04/06/2017, 23:50

Viết bài văn nghị luận bàn về một bài học đạo đức, hoặc cách sống mà anh (chị) rút ra được từ sự chiến thắng của cái thiện trong truyện Tấm Cám.

Mỗi tác phẩm văn chương chân chính luôn ẩn chứa trong đó bài học mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là những bài học mà khiến cho “người gần người hơn”, khiến cho ta bước lên những bậc thang nhỏ để "tách ra khỏi con thú” “lên tới gần con người hơn”. Bài học đạo đức mà chúng ta có được từ câu ...

Mỗi tác phẩm văn chương chân chính luôn ẩn chứa trong đó bài học mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là những bài học mà khiến cho “người gần người hơn”, khiến cho ta bước lên những bậc thang nhỏ để "tách ra khỏi con thú” “lên tới gần con người hơn”.

Bài học đạo đức mà chúng ta có được từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám là một minh chứng tiêu biểu. Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Câu chuyện kể về cuộc đời nhiều gian truân của Tấm dưới những âm mưu độc ác của mụ dì ghẻ và đứa con của mụ: Cám. Tấm là một cô gái thôn quê ngoan ngoãn, hiền hậu. Mẹ mất, Tấm sớm phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng đầy bất hạnh.

Trong khi Cám được chiều chuộng, thương yêu thì Tấm phải chịu biết bao vất vả, bị mẹ ghẻ và Cám lập hết kế này đến kế khác đày đọa. Từ chuyện đi mò cua bắt ốc để lấy dải yếm đỏ mẹ treo giải, Tấm vì thật thà mà bị Cám lừa trút hết tôm cua vào giỏ của mình đến việc mẹ con Cám lừa bắt giết thịt mất con cá bống còn lại mà Tấm cất công chăm sóc, Tấm được nhà vua chọn làm hoàng hậu bị mẹ con nhà Cám ganh ghét hãm hại: lừa về trèo lèn cây cau hái quả giỗ cha rồi ở dưới chặt gốc cau; giết thịt chim vàng anh, chặt cày xoan đào, đốt khung cửi - là những lần Tấm hóa thân, nhập thân vào.

Nhưng sau mỗi lần hãm hại, Tấm đều được trở về và lần sau còn đẹp hơn cả những lần trước. Sau nhiều lần hóa thân, cuối cùng, Tấm được trả lại hình dáng con người, được quay trở lại làm hoàng hậu. Còn mẹ con Cám đều đã bị trừng trị bằng những hình phạt thích đáng. Câu chuyện kết thúc có hậu vói chiến thắng và hạnh phúc thuộc về cái thiện; những người lương thiện được đón nhận phần thưởng thích đáng còn kẻ xấu bị trừng trị. Câu chuyện dân gian để lại cho chúng ta bài học đạo đức có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống.
 
Đọc Tấm Cám ta thấy nổi bật lên hai phe đối lập thường hay gặp trong quan niệm của dân gian: Thiện và Ác. Cái Thiện ban đầu thường bị cái Ác chèn ép, chịu thua thiệt, nhưng điều đó giống như những thử thách và với nhân phẩm, với những đức tính tốt đẹp của mình, cuối cùng thì cái Thiện cũng đã giành chiến thắng. Có thể coi những gì Tấm đã trải qua là những thử thách mà từ đó càng làm nổi bật bản chất lương thiện của Tấm cũng như sự độc ác, giả dối, mưu mô của mẹ con Cám.

Tấm nghe lời Cám, bỏ chiếc giỏ trên bờ xuống gội đầu, để Cám trút hết tôm tép; đi chăn trâu ở “đồng xa” để mẹ con nhà Cám ở nhà giết thịt cá bống ấy là vì Tấm có tấm lòng chân thật, tin tưởng ở người khác. Tấm trở thành hoàng hậu vẫn nhớ ngày giỗ cha, vẫn muốn trở về nhà giúp dì sắm sanh đồ cúng đấy là biểu hiện của một người con hiếu thảo, thế nên mới có chuyện nàng bị dì ghè lừa trèo cau rồi chặt cây cho ngã chết. Mỗi lần chết đi, sống lại, Tấm đều hóa thân, nhập thân vào những loài khác nhau, những lời nói của nàng với Cám là những hành động quan tâm đến người chồng của mình: “Phơi áo chồng tao, phơi lao, phơi sào. Chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”, đòi lại hạnh phúc của bản thân:
 
 “Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra”

 
Thực ra đó là những lời mang tính chất... dọa nạt mà trong hoàn cảnh của Tấm có thể hoàn toàn giải thích được. Tấm đã chịu biết bao đày đọa từ mẹ con Cám, nàng có quyền đòi lại hạnh phúc cho mình. Hành trình hóa thân của Tấm và sự chiến thắng tạm thời của mẹ con Cám (lấy được chiếc dải yếm đỏ, ăn thịt được cá bống, khiến cho Tấm trèo cau ngã chết, Cám được vào cung thay Tấm, giết thịt vàng anh, chặt cây xoan đào, đốt khung cửi) chứng tỏ hành trình gian lao của cái Thiện trên con đường chiến thắng những cái Ác, những điều xấu xa trong cuộc sống.

