31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 1

Tổng hợp các đề thi môn văn cho các bạn học sinh chuẩn bị thi Trung Học Phổ Thông! Câu 1. Báo điện tử Dân trí ra ngày 21-8-2014 đưa tin: Sáng ngày 21 - 8, cây cầu mang tên “Khuyến học và Dân trí” bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hoá, huyện miền ...

Tổng hợp các đề thi môn văn cho các bạn học sinh chuẩn bị thi Trung Học Phổ Thông!

Câu 1.

Báo điện tử Dân trí ra ngày 21-8-2014 đưa tin:

Sáng ngày 21 - 8, cây cầu mang tên “Khuyến học và Dân trí” bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình chính thức khánh thành trong niềm vui khôn tả của bà con nhân dân hai bản Ông Tú và bản Hưng.

Phát biểu tại Lễ khánh thành cầu “Khuyến học và Dân trí" tại bản Ông Tú, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam bày tó lời cám ơn chân thành về sự hiện diện của các vị đại biểu và các em học sinh tại buổi lễ.

Tổng biên tập báo điện tủ Dân trí Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh, tại nơi đây, từ nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các cháu học sinh phải bơi qua sông tới trường, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua cuộc vận động trên báo, bạn đọc báo Dân trí đã đóng góp được số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Đây là nguồn đóng góp tự nguyện của đông đảo bạn đọc báo Dân trí, trong đó có cả nguồn tiền tiết kiệm của rất nhiều học sinh đồng lứa với các cháu có mặt trong buổi lễ hôm nay. Số tiền trên đã được chuyển giao tới Hội Khuyến học tính Quảng Bình và Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hoá đểbổ sung vào nguồn vòn thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trong ngân sách của huyện Minh Hoá cho dự án xây cầu và làm đường lên từ 2 bờ sông tại bản Ông Tú và bản Hưng.

Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn cũng cho biết, đây là cầy cầu thứ 7 có sự đóng góp của bạn đọc báo điện tử Dân trí, được chính quyền địa phương đồng thuận cho mang tên “Khuyến học và Dân trí". Trước đó, đã có 6cây cầu “Khuyến học và Dân trí" được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Kon Tum, Quảng Nam, cần Thơ và Thanh Hoá.

(Dẫn theo cầu "Khuyến học và Dân trí" thứ 7 được khánh thành tại Quảng Bình,

http://www.dantri.com.vn)

Trả lời các câu hỏi sau:

1.   Bản tin trên nói về sự kiện gì? Sự kiện ấy đã được những người trong cuộc đón nhận ra sao?

2.   Tại sao cây cầu lại được mang tên là “Khuyến học và Dân trí”? Việc xây cầu bắt nguồn từ động cơ nào?

3.   Tinh thần góp công, góp sức của cộng đồng đối với việc xây cầu đã được thể hiện như thế nào?

4.   Từ sự kiện được nêu trong bản tin, anh (chị) suy nghĩ gì về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của tất cả chúng ta?

Câu 2.

Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Nếu tôi có hai cái bánh mì thì tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng, bởi vì tâm hồn tôi cũng cần ăn uống”.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày ý kiến của mình về câu ngạn ngữ trên.

Câu 3.

Tình huống Tràng và người đàn bà đói khát đến với nhau, nên vợ nên chồng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã khiến hai người có sự thay đổi đột ngột, bất ngờ.

Sự thay đổi biểu hiện cụ thể như thế nào ở từng nhân vật? Những điều đó có giúp anh (chị) hiểu gì về cái nhìn của Kim Lân đối với con người?

Hướng dẫn trả lời

Câu 1.

1.  Bản tin nói về sự kiện khánh thành cầu “Khuyến học và Dân trí” bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Sự kiện ấy đã được những người trong cuộc (dân bản Ông Tú và bản Hưng, các em học sinh, những người đại diện của báo Dân trí và Quỹ Khuyến học Việt Nam...) đón nhận với “niềm vui khôn tả”, vì kế hoạch xây cầu đã được hoàn tất và niềm mơ ước về cây cầu đã thành hiện thực.

2.  Cầu được mang tên là “Khuyến học và Dân trí” vì đơn vị khởi xướng xây cầu và góp vốn đầu tiên là Quỹ Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí. Ngay cái tên ấy cũng đã thể hiện động cơ đẹp đẽ của hành động xây cầu: tất cả vì tương lai con em, vì nhu cầu được học hành của mọi người và vì mục đích cải thiện đời sống dân sinh. Đây là một trong những việc cần thiết mà Quỹ Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí đã làm, đang làm và sẽ làm nhằm lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội.

