31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 29

Con người ai cũng có những mặt tích cực và những hạn chế, những thành công đi kèm với những điều chưa làm được. Nếu chỉ say sưa với những thành công, những điều ta làm được, ta có thể quên đi những mặt hạn chế, những điều chưa được của chính mình và từ đó không thể rút ra bài học cần thiết hoặc có ...

Con người ai cũng có những mặt tích cực và những hạn chế, những thành công đi kèm với những điều chưa làm được. Nếu chỉ say sưa với những thành công, những điều ta làm được, ta có thể quên đi những mặt hạn chế, những điều chưa được của chính mình và từ đó không thể rút ra bài học cần thiết hoặc có những điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống.

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Những minh chứng, lí giải trên đã phần nào khẳng định âm nhạc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc - một trong những phạm trù khó hiểu và nhạy cảm nhất của con người. Âm nhạc có khả năng gợi ra trong con người một số cảm xúc giống như trong đời thực thông qua một loạt các cơ chế khác nhau. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi cần làm rõ. Vídụ như giới hạn những cảm xúc mà âm nhạc có thể khơi dậy là gì? (chúng ta có thể cảm thấy căm ghét bởi âm nhạc không?); khả năng bị tác động bởi âm nhạc của mỗi người khác nhau thế nào?; liệu còn có những cơ chế tác động khác nhau chưa được tìm ra không?... Những câu hỏi này không chỉ thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục đào sâu nghiên cứu mà còn quyến rũ cả những người nghe nhạc bình thường như chúng ta, khiến chúng ta tò mò và có ý thức hon trong những trải nghiệm âm nhạc của mình.

(Dẫn theo Khánh Minh, Mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc, http://www. tiasang.com. vn, ngày 3 - 7 - 2014)

1.   Xác định những ý chính của đoạn văn trên.

2.   Đoạn văn trên thuộc loại phong cách ngôn ngữ nào? Phân tích những biểu hiện của loại hình phong cách ngôn ngữ đó.

3.   Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của anh (chị) về vị trí của âm nhạc trong cuộc sống.

Câu 2.

Vòng nguyệt quế đôi khi thành dải băng bịt mắt.

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.

Câu 3.

Nêu suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sống của Xuân Diệu thể hiện trong bài thơ Vội vàngvầ Tố Hữu thể hiện trong bài thơ Từ ấy.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. Những ý chính của đoạn văn:

-   Nêu quan hệ giữa âm nhạc và cảm xúc. Âm nhạc tác động đến cảm xúc của con người.

-   Những vấn đề khoa học cần tiếp tục nghiên cứu thêm về mối quan hệ giữa âm nhạc và cảm xúc.

-   Trước những hiểu biết khoa học đó, người nghe nhạc cần nghe nhạc một cách có ý thức hơn.

2.  Biểu hiện của phong cách ngôn ngữ khoa học trong đoạn văn:

-     Đề cập đến một vấn đề khoa học: quan hệ giữa âm nhạc và cảm xúc.

-     Sử dụng ngôn ngữ khoa học (cảm xúc, cơ chế tác động, nghiên cứu...).

-     Vấn đề được nêu ra một cách khoa học, thể hiện cả những kết quả nghiên cứu lẫn những vấn đề còn bỏ ngỏ.

3.  Đoạn văn cần thể hiện được quan điểm cá nhân về vai trò của âm nhạc trong cuộc sống và nên nghe nhạc như thế nào để thật sự bổ ích cho chính mình.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Giải thích ý kiến:

+ Câu nói sử dụng hai hình ảnh có tính biểu tượng: vòng nguyệt quế và dải băng bịt mắt. Vòng nguyệt quế là biểu tượng của vinh quang, của niềm tự hào vì những chiến thắng, thành công. Trong khi đó, dải băng bịt mắt là thứ che đi cái nhìn của ta, làm cho ta có mắt mà như mù. Thậm chí, dải băng bịt mắt có thể gợi liên tưởng về cái chết. Kẻ tử tù khi bị xử bắn thường bị bịt mắt. Bằng một lối nói súc tích và hình tượng, câu nói trên chỉ ra rằng niềm tự hào vì những chiến thắng, thành công, việc quá say sưa với chiến thắng có thể khiến ta mù quáng và dễ dẫn đến những hậu quả tai hại.

