23/05/2018, 18:42

Bệnh dịch tả vịt?

Ảnh minh họa Bệnh dịch tả vịt (Duck plague virus - DPV): Tên khác - Endenpest (Hà Lan) - Pest du canard (Páp) - Enteupest (Đức) - Duck virus enteritis (Mỹ) I. ĐỘNG VẬT CẢM THỤ Vịt các loại ...

Ảnh minh họa

Bệnh dịch tả vịt (Duck plague virus - DPV):

Tên khác   - Endenpest (Hà Lan)

                       - Pest du canard (Páp)

                       - Enteupest (Đức)

                       - Duck virus enteritis (Mỹ)

I.ĐỘNG VẬT CẢM THỤ

Vịt các loại đều mẫn cảm với bệnh này. Ngoài ra vịt trời, ngan, ngỗng và chim thiên nga cũng nhiễm bệnh.

II. NGUYÊN NHÂN

Virus gây bệnh thuộc nhóm Herpes trong họ Alphahen pesvivinae, có cấu trúc ADN và phát triển trong nhân tế bào Cowdry type A. Virus có sức đề kháng cao, bị tiêu diệt trong dung dịch Formalin 3%, ở nhiệt độ 56oC trong 10 phút, ở nhiệt độ 50oC trong 90-120 phút, ở nhiệt độ 22oC virus tồn tại được 30 ngày. Giữa các chủng virus có sự khác nhau về độc lực, người ta phát hiện bằng phản ứng miễn dịch học cho thấy loại có độc lực cao, loại độc lực vừa và loại động lực thấp. Khi vịt bị bệnh, mần bệnh được bài xuất ra ngoài theo phân và các dịch thẩm xuất khác ở miệnh, mũi. Virus bệnh lại lây lan sang những con khác qua môi trường.

III. PHƯƠNG THỨC TRUYỀN LÂY

- Lây qua thức ăn, nước uống đã bị nhiễm mần bệnh

- Lây qua đường hô hấp do hít thở.

- Lây qua trứng (chủ yếu ở vịt trời). Còn vịt ta do độc lực virus cao nên phôi bị chết trước khi nở.

- Vịt trời và ngỗng trời đều mắc bệnh ở mọi lứa tuổi. Nhưng cơ thể có sức đề kháng cao nên không bị chết. Mần bệnh có ở trong cơ thể vịt trời tồn tại 4 năm. Vì vậy nó là nguồn dịch lưu cữu và lây lan khắp nơi do sự di chuyển của nó.

Ở vịt ta khi khỏi bệnh đều có miễn dịch, nhưng vẫn mang mần bệnh. Do vậy dễ lây lan sang đàn mới nhập về.

IV. TRIỆU CHỨNG

- Vịt nung bệnh thường từ 3-7 ngày. Đôi khi ở đầu ổ dịch có một số con chết đột ngột khi chưa biểu hiện một triệu chứng nào.

- Vịt uể oải, nằm bẹp trên mặt đất, cánh sã, đi lại chậm chạp, không bơi lội theo đàn.

- Một số con viêm kết mạc mắt, mắt ướt (chảy nước mắt). Một số con thủy tinh thể bị đục và vịt bị mù không nhìn thấy.

- Dịch mũi nhiều và bám nhiều chất dơ bẩn, vịt con mỏ nhợt nhạt.

- Vịt rụng lông, kêu khàn khàn (do vòm họng bị tổn thương).

- Vịt bỏ ăn, tiêu chảy phân xanh, đôi khi lẫn máu và vùng xung quanh lỗ huyệt rất thối.

- Vịt sợ ánh sáng, một số con có biểu hiện thần kinh, tỳ mỏ xuống đất, dương vật con đực thò ra ngoài và niêm mạc có nốt loét, đầu sưng do viêm não gây phù dưới da.

- Vịt đẻ sản lượng trứng giảm từ 30- 60%

V. BỆNH TÍCH

Bệnh tích phụ thuộc vào độc lực của virus gây bệnh, phụ thuộc vào tuổi và giới tính.

+ Thể cấp tính chết trong 3-4 ngày đầu mổ thấy:

- Niêm mạc thực quản xuất huyết một phần hay toàn bộ dọc theo nếp gấp của thực quản.

- Ruột sưng đỏ hoặc xuất huyết.

- Gan có những vân dá. Lách teo nhỏ.

- Da đôi khi xuất huyết lấm tấm.

+ Sau 6-7 ngày bệnh mổ khám thấy:

- Niêm mạc thực quản phần cuối lưỡi (hầu) có màng giả trắng đóng bựa thành mảng, khi gạt lớp bựa trắng ra, phía dưới loét hoặc xuất huyết lấm tấm.

- Toàn bộ niêm mạc ruột có màng giả hoặc xuất huyết. Đặc biệt phần trực tràng và lỗ huyệt xuất huyết lấm tấm và có màng giả.

- Buồng trứng và ống dẫn trứng sung huyết, trứng non méo mó và có vòng máu.

- Con đực xuất huyết mô ở ống dẫn tinh.

- Màng não bị xuất huyết đỏ lấm tấm.

- Các cơ quan phủ tạng khác đôi khi cũng xuất huyết như màng bao tim, cơ tim.

VI. CHẨN ĐOÁN

+ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích.

+ Phân lập và xác định virus. Lấy bệnh phẩm từ gan, lách của vịt chết nghiền nhỏ và tiêm vào màng nhung niệu phôi vịt 9-12 ngày tuổi. Nếu bệnh phẩm có virus gây bệnh sẽ làm chết phôi sau 4 ngày. Phôi bị xuất huyết nặng.

