06/02/2018, 15:14

Bài viết tuyên truyền về thực hiện an toàn giao thông

– Bài 1 Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động. Vậy chúng ta, nhất là những người ...

– Bài 1

Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động.

Vậy chúng ta, nhất là những người trẻ, có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông?

Trước hết, ta cần hiểu tai nạn giao thông là như thế nào? Khi tham gia giao thông trên đường, bất ngờ ta bị tai nạn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân. Từ khi con người sáng chế ra những phuơng tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, cứ mười lần bước ra đường phố thì đã nhìn thấy hết bảy lần xảy ra tai nạn giao thông. Vậy tại sao lại có được một con số thật khó tưởng tượng, vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến? Có nhiều lý do để giải thích, như đã nói ở trên là do khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số.

Nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm rằng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Thứ hai là có hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu… Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Một phần nữa vì không có biện pháp kiểm soát, bắt nóng ngay khi phạm luật nên mọi người cứ vô tư phạm luật khi không thấy có cảnh sát giao thông. Xét về nguyên nhân khách quan, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng  đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho người lưu thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì mọi người đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông, đi đúng tốc độ, đúng phần đường, không điều khiển xe khi đã uống rượu bia, đi trên đường không nên ganh đua với người khác…

Riêng về phần học sinh chúng ta, ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tích cực tham gia các hoạt động thiết thực do Đoàn trường tổ chức để tuyên truyền luật giao thông cho mọi người và gia đình, chấp hành nghiêm luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe gắn máy, xe đạp điện, đặc biệt là sau khi các bạn đã kí cam kết thực hiện an toàn giao thông. Không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân mình. Ở trường ta, đa số các bạn học sinh thực hiện tốt luật an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên còn một số bộ phận không nhỏ các bạn học còn chưa thực hiện tốt, thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông như khi tan học còn tụ tập trước khu vực cổng trường gây ùn tắc giao thông, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai, đi dàn hàng ngang trên đường.

Trên địa bàn huyện Thanh Hà chúng ta, toàn dân cũng đang hướng ứng tháng an toàn giao thông vào tháng 10 này, các lực lượng công an giao thông sẽ thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử phạt người vi phạm. Nếu các bạn học sinh bị xử lí vi phạm khi tham gia giao thông nghĩa là bạn đã vi phạm pháp luật.

Bản thân tôi cũng sẽ có gắng chấp hành luật giao thông thật tốt, góp một phần nhỏ nào đó làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội này. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại nhiều niềm vui cho những ai tham gia giao thông.

Và thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn sau bài viết này là “ Bạn và tôi hãy cùng nhau thực hiện tốt luật an toàn giao thông như chúng ta đã cam kết”

– Bài 2

Tôi có một cô bạn rất xinh, rất sành điệu. Nó dùng đồ hiệu, đi một chiếc xe đạp điện đắt tiền, tuy nhiên lại không bao giờ đội mũ bảo hiểm. Suy nghĩ của bạn tôi rất đơn giản, đơn giản như bao nhiêu người đi xe đạp điện mà tóc vẫn tự do tung bay trong nắng sớm: “Đi xe đạp điện không cần thiết đội mũ như xe máy, thêm nữa, mũ bảo hiểm sẽ làm hỏng, bết tóc và rất vướng víu”. Nhưng bây giờ, nó đã thay đổi.

Sáng hôm ấy, nó chải tóc rất cẩn thận và chuẩn bị đến trường. Chị gái của nó – rất coi trọng về an toàn của em gái khi đi ra đường – hôm nay là lần thứ n chị nhắc nó đi xe đội mũ bảo hiểm. Chị vừa phát hiện mọi khi nó chỉ đội qua loa, rồi ra đến đường cởi bỏ mũ, nên hôm nay đích thân cầm lược ra, bất ngờ chải gọn tóc nó lên rồi buộc lại và úp chiếc mũ bảo hiểm lên.

