Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 28
Sự tôn trọng của mọi người đối với ta là một sản phẩm của thời gian. Nó có thể tăng lên hay giảm đi, thậm chí tiêu biến. Ta có thể từng bỏ qua một số cơ hội để tạo dựng uy tín, nhưng cơ hội vẫn còn nhiều, rất nhiều. Cơ hội cũng không lánh mặt đối với cả những kẻ từng có lúc nào đó đánh mất sự tôn ...
Sự tôn trọng của mọi người đối với ta là một sản phẩm của thời gian. Nó có thể tăng lên hay giảm đi, thậm chí tiêu biến. Ta có thể từng bỏ qua một số cơ hội để tạo dựng uy tín, nhưng cơ hội vẫn còn nhiều, rất nhiều. Cơ hội cũng không lánh mặt đối với cả những kẻ từng có lúc nào đó đánh mất sự tôn trọng của mọi người.
Câu 1.
Cho đoạn văn:
Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hon để có khả năngphổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình...
1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả của văn bản đó là ai? Viết trong hoàn cảnh nào? Thuộc loại văn bản gì?
2. Tại sao tác giả cho rằng: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”?
3. Đoạn văn đề cập nội dung gì? Hình thức tổ chức của đoạn văn?
4. Anh (chị) có đồng ý với quan điểm của tác giả thể hiện trong đoạn văn này không? Vì sao?
Câu 2.
Hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) về chủ đề: Những cuộc trở về trong đời sống của mỗi một con người và của ý thức xã hội.
Câu 3.
Trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, nhân vật trữ tình ước ao:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 156)
Trên cơ sở phân tích những điều đã được bộc bạch trong bài thơ, anh (chị) hãy làm sáng tỏ cội nguồn của nỗi ước ao đó.
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Đoạn văn được trích từ văn bản Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức của Nguyễn An Ninh. Văn bản này được viết trước Cách mạng tháng Tám 1945, lúc nước ta còn bị thực dân Pháp đô hộ. Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.
2. Nguyễn An Ninh cho rằng: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”. Quan điểm ấy của tác giả xuất phát từ tư tưởng xem tiếng nói đóng vai trò quan trọng trong đòi sống xã hội. Có tiếng nói phát triển, ta mới tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ về mọi mặt của thế giới, phổ biến rộng rãi để nâng cao dân trí cho nhân dân, tạo nên nguồn sức mạnh. Nhờ sức mạnh ấy mà dân tộc mới giữ được độc lập của mình. Cũng nhờ sức mạnh ấy, dân tộc mới có thể thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.
3. - Đoạn văn nêu quan điểm: Tiếng nói có vai trò quan trọng trong việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
- Đoạn văn được tổ chức theo hình thức diễn dịch. Câu mở đoạn nêu chủ đề của đoạn văn. Các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề.
4. Quan điểm của Nguyễn An Ninh về giải phóng dân tộc là quan điểm có tính chất cải lương, bất bạo động. Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy, muốn giành độc lập dân tộc, phải đấu tranh vũ trang.
Câu 2.
Cụm từ then chốt trong chủ đề nêu trên là những cuộc trở về. Không nên hiểu nó theo nghĩa đen mà theo nghĩa hình tượng. Những chữ về mà ta bắt gặp trong các bài thơ của Chế Lan Viên, Nguyễn Duy, trong tiểu luận của Trần Đình Hượu... (chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông) đều có chung nét nghĩa chỉ sự tìm lại cội nguồn, xác định lại điểm xuất phát để tự tin bước vào chặng đường mới. Khái niệm ý thức xã hội chỉ sự tổng hoà của những nhận thức, tư tưởng, quan niệm đang chi phối đời sống xã hội.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Hành trình cuộc sống về cơ bản là hành trình tiến về phía trước. Tuy nhiên, nói điều này không có nghĩa là bỏ qua việc ghi nhận những cuộc trở về của mỗi cá nhân và của ý thức xã hội. Nhìn tổng thể, về cũng là đi, về để có thêm động lực, có thêm năng lượng tiếp tục cuộc hành trình hướng tới tương lai. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên từng viết: Con đã đi nhưng con cần vượt nữa / Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.