Virus độc lực cao này nếu tiêm truyền qua phôi vịt qua 12 đời, sau đó chuyển sang phôi gà 20 đời thì độc lực sẽ giảm và dùng để chế vacxin. Hoặc tiêm truyền virus độc lực cao qua 9 đời môi trường tế bào Fibroplas của phôi vịt thì độc lực giảm dùng để chế vacxin.

+ Làm phản ứng trung hòa: (Dùng kháng thể cộng với dung dịch bệnh phẩm sau tiêm cho phôi). Nếu phôi không chết mà lô đói chứng chết thì bệnh phẩm có nhiễm bệnh.

+ Kiểm tra kháng thể huỳnh quang qua việc triệu chứng lâm sàng và bệnh tích giống như:

- Bệnh viêm gan do virus: bệnh chỉ xảy ra ở vịt con dưới 1 tháng tuổi. Chết rất nhanh trong vòng 3-4 ngày, tỷ lệ chết cao 50-70%. Bệnh tích gan xuất huyết, không xuất huyết ở đường tiêu hóa như dịch tả.

- Bệnh tụ huyết trùng: Chết cũng nhanh như bệnh dịch tả. Bệnh tích tim cũng xuất huyết nhưng chủ yếu ở mỡ vành tim. Thực quản không xuất huyết và không có màng giả như dịch tả. Dùng kháng sinh Streptomycin, Kanamycin + Penicillin và kháng huyết thanh tụ huyết trùng tiêm điều trị sau 1-2 ngày, bệnh cầm ngay. Còn dịch tả vẫn chết.

- Bệnh nhiễm trùng máu do P. antipestifer triệu chứng chết cũng nhanh như dịch tả vịt. Bệnh tích viêm màng tim, màg gan và túi khí khi dùng kháng sinh điều trị như bệnh tụ huyết trùng, bệnh khỏi nhanh. Còn bệnh dịch tả thì không khỏi.

- Bệnh cầu trùng: Bệnh tích chủ yếu ở ruột cũng sưng huyết như dịch tả. Nhưng ở thực quản và hầu thì không xuất huyết. các cơ quan nội tạng và da không xuất huyết. Soi kính hiểm vi chất nhầy ở ruột thấy cầu trùng coccidium.

- Bệnh ngộ độc thức ăn do nấm Aflatoxinosis, triệu chứng chết cũng nhanh ở mọi lứa tuổi. Bệnh tích ở gan, thận sưng nổi sần màu vàng hay trắng và dai chắc. Đôi khi có xuất huyết ở gan, thận. Nhưng không xuất huyết ở ruột và trực tràng như dịch tả.

VII. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH

a, Phòng bệnh

* Phòng bằng vacxin dịch tả vịt:

+ Đối với những vịt bố mẹ đã được chủng ngừa vacxin dịch tả vịt thì vịt con chủng như sau:

- Chủng lần 1 lúc 2 tuần tuổi (14- 15 ngày tuổi).

- Chủng lần 2 sau lần 1 từ 8-9 tuần tuổi.

- Chủng lần 3 sau lần 2 là 6 tháng và sau lần 3 thì cứ 6 tháng tiêm lại 1lần.

+ Đối với những vịt bố mẹ không được chủng ngừa vacxin dịch tả thì vịt con phải tiêm.

- Chủng lần 1 lúc 1 tuần tuổi.

- Chủng lần 2 sau lần 1 từ 6-8 tuần tuổi.

- Chủng lần 3 sau lần 2 là 6 tháng và sau lần 3 thì cứ 6 tháng chủng lại 1 lần.

Lưu ý: Nếu tiêm phòng vacxin dịch tả vịt cho đàn bố mẹ thì kháng thể được truyền qua trứng chỉ có 2 tuần. Vì vậy không được tiêm phòng cho vịt con trước 2 tuần tuổi. Nếu tiêm sẽ bị trung hòa giữa vacxin với kháng thể có trong vịt con từ mẹ truyền qua.

- Có thể dùng vacxin dịch tả vịt để chủng ngừa cho ngỗng.

- Nếu cùng một lúc tiêm chủng 2 loại vacxin dịch tả vịt và viêm gan do virus thì chỉ sau 2 tuần, cả 2 loại đều không còn kháng thể trong cơ thể vịt.

+ Phòng bằng vệ sinh:

- Nếu đàn vịt giống bị bệnh. Nếu chết không hết thì số còn lại chuyển sang nuôi thịt. Sau khi giết thịt, toàn bộ chuồng trại phải xử lý bằng Chlorine 3% hoặc Formalin 2%. Sau khi khử trùng xong phải để trống chuồng 1-2 tháng mới được nuôi vịt mới.

- Chuồng trại phải cách xa nơi người và xe cộ qua lại. Nơi vào chuồng trại phải có hố sát trùng bằng dung dịch Chlorine 3%.

- Thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ. Máng ăn phải cọ rửa và sát trùng thường xuyên.

- Chất độn chuồng phải khô ráo và thường xuyên thay và xử lý.

- Lò ấp phải cọ rửa, sát trùng định kỳ.

- Vịt mới bắt về phải nhốt cách ly 3 tuần, nếu không còn bệnh mới được nhập đàn.

b, Trị bệnh

Không có thuốc điều trị bệnh này. Nếu dịch tả xảy ra ta dùng vacxin dịch tả vịt tiêm thảng vào ổ dịch. Liều có thể tăng gấp 2-3 lần. Và mỗi con dùng 1 kim tiêm riêng để tránh lây nhiễm những con mang trùng vào con khỏe. Sau 7-8 ngày, những con mang mần bệnh sẽ chết. Còn những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch chống được bệnh.

0