Bản chất của xà phòng?
Xà phòng có khả năng sát trùng rất tốt Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì xà phòng là chất tẩy rửa; là muối kim loại kiềm của axit cacboxylic, công thức chung RCOO– Me+ (Me = Na, K) với R là gốc hiđrocacbon; thường R chứa 12 - 18 C; nếu R > 18 C, xà phòng sẽ không tan trong ...
Xà phòng có khả năng sát trùng rất tốt
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì xà phòng là chất tẩy rửa; là muối kim loại kiềm của axit cacboxylic, công thức chung RCOO– Me+ (Me = Na, K) với R là gốc hiđrocacbon; thường R chứa 12 - 18 C; nếu R > 18 C, xà phòng sẽ không tan trong nước. Người La Mã đã biết điều chế xà phòng từ cách đây 2.500 năm, bằng cách nấu mỡ với kiềm (phản ứng xà phòng hoá):
C3H5(OCOR)3 + 3NaOH → 3NaOOCR + C3H5(OH)3
Mỡ Kiềm Xà phòng Glixerol
Loại xà phòng này có nhược điểm là ion cacboxylat có thể phản ứng với các ion Ca2+ hoặc Mg2+ tạo thành muối không tan, do đó không dùng được trong nước cứng (chứa nhiều ion Ca2+ hoặc Mg2+). Từ năm 1954, xà phòng cacboxylat được thay bằng chất tẩy rửa tổng hợp từ dầu mỏ, không bị kết tủa trong nước cứng. Chất tẩy rửa tổng hợp có thể là dạng anion, cation hoặc không ion. Để giặt quần áo thường dùng dạng anion, trong đó gốc hiđrocacbon chứa từ 7 đến 18 C, ví dụ natri lauryl sunfat CH3(CH2)11OSO3– Na+, hoặc natri ankylbenzensunfonat RC6H4SO3– Na+. Nếu R là mạch phân nhánh thì xà phòng khó bị vi sinh vật phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy khuynh hướng hiện nay là dùng xà phòng có gốc R là mạch thẳng dễ bị vi sinh vật phân huỷ, nhằm bảo vệ môi trường. Vi khuẩn gây bệnh bám vào các chất hữu cơ dính trên tay chân, quần áo, khi chất hữu cơ bị tẩy rửa đi thì vi khuẩn cũng bị loại thải và thường bị chết trong môi trường có độ kiềm cao. Ngoài mục đích tẩy rửa, xà phòng cacboxylat kim loại kiềm thổ hoặc kim loại nặng (vì thế loại xà phòng này thường được gọi là xà phòng kim loại) không tan trong nước nhưng tan trong dầu, được trộn với dầu nhờn để chế tạo thành mỡ bôi trơn. Cần hướng dẫn mọi người có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.