3.   Tinh thần góp công, góp sức của cộng đồng đối với việc xây cầu đã được thể hiện: Chính phủ có Nghị quyết 30a, huyện Minh Hoá chi ngân sách, Quỹ Khuyến học Việt Nam, độc giả báo Dân trí (trong đó có nhiều học sinh) đóng góp... Rõ ràng, để ước mơ về cây cầu trở thành hiện thực, tất cả mọi người, mọi ngành, mọi cấp đều phải chung tay hành động.

4.  Sự kiện được nêu trong bản tin gợi nhiều suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của tất cả chúng ta. Trong bài diễn thuyết năm 1925 về luân lí xã hội ở nước ta, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã từng chỉ ra vấn nạn “người mình” ít có tinh thần “đoàn thể”, tinh thần “công đức”. Cho đến nay, đó vẫn là một vấn đề cần được giải quyết, khắc phục. Sự phát triển của xã hội ngày nay đang tạo ra nhiều sự phân hoá về tư tưởng, lối sống, mức sống. Thái độ cống hiến, quan tâm đến việc chung đang phai nhạt. Đây là một cản trở lớn trên con đường chúng ta xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”. Tuy nhiên, những điểm sáng vẫn xuất hiện ở khắp nơi. Những quỹ ủng hộ người nghèo, những chính sách hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế khác nhau, những phong trào tình nguyện, phong trào làm “việc tử tế”... đang được nhóm lên và tạo được hiệu ứng tích cực. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là phải góp phần tạo nên một phong khí lành mạnh trong xã hội: sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tham gia vào việc chung, luôn nghĩ về tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc. Mọi khó khăn rồi sẽ được khắc phục. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà ai cũng có thể và cần phải tham gia...

Câu 2.

Bánh mì và hoa hồng là hai từ quan trọng trong câu ngạn ngữ này. Nếu bánh mì chỉ những sản phẩm vật chất thì hoa hồng chỉ những giá trị tinh thần. Từ đó, có thể hiểu, câu hỏi yêu cầu người viết trình bày quan điểm của mình về tương quan giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần trong cuộc sống của con người.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-     Trong câu ngạn ngữ này, người Ả Rập dùng hai hình ảnh bánh mì và hoa hồng để chi những giá trị khác nhau trong đời sống. Bánh mì vốn là thứ lương thực nuôi sống con người về thể xác, trong câu này được dùng để chỉ toàn bộ các sản phẩm mà con người tạo ra để đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Hoa hồng là biểu hiện của cái đẹp, ở đây được dùng để nói về những gì đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Như vậy, hai hình ảnh trong câu ngạn ngữ đã thể hiện đầy đủ những gì mà con người cần được thoả mãn để không ngừng nâng cao đời sống của mình.

-     Con người sống trước hết cần phải ăn, mặc, ở, đi lại, sản xuất... Muốn tồn tại, con người phải cần đến những sản phẩm vật chất như lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo quần, nhà cửa, máy móc, xe cộ và biết bao nhiêu phương tiện khác nữa. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất ngày càng nâng cao. Từ ăn no, mặc ấm, nâng lên thành ăn ngon, mặc đẹp. Từ những nhà tranh vách nứa, tiến đến tường xây, mái ngói, bê tông cốt thép. Có vẻ như những đòi hỏi về vật chất của con người thời hiện đại là không có điểm dừng. Mọi nhu cầu dù cao sang đến đâu đều dần dần được đáp ứng. Trong xã hội văn minh, không ai nghi ngờ về tính hợp lí của những đòi hỏi về hưởng thụ vật chất của con người.

-   Nhưng bên cạnh thể xác, con người còn có tâm hồn. Tâm hồn cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng các sản phẩm tinh thần. Các loại hình nghệ thuật mà con người không ngừng tạo ra chính là nguồn sống vô tận của tâm hồn. Những điệu nhạc, lời ca, những bài thơ, bức tranh, pho tượng, bộ phim... đều được sáng tạo nên để đáp ứng niềm khao khát thưởng thức cái đẹp của con người.