+ Nội dung của ý kiến: câu nói trên đưa ra lời khuyên, lời cảnh tỉnh đối với mỗi con người rằng không nên say sưa, tự mãn với những thành công, chiến thắng của mình đến mức trở nên mù quáng.

-   Bàn luận về ý kiến:

+ Niềm vui, niềm hạnh phúc, thái độ tự hào về những thành công, những chiến thắng là một thứ tình cảm rất bình thường của con người. Mỗi con người, ai cũng có thể có những thành công nhất định trong cuộc sống. Tất nhiên, có những người xuất chúng, có những thành công lớn lao nhưng cũng có những con người bình thường, những thành công nhỏ bé đối với họ cũng rất có ý nghĩa.

+ Tuy vậy, tình cảm chính đáng nói trên có thể dẫn đến những hậu quả tai hại:

• Cuộc sống luôn luôn biến đổi, nếu con người chỉ sống với những niềm tự hào về thành công của chính mình, họ có thể mất đi cái nhìn tỉnh táo về những gì đang diễn ra xung quanh và vì thế, có thể phạm phải sai lầm, thất bại.

• Quá say sưa với thành công của mình cũng có thể dẫn đến chủ quan, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, cho rằng mình có thể thành công trong mọi trường hợp, đã làm được việc này thì cũng có thể làm được việc khác trong khi thực tế lại không hẳn như vậy.

-   Bài học về nhận thức và hành động: cần phải biết tự hào, hạnh phúc với những thành công, thắng lợi trong cuộc sống nhưng cũng không nên để thái độ đó khiến ta trở nên ảo tưởng, mù quáng đến mức chủ quan về bản thân mình, quên đi thực tại và phạm phải sai lầm.

Câu 3.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Văn học Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 phát triển rất đa dạng với hai bộ phận: văn học lưu hành công khai và văn học không công khai. Mỗi bộ phận đều có những giá trị riêng. Nếu như văn học công khai là tiếng nói của lớp văn nghệ sĩ có tinh thần yêu tự do, giải phóng cá nhân, đòi quyền sống cho con người thì văn học không công khai là tiếng nói của những chiến sĩ cách mạng trực tiếp đấu tranh với chế độ thực dân vì độc lập, tự do.

+ Xuân Diệu và Tố Hữu là hai gương mặt thơ ca quan trọng của dòng văn học lưu hành công khai và không công khai. Vội vàng (Xuân Diệu) và Từ ấy (Tố Hữu) là những bài thơ được trích từ những tập thơ đầu tay của tác giả, tập Thơ thơ và Từ ấy. Mỗi bài thơ đều cho thấy một phần quan niệm sống của hai nhà thơ.

-   Quan niệm sống của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng:

+ Vội vàng giống như một tuyên ngôn thể hiện quan niệm sống của Xuân Diệu. Quan niệm sống ấy được thể hiện trong toàn bộ bài thơ nhưng tập trung nhất trong khổ thơ cuối cùng:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm!

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

+ Khổ thơ gần như là một định nghĩa đầy đủ nhất về quan niệm sống "vội vàng” của nhà thơ.

•  Vội vàng, đối với nhà thơ trước hết là sống một cách gấp gáp, tranh thủ từng khoảnh khắc, khi mọi điều còn đang có thể, sống với sự thôi thúc “mau đi thôi!”.

