngay chính văn hào Nga Liev Tolstoi cũng rất ngưỡng mộ.