-   Trong câu ngạn ngữ này, người Ả Rập đã xác định rất rõ tương quan giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Chỉ cần có hai cái bánh mì đã sẵn sàng bán đi một cái để mua hoa hồng, nghĩa là không đợi đến dư thừa về vật chất, no đầy về thể xác mới nghĩ đến tâm hồn. Đây là một tư tưởng hết sức đúng đắn. Nó đối lập với quan niệm lệch lạc đề cao vật chất mà xem nhẹ đời sống tinh thần.

-   Ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão. Của cải vật chất được làm ra hết sức dồi dào. Các phương tiện sống vô cùng phong phú. Đã có những dấu hiệu cho thấy, nhiều người sùng bái vật chất, chăm sóc quá đáng phần thể xác, dẫn đến "bỏ đói” tâm hồn. Thực tế đó càng chứng tỏ sự minh triết, đúng đắn trong quan niệm sống của người Ả Rập.

(Lưu ý: Để có sức thuyết phục cao, bài viết cần kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng. Bài học rút ra cho bản thân phải gần gũi, thiết thực.)

Câu 3.

Với câu hỏi này, người viết phải nắm được tình huống “nhặt vợ” của Tràng - một tình huống truyện rất độc đáo trong Vợ nhặt, phân tích được những thay đổi sâu sắc trong tâm lí, tính cách của nhân vật Tràng và người “vợ nhặt” qua tình huống truyện; từ đó, hiểu và đánh giá đúng cái nhìn tin tưởng, yêu thương, nhân hậu của Kim Lân đối với con người.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-    Vợ nhặt của Kim Lân là truyện ngắn viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945 và cũng là một trong những thành tựu xuất sắc của văn xuôi Việt Nam sau Cách mạng. Đây là một truyện ngắn thành công về nhiều phương diện, trong đó không thể không nói đến tình huống truyện rất đặc sắc mà Kim Lân đã sáng tạo được bằng bút pháp nghệ thuật khá cao tay.

Tình huống trong Vợ nhặt có thể tóm lược một cách ngắn gọn: trong những ngày nạn đói đang hoành hành, khắp nơi người chết như ngả rạ, vậy mà Tràng - một thanh niên nghèo, xấu xí ở xóm ngụ cư lại nhặt một người đàn bà lay lắt bên bờ vực cái chết về làm vợ. Kim Lân cho biết: tình huống lạ lùng có một không hai đó là kết quả sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn trên cơ sở vốn sống phong phú, sự hiểu biết cặn kẽ về nạn đói mà ông từng chứng kiến.

-    Nét độc đáo của truyện thể hiện trước hết ở nhan đề tác phẩm. Hai tiếng “vợ nhặt” gợi ta nghĩ đến một điều thật trớ trêu. Xưa nay, chuyện dựng vợ gả chồng là việc hệ trọng. Nó thể hiện ở tình cảm sâu nặng, nghi lễ thiêng liêng và quá trình xây đắp gắn bó. Thế mà tác phẩm lại kể về chuyện một người “nhặt” được vợ, chẳng khác nào tiện tay nhặt một vật gì đó. Vợ - bạn trăm năm của một người đàn ông - mà lại rẻ rúng đến thế ư? Sự thật ở đây là như thế. Chỉ một câu hò ghẹo vu vơ, một chầu bánh đúc, một câu mời như đùa cợt, có thế thôi mà nên vợ nên chồng. Nếu vào một hoàn cảnh khác, những kẻ dưới đáy xã hội như anh cu Tràng và người đàn bà kia đến với nhau thì cũng là chuyện “đôi lứa xứng đôi”, không có gì khó hiểu. Nhưng đây lại là lúc cuộc sống đang bị dồn đuổi, truy bức bởi nạn đói dữ dội, mạng sống từng con người trở nên hết sức mong manh. Bối cảnh thì ngột ngạt và sặc mùi tử khí với cái chết đang rình rập từng ngày từng giờ, vậy mà hai kẻ khốn cùng lại gắn kết với nhau. Ấy mới là sự lạ.

