04/06/2017, 23:50

Bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học.

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu học tập và sự đầu tư cho học tập của con người ngày càng cao. Người ta có thể học bằng nhiều cách: học ở trường, học thêm, học nhóm... Nhưng không có một người thành công nào lại không nhắc đến một phương pháp học đem lại lợi ích và hứng thú học tập rất ...

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu học tập và sự đầu tư cho học tập của con người ngày càng cao. Người ta có thể học bằng nhiều cách: học ở trường, học thêm, học nhóm...

Nhưng không có một người thành công nào lại không nhắc đến một phương pháp học đem lại lợi ích và hứng thú học tập rất cao: Tự học. Trong quá trình học tập bao giờ cũng có tự học, nghĩa là tự mình lao động trí óc để chiếm lĩnh kiến thức. Đây là hình thức học tập không thể thiếu của người học. Tự học một cách hợp lí và khoa học thường mang lại những hiệu quả học tập rất lớn.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao khi và chỉ khi tạo ra được năng lực sáng tạo của người học, khi biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tất nhiên, trong tự học, bước đầu thường có nhiều lúng túng nhưng chính những lúng túng đó lại là động lực thúc đẩy sinh viên tư duy để thoát khỏi “lúng túng”, nhờ vậy mà thành thạo lên, từ đó biết tự phát hiện và đi vào nghiên cứu các vấn đề.
 
Tại sao chúng ta lại cần phải tự học?
 
Ai cũng biết rằng những kiến thức trong cuộc sống là vô cùng, vô tận. Do yêu cầu của cuộc sống, chúng ta càng tiếp cận nhiều với những tri thức ấy càng tốt. Nhưng nhà trường chỉ cung cấp được một phần nào, trong đó phần lớn khối lượng còn lại là do chúng ta tự chiếm lĩnh. Và để chiếm lĩnh được chúng thì cách duy nhất là tự học. Tự học để làm phong phú thêm những kiến thức đã được trang bị; tự học khám phá thêm những tri thức mới, làm tăng vốn sống và khả năng hiểu biết. Bên cạnh đó, tự học còn là phương pháp mà ta có thể chủ động trong việc học tập nghiên cứu, chủ động trong việc quản lí thời gian cá nhân, có thể đi sâu vào khai thác những vấn đề mà bản thân có khả năng hoặc cảm thấy tâm đắc... Tự học mang lại hứng thú và lợi ích rất lớn.
 
Phương pháp tự học có tác dụng bồi dưỡng năng lực tự học, kĩ năng tự học làm cầu nối giữa học tập và nghiên cứu. Trước hết, tự học có ý nghĩa lớn đối với bản thân người học để hoàn thành nhiệm vụ học tập của họ đối với chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học - đào tạo trong nhà trường. Tự học là sự thể hiện đầy đủ nhất vai trò chủ thể trong quá trình nhận thức của sinh viên.

Trong quá trình đó, người học hoàn toàn chủ động và độc lập, tự lực tìm tòi, khám phá để lĩnh hội tri thức dưới sự chỉ đạo, điều khiển của giáo viên. Như thế mà phát triển khả năng độc lập trong tư duy, làm việc, khỏng dựa dẫm vào người khác của học sinh. Sau khi đã chiếm lĩnh một cách chủ động những tri thức trong nhà trường, tự học giúp học sinh mở rộng thêm khả năng và tầm hiểu biết của mình từ những kiến thức ngoài nhà trường và trong xã hội.

Cùng với những nhu cầu đổi mới của xã hội, mỗi người học cần phải là người tự mình chiếm lĩnh hệ thống tri thức, kĩ năng để nắm vững những cơ sở nghề nghiệp tương lai và có tiềm năng vươn lên thích ứng với những yêu cầu trước mắt và lâu dài do thực tiễn xã hội đặt ra, tự học không chỉ đòi hỏi năng lực nhận thức thông thường mà còn cần tiến hành hoạt động nhận thức mang tư duy độc lập, sáng tạo, phát triển tư duy. Một người có phương pháp và chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức sẽ có khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cành, thành công trong cuộc sống.
 
