23/05/2018, 18:42

Vị vua đầu tiên nào trên thế giới được xưng là Đại Đế?

(Hình minh họa) Alexander (365-323 trước Công nguyên) - vua xứ Macedonia, một trong những vị tướng tài giỏi nhất mọi thời đại - người từng chiếm giữ cả đế chế Ba Tư và sát nhập phần lãnh thổ này vào Macedonia, từng đánh bại nhiều đội quân hùng mạnh và giành được nhiều vùng đất rộng ...

(Hình minh họa)

Alexander (365-323 trước Công nguyên) - vua xứ Macedonia, một trong những vị tướng tài giỏi nhất mọi thời đại - người từng chiếm giữ cả đế chế Ba Tư và sát nhập phần lãnh thổ này vào Macedonia, từng đánh bại nhiều đội quân hùng mạnh và giành được nhiều vùng đất rộng lớn khắp thế giới, ông chính là vị vua đầu tiên được xưng “đại đế”.

Dòng máu hoàng tộc

Alexander sinh năm 365 trước Công nguyên tại Macedonia, là con trai vua Philip từng đánh bại và thống nhất Hi Lạp với Macedonia và mẹ là Olympias, công chúa xứ Epirus. Ông được kế thừa mưu lược quân sự từ người cha và trí thông minh từ người mẹ.

Khi còn nhỏ, Alexander là một cậu bé vô cùng gan dạ, không biết đến cảm giác sợ hãi. Cậu từng thuần hoá được chú ngựa mà thậm chí những người lớn xung quanh cũng không dám chạm vào. Năm 13 tuổi, Alexader trở thành học trò nhỏ của nhà triết học nổi tiếng Aristotle. Chính Aristotle đã dạy Alexander phải biết yêu văn học nghệ thuật và ngưỡng mộ văn hoá Hi Lạp, đồng thời mang đến cho Alexander vô vàn kiến thức về khoa học, y học, triết học - những kiến thức vô cùng hữu ích và quan trọng đối với sự nghiệp của Alexander. Tuy nhiên, sau này Alexander và Aristotle xa lánh nhau vì bất đồng quan điểm quanh vị thế những người ngoại quốc: Aristotle cho rằng họ là những kẻ thô lỗ, còn Alexander lại muốn hòa hợp người nước ngoài với người Macedonia.

Năm 340 trước Công Nguyên, khi vua cha Philip đưa quân sang Byzantium dẹp quân nổi dậy, Alexander, lúc đó mới 16 tuổi đã được trao quyền nhiếp chính với quyền lực cai quản vương quốc dưới tên của Philip.

Năm 20 tuổi, Alexander trở thành vua xứ Macedonia sau khi vua cha Philip bị sát hại lúc đang chuẩn bị kế hoạch tiến hành cuộc chiến liên minh Hi Lạp- Macedonia chống lại Ba Tư.

Trận chiến Granicus và Issus

Mùa xuân năm 334 trước Công Nguyên, Alexander bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ba Tư bằng cách vượt biển Hellespont với 35.000 quân Macedonia và 7.600 quân Hi Lạp. Từ trên chiến thuyền, ông phóng ngọn giáo cắm mạnh xuống bờ. Rồi ông bước xuống, lôi ngọn giáo lên và tuyên bố toàn bộ mảnh đất châu Á rồi sẽ sớm bị chinh phục dưới mũi giáo này.

Tại trận Granicus, gần thành cổ Troy, quân Ba Tư dưới triều vua Darius III nhanh chóng tan rã với 40.000 quân bị giết chết trong khi chỉ có 110 lính Macedonia thiệt mạng.

Năm 333, Alexander lại giáp mặt quân Darius lần thứ hai tại núi Issus, đông bắc Syria; một lần nữa, Darius thất thủ, phải thoát chạy, bỏ lại mẹ già, vợ và các con vào tay Alexander nhưng Alexander vẫn cho đối đãi tử tế với lòng kính trọng những người này vì có dòng máu hoàng gia.

Alexander tại Ai Cập

Năm 331 trước Công Nguyên, Alexander tiến vào Ai Cập trong sự chào đón của người dân nơi đây. Alexander ra lệnh phải xây dựng một thành phố đặt theo tên ông ở cửa sông Nile. Và Alexanderia trở thành một trong những trung tâm văn hóa chính của vùng Địa Trung Hải trong những thế kỉ sau đó.

Mùa xuân năm 331 trước Công Nguyên, Alexander hành hương về ngôi đền linh thiêng Amon-Ra thờ thần Mặt trời của người Ai Cập, người mà người Hi Lạp gọi là thần Dớt. Các Pha-ra-ông Ai Cập thời kỳ đầu được cho là con của Amon-Ra. Do đó, Alexander, vị chủ mới của Ai Cập cũng muốn thần mặt trời công nhận ông làm con.