Thực ra buộc như vậy rất đẹp, dễ đội mũ bảo hiểm, lại gọn gàng. Tuy nhiên, đối với bạn tôi, kiểu tóc ấy không đẹp, hơn nữa nó mất thời gian chải đầu đâu phải chỉ để cuối cùng túm lên rồi đội mũ. Vậy nên, nó rất hậm hực: “Chị, em mất cả sáng để chải tóc đấy! Cái mũ này quá xấu, nó còn làm hỏng tóc em!”.

Vấn đề ở đây, có chỉ là tóc không? Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng rồi tôi biết, ngoài việc sợ “mũ ám sát tóc” thì nó và rất nhiều người còn ngại đội mũ vì vướng víu, rồi nào thì cồng kềnh, rắc rối, rồi thì coi mũ bảo hiểm là “cái nồi ngớ ngẩn úp lên đầu làm mất đi sự duyên dáng và sành điệu”.

Bố mẹ khuyên, không được.

Chị gái khuyên, không được.

Bạn bè khuyên, không được.

Nhưng quy định là quy định. Những học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện sẽ bị nhà trường xử phạt rất nghiêm. Đội cờ đỏ sẽ không nương tay với bất kì trường hợp nào. Đi gần đến cổng trường, trông thấy đội cờ đỏ, bạn tôi vội quay tay lái, liệng xe sang lối khác. Đường trơn, xe trượt lên vỉa hè, đổ nghiêng. Đầu nó đập vào hàng rào sắt. Cú va đập không đủ mạnh để làm nó trọng thương nhưng vết xước sâu trên trán cũng làm cho nó hoảng sợ. Tôi biết, với cái đứa chỉ một nốt mụn cũng có thể làm mất ăn mất ngủ thì vết xước ấy thật khủng khiếp. Đưa nó tới phòng y tế kiểm tra vết thương, tôi cười hỉ hả: “May thật, nếu hôm nay mày đội mũ bảo hiểm thì mũ đã xước te tua còn gì!!!”.

Điều đó làm nó “nổi khùng”, chiều hôm đó, để xoa dịu nó tôi đã rủ nó đi ăn.

Nơi chúng tôi tới là một quán ăn nhỏ. Cô chủ quán là người quen của nhà tôi, có một người con gái vô cùng xinh, rất được cưng chiều, trước kia cũng như bạn tôi, rất sành điệu, đi xe đạp điện xịn và không bao giờ đội mũ bảo hiểm. Và chính điều đó đã dẫn tới một bi kịch cho chị ấy, một chấn thương không hề nhẹ ở não sau khi gặp tai nạn làm chị ấy mất trí nhớ, và rõ ràng về bài học hơn, đó là: người đi cùng chị ấy đội mũ bảo hiểm nên không thương tích tại não.

Bạn tôi ngồi ăn có vẻ không ngon miệng, mắt nhìn vào cô gái trong nhà, rất xinh, nhưng đôi mắt ngây dại, vô hồn. Thậm chí, nó ngạc nhiên hơn khi thấy chị ấy nhìn chính mẹ của mình mà hỏi: “Cô ơi, bao giờ mẹ cháu về?”

– Này, tao tưởng cô ấy là mẹ chị ấy chứ?

Cuối cùng nó cũng hỏi, nếu nó không hỏi, sẽ khó khăn hơn để tôi có thể bắt đầu kể câu chuyện về cô con gái của chủ quán.

 – Tại sao chị ấy gọi mẹ là cô?

 – Chị ấy mất trí nhớ – Tôi nhìn nó, rồi nói thêm – Nếu mày như bây giờ, tao e rằng có ngày mày sẽ hỏi mẹ mày một câu như vậy.

Nó không nói gì. Chỉ cúi đầu im lặng.

Ngày hôm sau và rất nhiều ngày sau nữa, mỗi khi ra đường, chưa bao giờ nó quên mang theo chiếc mũ bảo hiểm bên mình.