• Tranh thủ thời gian là để chiếm hữu ở mức tối đa mọi vẻ đẹp của cuộc sống. Đó là mây đưa, gió lượn, cánh bướm, cỏ rạng... - những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, của trần gian, những “thanh sắc" của “thời tươi” - tuổi thanh xuân của đất trời. Sự chiếm hữu được thể hiện với một thái độ đầy tham lam (được biểu hiện qua những liên từ và, với được lặp lại liên tục) và như chiếm hữu một người yêu với ôm, hôn, riết.

+ Sự chiếm hữu để đạt đến sự thoả mãn tột độ, được thể hiện qua các từ đã đầy, no nê, chếnh choáng.

+ Quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu nhằm thoả mãn cái tôi của nhà thơ. Quan niệm ấy xuất phát từ nhận thức của nhà thơ về cuộc đời: say mê những vẻ đẹp của cuộc đời nhưng đồng thời cũng hiểu rằng cuộc đời đang trôi chảy và cùng với sự trôi chảy ấy, vạn vật sẽ già đi, sẽ chết, mọi vẻ đẹp của cuộc sống đều sẽ phai tàn không thể nào cứu vãn nổi. Ông hiểu rằng con người chỉ có thể tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống một lần, khi còn trẻ, mà tuổi trẻ thì mãi mãi không quay lại.

-   Quan niệm sống của Tố Hữu trong bài thơ Từ ấy:

+ Tố Hữu là một người chiến sĩ cộng sản. Bài thơ Từ ấy là bài thơ đánh dấu sự giác ngộ lí tưởng cộng sản của nhà thơ khi tuổi đời còn rất trẻ. Tiếp xúc với chân lí cách mạng, tâm hồn nhà thơ như được một ánh sáng mới mẻ soi rọi, làm cho ông hiểu rõ mục đích của cuộc đời mình.

+ Quan niệm sống trong Từ ấy của Tố Hữu là gắn bó với thế giới những người lao khổ, là hi sinh vì những người lao khổ:

•  Sự gắn bó và chia sẻ được thể hiện qua hàng loạt từ chỉ mối quan hệ hết sức bền chặt: buộc (mà ở đây là buộc hồn - gắn bó bằng tất cả tâm hồn), gần gũi, là tình trạng trải khắp muôn nơi. Không những thế, mối quan hệ giữa nhà thơ và những người lao khổ còn được nâng lên đến mức: là em, là con, là anh. Anh, em, con là những từ chỉ quan hệ máu mủ, ruột thịt, quan hệ gia đình - nhà thơ coi tập hợp những người lao khổ như một gia đình lớn mà mình là một thành viên. Đó là mối quan hệ thân thiết như máu thịt.

•  Nhà thơ ý thức rất rõ về những kiếp người đau khổ đó: vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhó / - Không áo com cù bất cù bơ...

•  Nhà thơ nhận thức rõ mục đích của sự gắn bó: tạo nên khối đoàn kết vững chắc và sức mạnh của những người vô sản - Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

• Bài thơ có hàng loạt từ ngữ chỉ sự nhận thức. Những từ đã là (cho thấy ý thức về sự thay đổi), để (chỉ mục đích) được lặp đi lặp lại cho thấy nhà thơ ý thức rất rõ về mục đích sống của mình.

 

-   So sánh và nêu suy nghĩ về quan niệm sống của Xuân Diệu và Tố Hữu: Hai bài thơ thể hiện hai quan niệm sống gần như là đối lập. Một bên hướng đến sự thoả mãn cá nhân đến tột độ, một bên hi sinh vì cộng đồng, vì những người lao khổ. Mỗi quan niệm sống đều có ý nghĩa tích cực riêng: sống phải có hạnh phúc cho riêng mình và sống biết hi sinh vì người khác. Tất nhiên, trong những hoàn cảnh đặc biệt như đất nước có chiến tranh, bị xâm lược thì quan niệm sống của người cách mạng vẫn cần được đề cao hơn. Ngày nay mỗi con người đều cần có một sự cân bằng giữa hai quan niệm sống để không trở nên ích kỉ, hưởng lạc hoặc quên đi hạnh phúc của riêng mình.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0