04/06/2017, 23:59

Bình luận câu ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng"

Nhân dân ta từ xưa có truyền thống thương yêu đùm bọc nhau giữa những người trong cùng một nước. Ca dao cổ có câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước thì thương nhau cùng. Đó là một truyền thống vô cùng quý báu tạo thành sức mạnh của dân tộc ta, có thể chống chọi với ngoại xâm, giữ ...

Nhân dân ta từ xưa có truyền thống thương yêu đùm bọc nhau giữa những người trong cùng một nước. Ca dao cổ có câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước thì thương nhau cùng.

Đó là một truyền thống vô cùng quý báu tạo thành sức mạnh của dân tộc ta, có thể chống chọi với ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, lại có thể chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp và phát triển.
 
Không phải vô cớ mà câu ca dao mở đầu bằng hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Nhiễu điều là một thứ lụa mỏng nhuộm màu đỏ tươi, người ta thường dùng để phủ lên trên bài vị, tay ngai đặt trên bàn thờ. Giá gương là cái có đặt khung lồng kính đặt bài vị gia tiên một cách trang trọng. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là hình ảnh bàn thờ tổ tiên. “Người trong một nước”, là người cùng một Tổ quốc, một tổ tiên thì thương nhau cùng, chữ “thì” đã khẳng định tình thương nhau đó như một tình cảm tự nhiên, đương nhiên, như thể người ta nói: người trong một nhà thì thương nhau cùng. Nhưng câu ca dao không nói về người một nhà, mà là nói “người trong một nước”, và hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” có ý vị như một bàn thờ Tổ quốc, một bàn thờ chung, linh thiêng, liên kết mọi người trong một nước vào trong một quan hệ rộng lớn. Khi người Việt Nam gọi nhau bằng “đồng bào” họ cảm thấy như anh em ruột thịt cùng sinh ra từ một bào thai mẹ.
 
Hình ảnh mở đầu của bài ca dao hết sức gợi cảm. Nó gợi lên cội nguồn chung của mọi người Việt Nam: giống Tiên Rồng, mẹ Âu Cơ, bố Lạc Long Quân, vua Hùng dựng nước, và biết bao thế hệ người đã gắn bó chiến đấu, bảo vệ dải đất Việt Nam tươi đẹp làm cái nôi sinh tụ cho mọi người trong nước. Dù miền ngược miền xuôi, miền Nam, miền Bắc tất cả người Việt Nam đều chung một Tổ quốc. Trong bài: “Hồ Chủ Tịch, hình ảnh của dân tộc” cố vấn Phạm Văn Đồng từng nhắc lại rằng:
 
Khi kêu gọi quốc dân đoàn kết, Hồ Chủ tịch đã dùng những lời nói thống thiết, đi sâu vào tâm hồn Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Đúng như vậy, câu ca dao sở dĩ đi sâu vào tâm hồn Việt Nam, vì nó gợi lại những truyền thống thương yêu đùm bọc nhau qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những cuộc chiến chống thiên tai hạn hán, bão lụt, đói kém, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Cành dưới đỡ cành trên”, “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Thương người như thể thương thân”... Truyền thống ấy đã làm cho việc thương nhau trở thành vừa tình cảm, vừa nghĩa vụ, trách nhiệm. Nó cũng làm cho những ai ích kỉ, hẹp hòi cảm thấy hổ thẹn.
 
Trong cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh của truyền thống “Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Người phát động phong trào bớt phần ăn để cứu người đói năm 1945, và tự Người làm gương trước. Người tổ chức phong trào “Hũ gạo kháng chiến” để toàn dân bớt gạo ăn nuôi binh sĩ: nhân dân may áo ấm gửi lên cho bộ đội biên giới. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ 1964 - 1975 Hồ Chủ Tịch lại kêu gọi mọi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Có thể nói tinh thần “Người trong một nước thì thương nhau cùng” đã trở thành sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, động viên chính nhân dân đánh thắng quân thù.
 
Trên đất nước ta, hễ vùng nào có thiên tai hoặc gặp khó khăn như hạn, lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nạn lụt ở Bình Trị Thiên, hoặc các chiến sĩ ở đảo Trường Sa xa xôi gặp nhiều khó khăn, thì các vùng khác của đất nước dồn tình cảm thương yêu cho vùng đó. Họ gửi tiền, gửi quà, gửi thư động viên, thăm hỏi.
 
Mấy năm nay phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào từ thiện được chú ý. Hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hi sinh những người con thân yêu nhất cho kháng chiến, nay về già cô đơn, khó khăn trong sinh hoạt. Hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, hàng nghìn sổ tiết kiệm của cá nhân, đoàn thể, địa phương đã được đem tặng để phần nào làm vơi đi nỗi đau khổ của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng.
 
Phong trào quyên góp giúp người tàn tật, xây dựng quỹ chống tệ nạn xã hội cũng do quần chúng tự nguyện khởi xướng. Hàng vạn trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được chăm sóc, học hành, tìm được việc làm. Tất cả những sự thật đó chứng tỏ truyền thống “Người trong một nước thì thương nhau cùng” luôn luôn sống mãnh liệt trong mỗi trái tim, tâm hồn Việt Nam.
 
Ngày nay truyền thống đó không đóng khung trong phạm vi một nước, mà mở ra phạm vi quốc tế. Những cuộc quyên góp giúp nhân dân Lào, Campuchia, Palextin, và gần đây phong trào giúp nước Cuba anh em đã thể hiện rực rỡ tinh thần ấy.
 
Tóm lại, “Người trong một nước thì thương nhau cùng” là một truyền thống lớn, cao đẹp của người Việt Nam. Mấy năm qua truyền thống ấy đã gắn kết đồng bào các dân tộc Việt Nam thành một khối, vượt qua mọi thử thách, giữ gìn trọn vẹn Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, trong điều kiện mới, truyền thống ấy chắc chắn sẽ nâng đỡ mọi người Việt Nam trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hiện đại, giàu mạnh. 

0