– Bài 3

Nó vít ga. Chiếc mô tô phân khối lớn gầm lên từng tiếng rợn người. Mặt nó giãn ra; làm chủ tay lái chiếc xe của anh nó hóa ra cũng không phải việc gì ghê gớm lắm. Ba nó, mẹ nó, thậm chí cả anh nó, luôn luôn nói với nó rằng:

– Mày còn nhỏ, chưa có đi được cái này. Thằng anh mày ngày xưa mãi mới được dùng, lại tập tành khổ sở, mấy lần ngã gãy cẳng nữa là…”.

Nó nghĩ thầm, anh chỉ dọa, trên phim hành động Mỹ người ta chạy suốt, động tác đơn giản khoan thai này nó làm theo được. Vả lại, nó tự nhủ, mình cũng đã 15 tuổi rồi, đâu còn là con nít nữa, mọi người toàn quan trọng hóa vấn đề! Ở trường nó, mấy đứa bạn nó cũng 15, 16 hết. Mà đứa nào đứa nấy cũng đều xoay sở được một con xe máy riêng cho mình. Mấy lần đi chơi thật ức chế quá; bọn con gái kéo nhau ngồi đằng sau yên những chiếc xe máy, chẳng đứa nào chịu ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của nó. Đã vậy, mấy thằng bạn đểu còn đế thêm:

– “Ê nhóc! Đi chơi với cấp hai đi, tụi nó coi bộ hợp với chiếc xe của mày hơn á!”.

Kết thúc những câu nói như vậy bao giờ cũng là tràng cười ức muốn ói máu của bọn con trai, cùng với những tiếng khúc khích của mấy đứa con gái phụ họa. Bây giờ, chúng mày chống mắt lên mà xem, xe máy của tao đây! Bọn cái Vy cái Châu sẽ tranh nhau chỗ ngồi phía sau quả xe ‘oách xà lách’ của tao, chứ không phải Wave ghẻ Dream tàu chúng mày! Một sự phấn khích nhẹ khẽ cuộn qua từng thớ dây thần kinh cảm xúc của nó, tạo cho nó một cảm giác dễ chịu. Ai cũng cho là chiếc xe quá tầm của mình. Hay tranh thủ lúc bố mẹ vắng nhà, anh đi học, làm một chuyến dạo phố cho mọi người trầm trồ, nhỉ? Nghĩ là làm, nó kéo cổng, hì hụi lôi chiếc xe cồng kềnh ra khỏi sân nhà. Ơ, có cái gì đập đập vào chân mình ý nhỉ? Nó nhận ra chiếc mũ bảo hiểm quen thuộc anh vẫn đội đang đung đưa bên sườn xe. Vướng víu quá ta, với cả mình chẳng cần mũ đâu, mình giỏi mà! Phổng mũi với câu tự khen vừa rồi, nó thò tay ném chiếc mũ lăn lóc trước hiên nhà, khóa cổng rồi cắm chìa khóa. OK, đến lúc rồi!