Tự học có thể diễn ra moi lúc, mọi nơi. Trong quá trình tự học, chúng ta có thể tự lên kế hoạch, sắp xếp thời gian một cách hợp lí. Tự học, người học có thể dành thời gian cho việc ôn lại những kiến thức đã học ở trường, ở những khía cạnh chưa hiểu thấu đáo có thể tìm hiểu thêm cho hiểu rõ ràng hơn. Không chỉ có vậy, nhờ có thể chủ động trong việc lựa chọn tri thức để tiếp nhận nên người học cũng có thể dành thời gian để đào sâu tìm hiểu những vấn đề mà mình cảm thấy tâm đắc, những vấn đề gây nhiều tranh luận, từ đó phát triển khả năng phát hiện và tư duy lô-gic sáng tạo. Niềm đam mê và hứng thú học tập cũng được tạo ra từ đó vì tất nhiên, làm một việc gì đó theo sở thích sẽ đem lại cho con người ta sự vui thích.
 
Việc học tập nhờ thế mà trở nên hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều, ở các nước phát triển, việc giáo dục dựa trên cơ sở thực tiễn, phát huy khả năng tự học và tự nghiên cứu của học sinh rất được chú trọng. Giờ lên lớp, học sinh được thoải mái trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan đến bài học. Nội dung bài học được cung cấp dưới dạng các tài liệu và sách tham khảo cho học sinh tự tìm hiểu.

Việc kiểm tra lại lượng kiến thức học sinh đã tiếp thu thường thực hiện dưới hình thức các bài luận, là kết quả của quá trình tự nghiên cứu, tìm hiểu của học sinh cũng như chính kiến của riêng họ. Có thể nói, phương pháp này đã phát huy được một cách tối đa khả năng sáng tạo của học sinh đồng thời bắt họ thực sự làm việc, tụ học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, để cuối cùng có thể tự tin hơn trong việc thể hiện mình trước đám đông. Đó là điều không hề đơn giản và góp phần quan trọng vào việc tự học.
 
Tự học là phương pháp học tập cần thiết đối với mỗi người. Nhưng phải làm thế nào để phương pháp này đạt được hiệu quả tối ưu?. Trong quá trình học tập, việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, lựa chọn phương pháp, hình thức tự học hợp lí là cần thiết. Song điều quan trọng là người học phái có hệ thống kĩ năng tự học. Tùy theo từng người sẽ có những phương pháp tự học khác nhau.

Thông thường, một chu trình tự học nên gồm ba giai đoạn: Đầu tiên là giai đoạn tự nghiên cứu: Người học tự tìm tòi, quan sát, mô tả, giải thích, phát hiện vấn đề, định hướng, giải quyết vấn đề, tự tìm ra kiến thức mới. Sau đó cần phải biết cách tự thể hiện mình, tức người học tự thể hiện những điều mình đã tìm hiểu ra bằng văn bản, bằng lời nói, tự trình bày, bảo vệ những gì mình đã học và tìm tòi được. Các kiến thức đã học được cần phải trải qua một giai đoạn nữa để tự kiểm tra, điều chỉnh. Vì khi tự học, người học tự chủ động trong việc tìm kiếm tri thức và các nguồn tư liệu. Bởi vậy cần phải có giai đoạn tự kiểm tra xem mức độ đúng, sai, phù hợp, không phù hợp và tự điều chỉnh cho tri thức trở thành tri thức đúng. Vận dụng một cách phù hợp, đây sẽ không chỉ là một phương pháp nâng cao hiệu quả học tập mà còn là mục tiêu quan trọng của học tập.
 
Bên cạnh đó, để thành công trong phương pháp này bạn phải có một thời gian biểu chi tiết và hợp lí; phải cân bằng giữa việc học ở trường, học thêm, tự học ở nhà với các lịch sinh hoạt khác. Sách tham khảo cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tự học cũng đồng nghĩa với việc khối lượng kiến thức phải tự giải quyết rất lớn, cần phải biết lựa chọn những tài liệu tham khảo phù hợp, chính xác, tránh để bị loãng về kiến thức. Đồng thời cũng không vì tự học mà để mình quá sa đà vào một lĩnh vực nào đó. Điều này cùng đồng nghĩa với việc tuy hiện nay, tự học là một phương pháp học cần thiết nhưng hiệu quả và chất lượng của nó như thế nào thì vẫn phụ thuộc rất lớn là ở người học.
 
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của những tri thức mới, sự tăng lên gấp bội của sáng tạo công nghệ và kĩ thuật, sự mở rộng của các ngành nghề... đòi hỏi con người phải có năng lực tự học, tự đào tạo để thích ứng. Hãy lựa chọn cho mình một hình thức tự học phù hợp để có thể có được những kết quả học tập tốt nhất.

0