-   Để làm nổi bật tính độc đáo của tình huống truyện, Kim Lân đã soi chiếu nó từ rất nhiều góc nhìn khác nhau. Việc Tràng dẫn về một người đàn bà xa lạ đã thành một biến cố gây xôn xao cái xóm ngụ cư vốn đang chìm trong lặng lẽ vì đói khát. Đám trẻ con bỗng trở nên hiếu động hơn. Trong phút chốc chúng tạm quên đi sự hành hạ của cơn đói để bám theo vợ chồng Tràng mà reo toáng lên. Người lớn, kẻ thì ngạc nhiên dò hỏi, kẻ thì nháy mắt tinh nghịch, kẻ lại thở dài ái ngại... nhưng hết thảy đều cảm thấy như có cái gì “tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối”, làm cho những khuôn mặt u tối, hốc hác “bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”. Bà cụ Tứ - mẹ Tràng dĩ nhiên là vô cùng kinh ngạc. Hơn ai hết, bà hiểu con trai bà vốn trăm đường thua thiệt. Bất luận trong trường hợp nào, việc Tràng có vợ cũng là điều mà bà không dám nghĩ tới. Cho nên khi có người đàn bà ngồi đầu giưòng con trai mình mà lại gọi mình bằng u thì dường như bà không dám tin đó là điều có thật. Cuối cùng, không chỉ có người ngoài cuộc mà ngay cả những nhân vật chính tạo ra biến cố này cũng không khỏi ngỡ ngàng. Trong sự bần thần nghĩ ngợi của người đàn bà kia hẳn có rất nhiều bỡ ngỡ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Cũng như Tràng, trên con đường về nhà, hắn cảm nhận ở mình có một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng biết đến bao giờ. Thậm chí khi người đàn bà kia đã ở trong nhà mình mà hắn vẫn còn “ngờ ngợ như không phải thế".

-   Nếu nói rằng truyện ngắn là một nhát cắt của dòng đời để qua đó làm lộ hiện bản chất cuộc sống, số phận con người thì phải nói rằng tình huống truyện trong Vợ nhặt là nhát cắt rất đúng chỗ. Bởi thế nó toát lên nhiều ý nghĩa. Nó ngầm ẩn một triết lí sâu xa về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc bền bỉ, bất diệt ở con người. Đồng thời, nó cũng là thứ “thuốc thử” quan trọng buộc nhân vật phải bộc lộ đầy đủ thế giới nội tâm sâu kín và tính cách vốn có của mình. Quan sát sự thay đổi của các nhân vật dưới tác động của tình huống truyện ta sẽ nhận ra điều đó.

Nhân vật Tràng

+ Trước khi diễn ra sự kiện “nhặt vợ”, ta chỉ biết Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Trong cảnh đói khát, chết chóc, cuộc sống của mẹ con Tràng rất ảm đạm, buồn thảm. Càng đáng buồn hơn khi ta thấy Tràng có vẻ không được như người bình thường: vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều vớ vẩn, thích chí thì ngửa mặt cười hềnh hệch... Đích thị là một chàng ngốc, có lớn mà chẳng có khôn theo quan niệm của dân gian. Một nhân vật như thế không khỏi gây cho người đọc sự thất vọng.

+ Vậy mà từ khi chấp nhận người đàn bà đi theo mình, tâm tính Tràng lại như đổi khác. Biết bao lần Tràng cất tiếng cười (tủm tỉm cười, bật cười, cười khanh khách, tươi cười, cười khì khì...). Đó không phải những tiếng cười vô hồn vô cảm như trước, mà là cái cười của một kẻ đang bắt đầu được nếm mùi hạnh phúc. Ở Tràng cũng đã xuất hiện một thứ tình cảm khác lạ trước đây chưa hề có, ấy là “tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên” - một biểu hiện tình yêu theo kiểu riêng của Tràng. Có lẽ vì thế mà con người vốn thô kệch ấy giờ đây biết bối rối, băn khoăn trước nỗi buồn của người khác giới. Những cử chỉ lúng túng, vụng về cũng như những lời độc thoại của Tràng khi một mình đối diện với người đàn bà trong căn lều tồi tàn tự nó đã nói lên rất nhiều điều. Đặc biệt, Kim Lân tỏ ra rất tinh tế khi diễn tả những cảm giác lạ lùng lần đầu tiên Tràng mới biết đến: “một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Sau đêm tân hôn, Tràng có cảm giác “êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Chính điều đó làm cho Tràng có những đổi thay thật kì lạ. Một con người quen sống tuềnh toàng, gặp chăng hay chớ như Tràng, giờ đây nhìn cảnh ấm áp của cửa nhà đã biết vâng dạ ngoan ngoãn trước lời mẹ dặn, biết “thấm thìa cảm động”, biết "vui sướng, phấn chấn”, thấy mình “nên người” và nhận ra bổn phận trụ cột gia đình, phải lo lắng cho vợ con sau này. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt vào tâm trí Tràng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của cách mạng, viễn cảnh của một cuộc đổi thay vĩ đại. Những điều tốt đẹp ấy những tưởng không thể có được ở Tràng, vậy mà giờ đây nó lại hiện ra một cách đầy đủ và rõ ràng đến thế. Vậy là, bằng tình huống đặc biệt, Kim Lân đã đánh thức ở Tràng cái chất người chân chính, những điều hoàn toàn bị khuất lấp bởi lam lũ, nhọc nhằn, bởi đói khát, khổ cực trong một cuộc sống chênh vênh bên bờ vực thẳm.