Và giờ thì nó, trên chiếc xe to kềnh của anh, đang vi vu ngoài đường. Hôm nay số nó hên, có lẽ mọi người tránh rét nằm hết trong nhà, ngoài này chỉ có nó và gió sương. Chiếc xe lúc này tựa như một chú gấu hiền lành, đưa nó lướt qua những sương cùng gió. Những mối nguy hiểm anh nó vẫn thường xuyên kể cho nó nghe giờ rủ nhau trốn đâu hết cả! Không có chuyện xe rồ ga hay giật cục. Tất cả vẫn đang hoạt động bình thường. Chiếc xe máy hầm hố giờ đang bon bon đưa nó xuyên suốt phố này ngõ nọ. Nó có cảm giác mình là dân phượt. Nó thấy gió lướt trên đầu mát lạnh, thấy những sợi tóc vuốt keo cứng đơ như đang muốn thả tự do theo chiều gió. Dân chơi là đây chứ đâu! Nó đắc chí ghê gớm. Nó nghĩ về chuyến đi đi chơi ngày mai của tụi bạn. Không còn thằng Long lóc cóc đạp xe đuổi theo những chiếc xe máy không biển. Không còn thằng Long tức anh ách mỗi khi nhìn những đứa con gái lần lượt bước lên những chiếc xe của mấy đứa con trai kia sau khi bĩu môi với chiếc xe đạp nó đang cưỡi. Không còn nữa, chỉ ngay ngày mai thôi, cái Châu cái Vy sẽ giành nhau ngồi chung xe với nó trước con mắt nể phục của tất cả lũ bạn. Chính nó, chính thằng Long khổ sở này chứ không phải ai khác, sẽ cười vào mặt bọn nó, như cái cách bọn nó đã cười vào mặt mình. Phải rồi, tối nay về đến nhà, việc đầu tiên là phải nghĩ ra một câu, hay nhiều câu càng tốt, thật thâm, thật cay để cho bọn nó ức lộn ruột, cho bọn nó chừa cái thói khinh rẻ bạn bè. Bây giờ với chiếc xe này, người leo lên ngôi vị bá chủ là tao, chúng mày khỏi mất công tranh cãi với nhau làm gì cho mất công.

Bao nhiêu viễn ảnh tươi đẹp kéo nhau tràn ngập tâm trí nó; nó khẽ nhắm nghiền đôi mắt để thực tế hóa chúng với một nỗ lực đáng ghi nhận. Và những hình ảnh đấy vô tình làm nó quên rằng mình vẫn đang tọa trên vật thể đang lao vun vút với tốc độ 60km/h, và đâu đó trong màn sương kia là sự xuất hiện của một bà cụ bán hàng rong nghèo khổ với giỏ tăm bông đeo lủng lẳng trên cổ, tấm lưng đã còng và hai chiếc áo mỏng đã sờn, đang run lên từng chập giữa tiết trời giá rét.

Thoáng chốc, chiếc xe hiện nguyên hình. Không phải là con gấu hiền lành như cái đứa đang cưỡi trên lưng nó vẫn nghĩ; chiếc xe là con quái vật bất trị giả vờ khoác chiếc áo ngoan hiền để đánh lừa bọn amateur nghĩ mình siêu. Con quái vật ấy đang lao đến bà lão khốn khổ kia; bà vẫn đang cố gắng tìm chút hơi ấm trong việc xoa đôi bàn tay trần nhăn nheo vào nhau, bà không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra sau lưng mình. Nó lo lắng. Nó run sợ. Vô tình cánh tay của nó vặn tay ga. Chiếc xe được tiếp thêm sức lực; nó cắm đầu về hướng bà cụ. Không, không phải mình đã 15 tuổi, mình mới chỉ 15 tuổi.Nó đau đớn nhận ra sự thật đó. Chiếc xe cà tàng của mình, tuy chỉ là động cơ chạy bằng cơm, nhưng nó ngoan ngoãn, nó tuân lệnh chủ nhân, điều khiển nó dễ hơn biết bao! Với một nỗ lực phi thường, nó mắm môi gắng sức bẻ chệch cái tay lái khỏi hướng đi chiếc xe đã định sẵn. Bà cụ trông thấy những vệt sáng trên đường, bà giật mình quay lại, đánh rơi đống tăm bông trong chiếc giỏ nát. Đôi mắt mờ của bà hiện lên hình ảnh ánh đèn pha rọi thẳng. Nhưng bà lão khốn khổ không biết làm gì; bà chỉ còn biết quỳ sụp xuống đường. Trong tâm trí bà ùa về cái ngày định mệnh đó, ngày mà bà đã phải chứng kiến sự ra đi của hai đứa con trai yêu quí trong một tai nạn giao thông thảm khốc gây ra bởi gã tài xế say xỉn. Bà khẽ nhắm nghiền mắt.

