Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân
– Bài 1 Từ xa xưa, ca dao tục ngữ đã là kho tàng vô giá của nhân loại. Ca dao thường thiên về tình cảm, tục ngữ thiên về trí tuệ. Mỗi câu tục ngữ đều được coi là túi khôn của nhân dân ta. Nó là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết thành những lời xúc tích nhằm khuyên bảo, rèn luyện cho ta ...
– Bài 1
Từ xa xưa, ca dao tục ngữ đã là kho tàng vô giá của nhân loại. Ca dao thường thiên về tình cảm, tục ngữ thiên về trí tuệ. Mỗi câu tục ngữ đều được coi là túi khôn của nhân dân ta. Nó là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết thành những lời xúc tích nhằm khuyên bảo, rèn luyện cho ta những đức tính, tình cảm tốt đẹp giữa những người với người. Mặc dù trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có vô vàn những câu tục ngữ hay nhưng tôi tâm đắc nhất là câu tục ngữ: "Thương người như thể thương thân". Tuy ngắn gọn nhưng nó đã cho ta một bài học sâu sắc về lòng thương người.
Trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ như thế nào. Đầu tiên, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta: Hãy yêu thương người khác như yêu thương chính bản thân mình. Những câu tục ngữ không chỉ gói gọn trong phạm vi khổ hẹp ấy, ý nghĩa của nó còn rộng hơn nhiều. Nó mang một hàm ý, lời khuyên sâu sắc mà ông cha ta muốn gửi đến chúng ta: Chúng ta phải luôn luôn có tình thương yêu, nhân ái với tất cả những người xung quanh hay toàn thể nhân loại khi họ gặp khó khăn.
Vì sao chúng ta phải thương người như thể thương thân? Bởi lẽ, tình yêu thương vốn là một phẩm chất đạo đức cần có trong mỗi người. Nó cũng chính là nền tảng, cơ sở để giúp cho xã hội ngày một phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Và tình yêu thương ấy thường được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể. Sự thật, trong cuộc sống, từ bé đến lớn, từ trẻ đến già, không ai là hoàn hảo. Hơn nữa, cuộc đời con người không đơn giản, ai cũng có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trong công việc, làm ăn, sức khỏe,… Nếu ta đã từng trải qua nỗi đau đớn, bệnh hoạn, ngặt nghèo thì khi thấy người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự, ta hãy thương xót, cảm thông, giúp đỡ. quan tâm đến họ như đối với chính ta vậy.
Mặt khác, trong thực tế, mọi người sống với nhau đều có những mối quan hệ nhất định, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc mà đều tập hợp thành một đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình, ta có quan hệ cha con, mẹ con, anh em,… Đó là mối quan hệ máu thịt thiêng liêng. Nhận thức rõ điều ấy nên ông bà ta đã dạy dỗ con cháu từ thuở còn trứng nước bằng những lời ru êm dịu bên nội:
"Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"
Hay:
"Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy".
Hoặc câu tục ngữ:
"Chị ngã em nâng"
Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ:
"Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông"
Rộng hơn là tình bạn bè, bà con hàng xóm, những người đã cùng ta "Tối lửa tắt đèn có nhau". Tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc trở gió trở trời, những khi cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để chia sẻ ngọt bùi.
Vì vậy, khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta lại ngoảnh mặt thờ ơ? Lúc này thái độ "Nhường cơm sẻ áo" là một việc làm mà phải thực hiện tốt.
To lớn hơn nữa là tình đồng hương, tình dân tộc. Những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, ở rừng núi hay đồng bằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu cơ. Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh. Chính mối quan hệ gắn bó này đã tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy bao đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm kháng chiến gian khổ, cả nước đều chung lòng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng kêu gọi: "một miếng khi đói bằng một gói khi no" những lúc lũ lụt, hạn hán xảy ra. Ở đâu có người gặp hoạn nạn, thiên tai là lập tức có hàng triệu tấm lòng hướng về an ủi, động viên, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện nay đã lan rộng khắp cả nước. từ những vị lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp đến cán bộ, công nhân viên, nông dân, học sinh,… đều sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho trẻ mồ côi, bất hạnh, những trại dưỡng lão cho người già, cô đơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp như vậy, vẫn còn có những người chỉ biết chăm sóc bản thân mình, không nghĩ tới cuộc sống và hoàn cảnh khó khăn của người khác. Họ sống thờ ơ, vô cảm với những số phận đang cần bàn tay giúp đỡ. Họ đáng bị xã hội lên án và phải tự thay đổi để có cuộc sống tích cực hơn.