- Tuỳ theo tình trạng thực tế củá từng cuộc hành trình mà mỗi con người, mỗi xã hội có những cuộc trở về khác nhau. Có thể đó là cuộc “đi tìm thời gian đã mất” để chiêm nghiệm về lẽ tồn tại, về giá trị của cuộc sống. Có thể đó là cuộc xác định lại đâu là “vốn văn hoá dân tộc” (chữ dùng của Trần Đình Hượu) để thực hiện chiến lược "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong hiện tại. Có thể đó là việc khẳng định trở lại, mạnh mẽ hơn, những giá trị đạo đức nền tảng để khắc phục sự “suy thoái” về phẩm chất, lối sống trong xã hội bây giờ, mà cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một ví dụ... Rõ ràng đây là những cuộc trở về có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bao người muốn xin “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” để tìm lại sự thơ ngây thuần khiết mà có thể ta đã đánh mất qua “dọc đường gió bụi”.
- Bên cạnh sự trở về trong thời gian là sự trở về trong không gian. Chúng ta có thể trở về với làng quê yêu dấu, “úp mặt vào sông quê” (Lê Huy Mậu) để thấm thìa ân tình của mảnh đất chôn rau. Chúng ta cũng có thể trở về với thiên nhiên hoang sơ để gột bót bụi bặm của đời sống nơi phố thị. Đặc biệt những chuyến hành hượng về các “địa chỉ đỏ” luôn giúp ta nhận thức sâu sắc hơn về cái giá của máu xương mà cha anh đã đổ xuống... Nhìn chung, các bình diện thời gian và không gian luôn xuyên thấm lẫn nhau trong những cuộc trở về.
- Trở về không đồng nghĩa với chuyện hoài cổ hay chuyện đắm mình trong quá khứ, dù đó là quá khứ đẹp đẽ. Trở về không phải bao giờ cũng thể hiện sự thối chí, nản lòng. Tất nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ chủ động của con người khi thực hiện những cuộc trở về ấy. Việc tự kiểm điểm, rút ra những bài học thành bại luôn là điều cần thiết, nếu không, ta sẽ rơi vào tình trạng của kẻ thất bại chủ nghĩa chỉ biết ẩn nấp trong lô cốt bảo thủ, từ bỏ khát vọng vươn xa, khát vọng hoà nhập cùng biển lớn của cộng đồng, của nhân loại.
- Xã hội rất công bằng, rất sòng phẳng trong thái độ đánh giá một con người. Những sự lầm lẫn có thể có và đã từng xảy ra nhưng chắc chắn chúng sẽ sớm được khắc phục. Nếu có cái nhìn tích cực về điều này, ta sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn.
-
Câu 3.
Bốn câu thơ trích chỉ mang tính chất định hướng cho việc phân tích những điều được nhân vật trữ tình bộc bạch trong cả bài thơ. Nếu chỉ nói riêng về bốn câu thơ đó là không hiểu đúng đề. Khi làm bài, người viết cần trả lời được các câu hỏi như: Vì sao nhân vật trữ tình lại muốn được sống mãi mãi cùng tình yêu? Tình yêu đã làm nên ý nghĩa tồn tại của cuộc đời mỗi chúng ta như thế nào? Mối quan hệ giữa cái hữu hạn của đời người và cái vô tận của thời gian cần được cảm nhận và “xử lí” ra sao? Tất nhiên, trong quá trình phân tích, không được quên làm rõ cái hay về phương diện nghệ thuật của bài thơ.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Sóng được sáng tác vào cuối năm 1967, là bài thơ tình yêu xuất sắc của Xuân Quỳnh, cũng là bài thơ được bao thế hệ người đọc (nhất là giới trẻ) yêu mến, nâng niu suốt mấy chục năm qua. Bài thơ thể hiện những cảm nhận phong phú và suy tư sâu sắc của Xuân Quỳnh về tình yêu - tình yêu trong mối quan hệ với tuổi trẻ và thời gian. Sự thống nhất giữa tính chất tự thuật và tính chất triết lí đã khiến bài thơ toát lên một vẻ đẹp riêng: vừa tươi tắn, trẻ trung, vừa già dặn, từng trải.
