31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn hay nhất

Trước khi dời đô về kinh thành Thăng Long, hai nhà Đinh, Tiền Lê đều đóng đô ở vùng núi hiểm trở, số vận ngắn ngủi, ra đời không bao lâu thì tiêu vong. Là một người đứng đầu đất nước Lý Công Uẩn có trọng trách to lớn phải tìm được nơ địa linh nhân ...

Trước khi dời đô về kinh thành Thăng Long, hai nhà Đinh, Tiền Lê đều đóng đô ở vùng núi hiểm trở, số vận ngắn ngủi, ra đời không bao lâu thì tiêu vong. Là một người đứng đầu đất nước Lý Công Uẩn có trọng trách to lớn phải tìm được nơ địa linh nhân kiệt làm nơi đóng đô cho đất nước.


Bằng sự am hiểu thiên văn địa lí, Lý Công Uẩn đã quyết định dời về kinh thành Thăng Long, và đó cũng là hoàn cảnh ra đời của văn bản Chiếu dời đô. Chiếu dời đô ra đời thể hiện khát vọng to lớn về một đất nước độc lập, hùng cường và không ngừng lớn mạnh của dân tộc.


Để đi đến quyết định dời đô đến một nơi khác, Lý Công Uẩn đã có sự tính toán vô cùng kĩ lưỡng từ lịch sử cho đến thực tiễn. Việc dời đô không phải chuyện hiếm thấy, ngay bên cạnh ta, Trung Quốc cũng đã có vài lần dời đô: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời dô, nhà Chu đến Thành Vương cũng ba lần dời đô” . Việc dời đô không phải là tùy tiện mà thuận theo ý trời, vừa với lòng dân bởi vậy vận nước lâu dài, vững bền, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc.


Không dừng lại ở những tấm gương xưa, để lập luận thêm phần chặt chẽ, sắc sảo, Lý Công Uẩn còn soi ngắm lịch sử gần đây đó là hai nhà Đinh, Tiền Lê. Do ở nơi địa thế hiểm trở, không thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế nên không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ chịu hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Quả là cái hại lớn cho nước nhà, cho muôn dân. Đau đáu một lòng, Lý Công Uẩn không ngừng suy nghĩ, và điều đó đã thôi thúc ông biến nó thành hành động cụ thể đó là không thể không chuyển dời kinh đô về nơi có linh khí tốt hơn cho vận mệnh đất nước.


Sau khi có quyết định chuyển dời, Lý Công Uẩn đưa ra những lập luận, dẫn chứng hết sức chặt chẽ để khẳng định kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời chính là kinh thành Thăng Long. Thứ nhất, thành Thăng Long ở vị trí trung tâm của trời đất, thế rồng cuộn hổ ngồi, nhìn sông dựa núi, địa thế đẹp đẽ, đắc địa. Đất đai nơi đây rất rộng rãi, bằng phẳng, cao mà thoáng, cư dân sẽ không phải chịu cảnh lụt lội, muôn vật sẽ phát triển phong phú tốt tươi.


Không chỉ đẹp về địa thế, mà thành Thăng Long còn thuận lợi về mặt chính trị, văn hóa, đây là nơi “hội tụ trọng yếu của bốn phương; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” . Kinh thành Thăng Long hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để trở thành kinh đô muôn đời của Đại Việt.


Thử hỏi ở nơi hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước như vậy làm sao vận nước có thể ngắn ngủi, làm sao cuộc sống người dân không yên ấm hạnh phúc cho được. Đây chính là mong mỏi, khát vọng lớn nhất của Lý Công Uẩn: đất nước hưng thịnh, vững bền, dân cư đời đời ấm no hạnh phúc. Đó quả là một khát vọng lớn, nhân văn, cao đẹp của một con người yêu nước, thương dân.


Chiếu dời đô không chỉ là khát vọng cao đẹp, lớn lao của dân tộc mà còn là một minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển hùng cường của dân tộc. Hai triều đại trước vốn không dời đô vì thế và tiềm lực còn yếu, nên phải dựa vào rừng núi hiểm trở để tồn tại. Còn nay, khi Lý Công Uẩn quyết dời đồ ra nơi đồng bằng, rộng rãi, bằng phẳng là kinh thế và lực của ta đã lớn mạnh, sẵn sàng đương đầu với những ý định lăm le của kẻ thù. Đồng thời dời đô đến nơi mới cũng tạo điều kiện cho ta không ngừng phát triển kinh tế, quân sự, củng cố và làm vững mạnh hơn nữa tiềm lực quốc gia, dân tộc.


Chiếu dời đô vẫn luôn giữ vững giá trị của mình cho đến thời điểm hiện tại. Tác phẩm không chỉ cho thấy sự anh minh, sáng suốt trong nhìn nhận, phân tích vấn đề của Lý Công Uẩn mà còn cho thấy tài năng lập luận phong phú, sắc sảo của vị vua anh minh, sáng suốt này.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0