Câu tục ngữ đã thấm sâu vào lòng người, để lại một ấn tượng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ ích kỷ, chỉ muốn mọi lợi ích cho bản thân. Không những thế, nó còn giúp ta tự nhìn lại mình để thay đổi, rèn luyện bản thân. Đồng thời câu tục ngữ cũng là lời khuyên chí lý đối với mọi người, nhất là lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, lòng nhân ái sẽ xóa bỏ hận thù, đẩy lùi cái ác để Trái Đất này mãi mãi một màu xanh hy vọng, hòa bình và hạnh phúc.
– Bài 2
Trong cuộc sống của con người, thứ quý nhất không phải vàng bạc châu báu hay tiền đồ danh lợi mà nó xuất phát từ chính con người ta: tình yêu thương dân tộc Việt Nam ta cũng vậy, cũng có tinh thần yêu nước thương nòi. Để nhắc nhở con cháu đời sau điều quý giá này, ông bà ta đã có câu: "Thương người như thể thương thân".
Tình cảm này được vun đắp và phát triển từ những mối quan hệ giữa gia đình, thầy cô, người thân, bạn bè… Thương thân là yêu thương chính bản thân mình những lúc khó khăn, lúc đói không có cơm ăn, khi ốm đau không ai săn sóc, khi lạnh không có áo mặc. Những lúc khốn khó như vậy, bản thân chúng ta mới thực sự yêu mình. Còn thương người là yêu thương mọi người xung quanh, giúp đỡ chân thành lúc họ gặp khó khăn. Lời dạy trên muốn nhấn mạnh. Nếu ta thương bản thân mình như thế nào thì hãy yêu thương người khác như vậy. Thấm được cái đau khi mình mắc phải sẽ giúp ta thêm cảm thông với người khác.
Tại sao chúng ta phải yêu thương người khác như chính bản thân mình? Tình yêu thương là một phẩm chất đẹp, là nền tảng giúp xã hội đi lên. Nó được thể hiện qua những hành động cụ thể, một gia đình không thể tách khỏi một xã hội. Để tồn tại được trên một xã hội thì con người phải tập hợp lại với nhau, cùng yêu thương nhau. Một xã hội mà có mọi người đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, yêu thương nhau những lúc hoạn nạn thì đó là một xã hội phồn vinh, không có sự bất công. Cuộc đời con người, ai cũng từng có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Cho nên, chúng ta rất cần những sự chia sẻ, sự giúp đỡ họ lúc khó khăn thì đổi lại lúc ta gặp khó khăn, chắc chắn họ sẽ giúp ta làm không cảm thấy đơn độc.
Sức mạnh của tình yêu thương này là gì? Đó là một sức mạnh tự nhiên từ tấm lòng của mỗi con người. Con suối tình thương ấy không bao giờ cạn kiệt, nó dập tắt mọi sự bất hạnh và khó khăn. Nó kết nối mọi người với nhau, giảm bớt sự cách trở giữa các quốc gia.
Yêu thương như thế nào là đúng nghĩa? Trong xã hội luôn có nhiều người kém may mắn hơn ta, họ phải chịu nhiều bất hạnh và tổn thương hơn chúng ta. Vậy tại sao chúng ta những người hạnh phúc hơn, giàu có hơn và may mắn hơn lại không dang tay giúp đỡ họ. Có thể chúng ta giúp đỡ bằng tinh thần hoặc vật chất nhưng hãy xuất phát từ cái tâm của mình. Gặp một cụ già hay một em bé đang bán vé số, có thể bạn đang vội vã nhưng nếu bạn dừng lại hai, ba phút mua cho họ một vé số để họ có tiền mua đồ ăn. Chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và ý nghĩa hơn. Điều này rất cần thiết cho một thế hệ trẻ. Cho đi rồi sẽ nhận lại điều này luôn đúng.
Xung quanh bạn có rất nhiều người yêu thương bạn. Ngoài gia đình bạn có bạn bè và cả những người hàng xóm láng giềng.
Tuy không cùng máu mủ ruột thịt nhưng họ có tình nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc ta cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng cả tấm lòng. vì vậy khi họ lâm vào hoạn nạn chẳng lẽ ta lại ngoảnh mặt làm ngơ. Ngày nay, tình yêu thương của câu tục ngữ này đã trở thành một tình cảm chung. Chúng ta đã biết giúp đỡ nhau bằng cách ủng hộ, tham gia khuyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Điều đó là vòng nối người với người trong xã hội hiện nay.
Bên cạnh những người tốt, vẫn còn có những cá nhân ích kỷ, chỉ biết đến bản thân và thờ ơ với người khác. Họ đáng bị trừng trị.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng: "Nơi lạnh nhất không phải là Nam Cực mà là nơi thiếu thốn tình người. Chúng ta còn cô đơn bởi thay vì xây những cây cầu chúng ta lại xây những bức tường". Hãy giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng. Hãy cho đi những thứ tốt đẹp để rồi nhận lại được những điều ý nghĩa.