Cũng trong thời gian đó, ông còn thực hiện chuyến đi đầy nguy hiểm vượt qua sa mạc đến thăm đền thờ linh thiêng thờ thần Dớt Ammon. Trên đường đi, ông được các cơn mưa phù hộ và được một đàn quạ đen dẫn đường. Tại ngôi đền, Alexander được vị linh mục nói rằng ông là con trai của thần Dớt Ammon và ông sinh ra là để trị vì thế giới.

Sau đó, Alexander được người Ai Cập xưng là Pha-ra-ông mặc dù họ sống dưới quyền của người Ba Tư. Ông có thư từ với Darius khi vị vua này cũng đang ở Ai Cập. Người Ba Tư đưa ra bản hòa ước bằng cách trao cho Alexander một số các tỉnh phía tây của vương quốc Ba Tư nhưng Alexander từ chối, muốn có được toàn bộ vương quốc.

Kết thúc đế chế Ba Tư

Alexander củng cố lại lực lượng tại sông Tyre và bắt đầu chinh phục Babylon, chiếm được vùng đất nằm giữa các sông Tigris và Euphrates. Alexander muốn có cuộc chiến công bằng với Darius để vị vua Ba Tư không còn dám nổi dậy chống lại người Macedonia nữa.

Ngày 1/10/331 trước Công Nguyên, trận chiến diễn ra và quân Alexander nhanh chóng đánh bại Darius. Trong khi Darius phải chạy lên vùng núi phía bắc như trận Issus thì Alexander chiếm được thành Babylon, Susa và Persepolis. Do vậy ông tuyên bố là vua mới của Vương quốc Ba Tư, đồng thời được giới quý tộc Ba Tư ủng hộ khi ông để họ tiếp tục cai quản vùng đất mình. 4 tháng sau, người Macedonia đốt cháy cung điện hoàng gia, chính thức chấm dứt Đế chế Ba Tư.

Tuy vậy, Alexander vẫn tiếp tục đi tìm Darius. Cuối cùng, khi được tìm thấy thì vị vua này đã bị ám sát ngay trong chính chiếc xe ngựa của mình. Alexander ra lệnh xử tử kẻ sát nhân và tổ chức tang lễ theo cấp hoàng gia cho Darius.

Alexander tại Ấn Độ

Mùa xuân năm 327 trước Công Nguyên, Alexander cùng quân đội tiến vào đất Ấn Độ, chiếm đóng bang Punjab. Chiến công lừng lẫy nhất của Alexander trên đất Ấn Độ là với Porus, một trong những lãnh tụ quyền lực nhất Ấn Độ. Tháng 7/326 trước Công Nguyên, quân Alexander vượt qua hàng phòng thủ dày đặc trong bão tố để đối mặt với quân của Porus. Mặc dù dùng cả voi chiến, loài vật trước đó người Macedonia chưa bao giờ nhìn thấy, nhưng quân của Porus cuối cùng cũng bị Alexander đánh bại.

Alexander bắt được Porus, nhưng cũng giống như với các thủ lĩnh địa phương trước, ông lại thả tự do và cho phép Porus tiếp tục cai quản vùng đất của mình. Alexander thậm chí còn chinh phục được một tỉnh độc lập và trao tặng cho Porus.

Sau đó, Alexander cùng quân đội tiến dọc xuống phía nam con sông Hydaspes và Indus để có thể đến được Đại dương – rìa phía nam của thế giới. Trên đường đi, ông đã thu phục được người dân và còn gặp được các nhà triết học Bà-la-môn nổi tiếng vì sự thông thái, cùng họ tranh luận về các vấn đề triết học. Đến cả hàng thế kỉ sau, Alexander vẫn trở thành một huyền thoại tại Ấn Độ với sự thông thái của một nhà triết học và sự quả cảm của một vị tướng.

Đến năm 325 trước Công Nguyên, Alexander đến được cửa sông Indus. Môt phần vì quân lính không muốn đi tiếp, một phần vì ông cho rằng “Người Hi Lạp không muốn đi xa hơn nữa” nên quyết định quay về Babylon.

Ngày 10/6/323 trước Công Nguyên, Alexander qua đời vì cơn sốt rét ác tính. Tuy vậy, cho đến nay, cái chết của Alexander vẫn còn là một bí ẩn dù có rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Alexander Đại đế, vua xứ Macedonia và là một vị tướng đại tài qua đời ở tuổi 33 mà không chỉ định người kế nhiệm. Do vậy, vương quốc Macedonia vốn hùng mạnh thuở nào ngày càng trở nên hỗn loạn và cuối cùng đã sụp đổ không lâu sau đó.

0