Cuộc chiến đấu không hề đơn giản. Chiến thắng có lúc tạm thời nghiêng về cái Ác nhưng cuối cùng với những nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, cái Thiện vẫn chiến thắng. Tấm sau mỗi lần hóa thân ngày càng trở nên xinh đẹp. Từ quả thị, nàng bước ra, xinh đẹp, bình dị, hiền hậu, lại trở về vị thế hoàng hậu của mình khiến cho mẹ con Cám cũng phải ngỡ ngàng “Chị Tấm ơi chị Tấm, Chị làm thế nào mà đẹp thế?”.

Còn mẹ con Cám, sau tất cả những tội ác của mình cuối cùng đã phải nhận lấy hình phạt thích đáng. Cũng giống như quan niệm dân gian “ở hiền gặp lành. Ác giả ác báo” trong rất nhiều các câu chuyện cổ tích khác (Lí Thông bị sét đánh, hóa thành con bọ hung “Thạch Sanh”, người anh bị rơi xuống biển - “Cây khế”) cuối cùng, Cám vì muốn xinh đẹp như chị, bị dội nước sôi mà chết. Mẹ Cám thấy con mình như vậy cũng lăn đùng ra chết. Cuộc chiến đấu với cái Ác tuy gian khổ nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về người lương thiện. Đó là bài học cho kẻ xấu và cũng là chân lí mà dân gian để lại cho con người. Câu chuyện có ý nghĩa răn đe và giáo dục sâu sắc. Ngày hôm nay, trong xã hội hiện đại, người ta vẫn tìm thấy ở đó bài học về đạo đức, về cách sống.
 
Tấm Cám có ý nghĩa sâu sắc trong việc hướng thiện mỗi con người. Hậu quả bi thảm của mẹ con Cám và kết thúc có hậu của Tấm là tấm gương cho bất kì một ai, khiến họ “chùn tay” khi có ý định thực hiện một điều xấu xa nào đó cũng như hướng con người tới việc cố gắng làm những điều tốt, họ cuối cùng cũng sẽ được đền đáp xứng đáng. Tấm có sức sống mãnh liệt, bởi vậy sau mỗi lần hóa thân, nàng càng trở nên xinh đẹp, và cuối cùng, nàng trở về với vai trò của mình: một hoàng hậu được nhà vua hết lòng thương yêu.

Chặng đường của Tấm cho thấy cuộc chiến tranh giữa Thiện và Ác không hề đơn giản, nếu chúng ta không kiên trì, cương quyết thì không thể giành chiến thắng. Chặng đường chiến đấu gian khổ nhưng thắng lợi thì lại hết sức vẻ vang. Chuyện kết thức bằng việc Tấm sai quân lính đào hố, đun một nồi nước sôi rồi dội chết Cám là một kết thúc có phần đáng sợ nhưng nó phản ánh lô-gíc phát triển của tác phẩm cũng như quan niệm của dân gian. Trong quan niệm của người xưa thì “gieo nhân nào gặt quả nấy”, cái xấu, cái ác, phải bị trừng trị xứng đáng.

Với những gì mẹ con Cám đã gây ra cho Tấm, chúng xứng đáng bị trừng phạt gấp nhiều lần như thế. Nhưng dân gian không đề cho chúng bị chết giống như Lí Thông, như người anh cả mà để cho Tấm “thay trời hành đạo” như lí lẽ về một cuộc trừng phạt đến cùng. Bị trừng phạt bởi người đã bị đày đọa, đó mới là bài học có tính răn đe sâu sắc. Điều này càng mang một ý nghĩa tích cực trong thời hiện đại: Không thể chờ một thế lực siêu nhiên nào ra tay tế độ, mỗi con người phải tự mình có ý thức trong việc chống lại những cái ác, cái xấu trong xã hội, làm cho xã hội ngày càng trong sạch hơn.
 
"Tấm Cám" là một câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc không chỉ từ xa xưa mà đến tận ngày nay. Nó hướng con người đến lối sống lương thiện, để con người ngày càng rời xa phần “Con” để sống "Người" hơn.

0