Nhưng nó đã thành công. Chiếc xe đã chịu đổi hướng sau một hồi gồng lên bất trị. “Bà cụ thoát chết rồi”, trong đầu nó chỉ kịp nghĩ vậy. Trước khi chiếc xe tông một cú thật ác vào vỉa hè. Cả thân hình bé nhỏ của thằng Long nó bắn lên không trung. Thời gian như dãn dài ra vô tận. Mọi khoảnh khắc như ngưng đọng lại.Cả cuộc đời của nó chạy qua trước mắt như một thước phim quay chậm. Đúng, thằng bé 15 tuổi đó đang ngẫm nghĩ. Liệu bố mẹ và anh Hoàng đi tìm mình có khổ sở không nhỉ? Mình còn chẳng biết chốn này là chốn nào. Con xin lỗi ba mẹ, con là đứa bất hiếu. Anh Hoàng à, em ngu quá! Nó nhìn lướt qua chiếc xe máy của anh nó. Chiếc xe giờ đã đang nằm chỏng chơ trên vỉa hè, xăng rỉ ra xanh lét cả một vệ đường, mang dáng vẻ của một con quái vật đã bị hạ gục. Mười lăm năm kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, giữa những ăn chơi đập phá, bất mãn hoàn cảnh, đua đòi bè bạn…, có lẽ đây là việc làm ý nghĩa đầu tiên và cũng là cuối cùng nó từng làm. Nó nghĩ, nếu giờ này được sống một cuộc sống mới, nó sẽ không bao giờ làm vậy nữa. Nó sẽ thay đổi tất cả. Nhưng muộn quá rồi Long ơi! Những giọt nước mắt tuôn ngược ra trước mặt nó trong khi tấm lưng nó đang hướng về cây cột điện. Có lẽ đây là lần đầu tiên nó ý thức được sâu sắc về cuộc đời của mình đến vậy. Nó từ từ nhắm mắt.

Chết có đau không?

“Cốp!”

***

Nó khẽ mở mắt. Thiên đường hóa ra cũng gần như tiệm tạp hóa đầu ngõ nhỉ? Nó khẽ định thần lại, nhìn xung quanh. Không có mây, không có trời xanh, không có cánh cổng cao lớn thếp vàng như trong thần thoại. Nó nhìn thấy khung cảnh nơi nó đảo tay lái. Khó hiểu nhỉ? Thiên đàng cũng giản dị như hạ giới thôi sao? Chưa kịp suy nghĩ tiếp, nó giật mình để ý tới đám đông xung quanh mình. Loáng thoáng mấy câu nó nghe được:

– Đâm xe à?

– Ừ. Chắc sương mù thằng bé đi loạng choạng rồi tông vào vỉa hè.

– Nhỏ mà chơi quả xe to ngầu phết!

– May mà nó có mũ bảo hiểm…

Khoan, khoan, từ từ đã. Cái gì cơ? Nó không hiểu mọi người đang bàn tán về cái gì. Đó là trước khi nó cảm giác thấy một sợi dây vải ngắn quàng qua cằm. Trên đầu nó, bằng một cách nào đó, một chiếc mũ bảo hiểm vững chắc đang ôm chặt lấy đầu nó, đè những sợi tóc xịt keo cứng đầu xuống. Hả? Tại sao lại… Nó chưa kịp thắc mắc bỗng nhìn lên tấm áp phích gần đó. Một tấm áp phích tuyên truyền an toàn giao thông giống như tấm áp phích khu nhà nó. Nhưng điều kì lạ là, đáng lẽ nhân vật phải đội mũ bảo hiểm, như vậy mới giống tấm gần nhà nó. Vậy mà, bức ảnh này người đó vẫn đang làm động tác cài dây mũ, nhưng trên đầu lại không có gì cả. Không lẽ…

– Không có lần thứ hai đâu đấy nhé! – một giọng nói bí hiểm vang lên trong đầu nó – Không có lần thứ hai! Nó thì thầm trước khi khẽ nhắm mắt, môi nở một nụ cười mãn nguyện…

0