Nhân vật "vợ nhặt"

+ So với Tràng, tình cảnh người đàn bà này còn thê thảm hơn nhiều. Trong những ngày cao điểm của nạn đói, chị ta cùng với bao nhiêu người đồng cảnh ngộ chỉ biết ngồi vêu trước kho thóc chờ nhặt hạt rơi hạt vãi hay chờ ai có việc gì gọi đến để làm. Điều đáng nói là tính tình của người đàn bà này không gây thiện cảm cho người đọc. Ăn nói thì chao chát, chỏng lỏn, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá. Gặp Tràng, chị ta sấn vào, gạ ăn một cách trơ trẽn. Được người ta mời ăn lại ăn uống rất tham, rất thô. Trước lời mời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ. Những tưởng bao nhiêu sự xấu xa của con người đều dồn cả vào người đàn bà khốn khổ này.

+ Thế nhưng từ khi cất bước theo Tràng, chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân chị ta có vẻ rón rén, ngượng nghịu, chân nọ ríu cả vào chân kia. Cái vẻ chanh chua biến đâu mất, thay vào đó là sự e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ. Đặc biệt, khi ngồi đầu giường của Tràng, chị ta không giấu nổi vẻ bối rối, mắt nhìn xa, dáng bần thần nghĩ ngợi. Điều này cho thấy chị không hề vô tâm trước những gì đang diễn ra.

+ Bằng cái nhìn tinh tế, Kim Lân phát hiện cái thiên chức làm vợ - điều trước đây ta ngỡ không thể có ở người đàn bà bị cái đói tước đi cả nữ tính này. Từ cái thế cùng đường, liều lĩnh cất bước đi theo một người đàn ông xa lạ, hình như trong chị ta đã vấn vương những tình cảm dịu ngọt, những thức nhận mới mẻ về bổn phận của mình. Nó thể hiện ở những câu nói, những cử chỉ thô mộc nhưng rất tình tứ theo kiểu các cặp vợ chồng nhà quê mới cưới (thấy Tràng mua hai hào dầu, thị mắng Tràng: “Hoang nó vừa vừa chứ.”; Tràng vươn cổ thổi tắt đèn đi ngủ, thị củng vào trán Tràng: “Chỉ được thế là nhanh. Dơ!”). Những biểu hiện ấy cho thấy giờ đây chị ta đã ý thức được mình là ai trong cái gia đình này. Và cũng vì thế, người đọc sẽ không bỡ ngỡ khi thấy chị ta cùng bà cụ Tứ - mẹ chồng - quét tước dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, gọn gàng. Có lẽ trước một tình huống mới, niềm hi vọng sống, nỗi khao khát hạnh phúc đã trỗi dậy mạnh mẽ. Nó làm cho con người trở nên thay đổi. Chính Tràng cũng rất ngạc nhiên vì trước mắt hắn giờ đây rõ ràng là một người đàn bà “hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chóng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Sự thay đổi này nhìn bề ngoài có vẻ lạ lùng, nhưng không hề khó hiểu, bởi bên trong con người ngỡ rất xấu xa kia vẫn mang đầy đủ những nét đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam.

 

-   Qua nhân vật Tràng và nhân vật “vợ nhặt”, Kim Lân đã thể hiện một niềm tin sâu sắc, mạnh mẽ đối với con người. Trong ý thức của ông, những người nghèo khổ có thể bị biến dạng về nhân hình, nhàn tính vì đói khát, nhưng không gì tước đoạt được của họ cái chất người quý giá. Nhà văn cũng bộc lộ cái nhìn yêu thương, nhân hậu qua những dòng văn miêu tả vẻ đẹp của tình người và khát vọng hạnh phúc bền bỉ của những kẻ đang đối mặt với tử thần.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0