Bộ Cá nóc (Tetraodontiformes)
Cá nóc đốm đen (Arothron nigropunctatus) Đôi khi nhóm cá này được phân loại như là một phân bộ của bộ Cá vược (Perciformes). Về tổng thể, bộ Tetraodontiformes chứa 10 họ còn sinh tồn với khoảng 360 loài và khoảng 9 họ đã ...
Đôi khi nhóm cá này được phân loại như là một phân bộ của bộ Cá vược (Perciformes). Về tổng thể, bộ Tetraodontiformes chứa 10 họ còn sinh tồn với khoảng 360 loài và khoảng 9 họ đã tuyệt chủng. Phần lớn các loài là cá nước mặn và sinh sống trong hay xung quanh các bãi đá san hô ngầm vùng nhiệt đới, nhưng có vài loài là các nước ngọt, sinh sống trong sông suối hay cửa sông. Chúng không có các họ hàng gần và là hậu duệ của dòng dõi các loài sinh sống ven san hô đã xuất hiện khoảng 40 triệu năm trước.
Hàng loạt các dạng cá kỳ dị được thấy trong bộ này. Các dạng này có thể là gần như là hình vuông hay tam giác (các loài cá nóc hòm), hình cầu (các loài cá nóc) tới dẹp bên (các loài cá đầu). Chúng là dạng cá với thân khá cứng nhắc, sự uốn lượn trong khi chuyển động chỉ hạn chế ở phần vây đuôi. Do điều này chúng chuyển động khá chậm chạp và dựa vào các vây ức và vây đuôi để có lực đẩy. Tuy nhiên, chuyển động của chúng thông thường là rất chính xác; các vây lưng và vây hậu môn hỗ trợ trong chuyển động và ổn định cơ thể. Ở phần lớn các loài, các vây đơn, nhỏ, thuôn tròn.
Chiến lược của các loài cá trong bộ cá nóc dường như là sự phòng thủ bằng cách hy sinh tốc độ, các loài này đều được củng cố bằng lớp vảy đã biến đổi thành các tấm hay các gai cứng - các gai này đôi khi có thể thụt vào và có thể khóa tại chỗ (như ở các loài cá nóc gai) - hay với lớp da dai như da thú (các loài cá đầu và cá bò giấy). Một đặc điểm phòng ngự đáng chú ý khác tìm thấy ở các loài cá nóc và cá nóc nhím là khả năng phình to cơ thể để tăng các kích thước cơ thể so với hình dáng thông thường: điều này đi đôi với hút nước vào túi thừa của dạ dày. Nhiều loài của các họ Tetraodontidae (cá nóc), Triodontidae (cá nóc ba răng) và Diodontidae (cá nóc nhím) còn được bảo vệ nhiều thêm nữa từ các kẻ ăn thịt nhờ tetraodotoxin, một chất độc thần kinh mạnh, tập trung trong các cơ quan nội tạng.
Cá nóc nhím gai dài (Diodon holocanthus). Ở bên phải nó là cá mú chấm lam (Cephalopholis argus).Bộ Tetraodontiformes có bộ xương biến hóa cao, không có xương mũi, xương đỉnh, xương dưới hốc mắt, hoặc (thông thường) với các xương sườn thấp. Các xương của hàm bị biến hóa và hợp nhất thành một kiểu "mỏ" như ở chim; với các đường ráp thấy rõ phân chia mỏ thành các "răng". Điều này được đề cập tới trong tên gọi khoa học của chúng, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp tetra nghĩa là "bốn" và odous nghĩa là "răng" và tiếng Latinh forma nghĩa là "hình dạng". Việc đếm các xương giống như răng này là cách thức để phân biệt các họ trông khá giống nhau này. Ví dụ Tetraodontidae ("bốn răng"), Triodontidae ("ba răng"), Diodontidae ("hai răng").
Các quai hàm được hỗ trợ bằng các cơ khỏe và nhiều loài còn có các răng mọc trên hầu (họng) để tiếp tục nghiền nát thức ăn. Điều này là do thức ăn chủ yếu của các loài trong bộ Tetraodontiformes là các loài động vật không xương sống có vỏ (mai) cứng như động vật giáp xác hay tôm, cua, trai ốc.
Họ Molidae là đáng chú ý trong bộ kỳ dị này: chúng không có bong bóng và các gai, di chuyển nhờ sức đẩy của các vây lưng và vây hậu môn rất cao. Chúng không có cuống đuôi còn vây đuôi bị suy giảm thành một cấu trúc tương tự như bánh lái cứng. Các loài trong họ này sinh sống gần mặt nước biển hơn là gắn liền với các bãi san hô và ăn các loại động vật không xương sống thân mềm, đặc biệt là sứa (lớp Scyphozoa).