- Trong con mắt nhân vật trữ tình, tình yêu củng chính là cuộc đời hay là cái làm nên giá trị của cuộc đời. Điều này đúng với muôn xưa và cũng đúng cả với muôn sau. Trước hết, tình yêu tạo nên những cung bậc phong phú của mỗi đời người đồng thời cũng là yếu tố cơ bản làm thành các số phận: Dữ dội và dịu êm / ồn ào và lặng lẽ / Sông không hiểu nổi mình / Sóng tìm ra tận bể. Nhờ tình yêu, con người có khát vọng tìm ra biển lớn, có ý thức xác định cái riêng giữa cái chung và tìm cách đặt cái riêng vào mối quan hệ hoà hợp với cái chung.
- Nhờ tình yêu, trái tim tuổi trẻ ý thức được mình đang tồn tại, đang không ngừng “bồi hồi”, không ngừng “nghĩ” và “nghĩ”, không ngừng “nhớ” và “nhớ”. Có tình yêu là có thắc mắc: Trước muôn trùng sóng bể/ Em nghĩ về anh, em / Em nghĩ về biển lớn / Từ nơi nào sóng lên? / Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu?... Có tình yêu, thời gian thức ngủ của ta bỗng mang “nội dung” phong phú khác thường: Con sóng dưới lòng sâu / Con sóng trên mặt nước / ôi con sóng nhớ bờ / Ngày đêm không ngủ được / Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức. Có tình yêu, con người bỗng trở nên mạnh mẽ, dám chấp nhận những thách thức: Dẫu xuôi về phương bắc / Dẫu ngược về phương nam / Nơi nào em cũng nghĩ / Hướng về anh - một phương / Ở ngoài kia đại dương / Trăm ngàn con sóng đó / Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở.
- Sống với tình yêu, tìm được sức mạnh trong tình yêu, dù vậy, nhân vật trữ tình vẫn tỉnh táo hiểu rằng đời người là hữu hạn: Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua /Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa. Quan hệ giữa các câu thơ là một quan hệ logic, thể hiện cái nhìn thấu suốt về lẽ tồn tại. Tuy vậy, từ đó, người đọc vẫn nghe thấy được một tiếng lòng nôn nao khi nhân vật trữ tình nhìn cảnh mây ngờm ngợp bay qua biển lớn, dù biển vẫn được xem là chốn không thể đo được kích thước rộng dài. Cũng ngay tại đây, ta hiểu rằng chính tình yêu sâu sắc đã đem lại cho con người sự nhạy cảm khác thường như thế.
- Tình yêu làm cho cuộc đời của mỗi chúng ta trở nên đáng sống, nhưng quỹ thời gian dành cho tùng cuộc đời không phải là vô tận. Tình yêu gắn với mỗi đời người nhưng tình yêu còn là một giá trị vĩnh hằng. Ta cần và có thể làm gì để được bất tử cùng tình yêu? Một lần nữa, chính tình yêu, chứ không phải cái gì khác, đã "gợi ý” cho nhân vật trữ tình tìm ra “giải pháp”: Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ. Ao ước “được tan ra thành trăm con sóng nhỏ” chỉ là một cách nói thể hiện ước muốn được dâng hiến cuộc đời cho tình yêu. Với một tình yêu bất tử, sự tồn tại mong manh của mỗi đời người hoá ra không còn là cái gì quá đáng sợ nữa!
- Bài thơ Sóng được viết ra từ những nỗi xao động yêu đương của một trái tim tuổi trẻ. Đối diện với muôn ngàn lớp sóng thật của biển khơi, con sóng lòng bỗng vỗ theo những chiều kích thăm thẳm nhờ quy luật cộng hưởng. Cũng theo đó, sóng trở thành ẩn dụ của tình yêu - một tình yêu mãnh liệt, đầy trăn trở, một tình yêu rất cụ thể, sống động nhưng lại có khuôn mặt xa xăm của thời gian.