* Aracanidae
* Balistidae — họ Cá nóc gai
* Diodontidae — họ Cá nóc nhím
* Molidae — họ Cá đầu
* Monacanthidae — họ Cá bò giấy
* Ostraciidae — họ Cá nóc hòm
* Tetraodontidae — họ Cá nóc
* Triacanthidae — họ Cá ba gai
* Triacanthodidae
* Triodontidae — họ Cá nóc ba răng
* Bolcabalistidae
* Cretatriacanthidae
* Eoplectidae
* Eospinidae
* Moclaybalistidae
* Plectocretacicidae
* Protobalistidae
* Protriacanthidae
* Spinacanthidae
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra sơ bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản thì trong các vùng biển của Việt Nam có khoảng 46 loài trong 18 chi và 4 họ (Diodontidae, Ostraciidae, Tetraodontidae, Triodontidae), trong đó họ Cá nóc (Tetraodontidae) là chủ yếu, chiếm khoảng 85% tổng trữ lượng cá nóc ở biển Việt Nam. Trữ lượng cá nóc trên toàn vùng biển Việt Nam năm 2005 khoảng 37.400 tấn, trong đó trữ lượng ở vùng biển Trung Bộ khoảng 16.000 tấn, tây Nam Bộ khoảng 7.800 tấn và vịnh Bắc Bộ khoảng 5.600 tấn. Người ta cũng đã thu mẫu và phân loại, định tên được 38 loài cá nóc thuộc 3 vùng biển Việt Nam.
Độc tính
Tại Việt Nam, người ta đã tiến hành phân tích độc tố của 35 loài, trong đó:
* Có 21 loài chứa độc, gồm:
- 10 loài có độc tính rất mạnh: Arothron hispidus, Arothron immaculatus, Canthigaster valentini, Lagocephalus inermis, Lagocephalus lunaris, Lagocephalus sceleratus, Takifugu oblongus, Torquigener brevipinnis, Torquigener pallimaculatus.
- 7 loài có độc tính mạnh: Arothron nigropunctatus, Canthigaster rivulata, Cheonodon patoca, Lagocephalus spadiceus, Lagocephalus suezensis, Takifugu niphobles, Tylerius spinossissimus
- 4 loài có độc tính nhẹ: Arothron mappa, Arothron firmamentum, Canthigaster inframacula, Takifugu ocellatus.
* Có 14 loài chưa phát hiện thấy độc tố: Diodon holocanthus, Diodon hystrix, Lagocephalus gloveri, Lagocephalus wheeleri, Ostracion cubicus, Sphoeroides pachygaster v.v.
Các bộ phận khác nhau của cá nóc có độc tính với mức độ rất khác nhau. Mức độ độc của đa số các loài có thể được sắp xếp theo trật từ giảm dần của độ mạnh như sau: trứng, tinh hoàn, gan, ruột, da, thịt.
Theo giai đoạn trưởng thành và thuần thục sinh dục, cá nóc có độc tính cao ở giai đoạn 5 đối với cá đực và giai đoạn 6 đối với cá cái. Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2-3 và 7-9 trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của cá nóc. Kết quả xác định độc tố trong nước mắm chế biến từ cá nóc độc cho thấy độc tố có xu hướng giảm dần theo thời gian, nhưng vẫn tồn tại sự có mặt của độc tố trong sản phẩm sau 12 tháng theo dõi. Như vậy có thể cho rằng, sản phẩm chế biến từ cá nóc độc là không an toàn cho người sử dụng.
Độc tính cá nóc và điều kiện đảm bảo an toàn trong khi khai thác, kinh doanh, tiêu thụ là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm sử dụng hợp lý nguồn lợi cá nóc, tránh lãng phí và tránh rủi ro cho người sử dụng. Cần lưu ý rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có thuốc điều trị ngộ độc do cá nóc. Vì vậy việc nghiên cứu cơ chế gây độc, thuốc điều trị ngộ độc và các bộ thử nhanh khi nhiễm độc tố là rất cần thiết đối với ngành y tế.
Độc tố cá nóc là chất có hoạt tính sinh học được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng được dùng trong y dược, nghiên cứu khoa học và lĩnh vực khác. Tuy nhiên, do hiện nay, tại Việt Nam chưa có phương pháp xử lý độc tố cá nóc và chế biến cá nóc độc thì cần khuyến cáo ngư dân không đưa những loài cá nóc độc về bờ trên cơ sở tập huấn cho họ cách thức nhận biết những loài cá nóc chứa độc và những loài cá nóc không chứa độc.