31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn số 4 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn hay nhất

Năm 1010, vua Lí Thái Tổ đã rời từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Thăng Long – Hà Nội ngày nay). Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thời kì phát triển mạnh mẽ của triều đại phong kiến Việt Nam thời đó. Và nhà vua đã viết lên "Chiếu dời đô" để thông báo cho quân ...

Năm 1010, vua Lí Thái Tổ đã rời từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Thăng Long – Hà Nội ngày nay). Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thời kì phát triển mạnh mẽ của triều đại phong kiến Việt Nam thời đó. Và nhà vua đã viết lên "Chiếu dời đô" để thông báo cho quân chúng được biết về sự việc dời đô đó. Bản chiếu vượt ra khỏi chức năng hành chính nhà nước thông thường, trở thành một tác phẩm vừa có giá trị lịch sử lại vừa có giá trị văn học độc đáo.


Tác phẩm được viết theo thể "Chiếu", một thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh, được viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; thể hiện những tư tưởng lớn lao, có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh, triều đại, đất nước. "Chiếu dời đô" phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.


Trước hết, đoạn văn đầu nêu lên tiền đề, cơ sở lịch sử và thực tiễn của việc dời đô. Nhà vua không trực tiếp "áp đặt" mệnh lệnh của mình xuống quần thần mà ngược lại đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng rất tiêu biểu về các triều đại cũ trong lịch sử trước đó của cả Trung Quốc và Đại Cồ Việt. Nhà Thương năm lần dời đô, nhà Chu ba lần dời đô chỉ nhằm mục đích để "vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh".


Điều đó là một việc làm hợp lí "trên vâng mệnh trời, dưới theo lòng dân" và cuối cùng thì việc dời đô của hai triều đại Thương – Chu đều tốt đẹp, mang lại kết quả viên mãn. Ngược lại, hai triều Đinh – Lê ở nước ta lại cứ đóng đô tại Hoa Lư, không chịu di dời, vậy là trái ngược mệnh trời, không chịu noi gương "tiền nhân" dẫn tới hậu quả: triều đại suy vong, không được cường thịnh...


Cách lập luận so sánh giữa một bên những điều tốt đẹp khi dời đô với một bên là hậu quả không tốt của việc không chịu di dời, nhà vua đã khéo léo chỉ ra quan điểm ý kiến của mình: dời đô là việc nên làm và bắt buộc phải làm. Đó là việc dời đô không chỉ có ý nghĩa noi theo tấm gương của người đi trước mà còn là việc "tính kế muôn đời cho con cháu" mai sau. Như vậy, ngay ở phần đầu bài chiếu, chúng ta đã thấy hiện lên khát vọng mãnh liệt về một đất nước độc lập, thống nhất, phát triển giàu đẹp trong tương lai của nhà vua Lí Thái Tổ.


Đoạn văn tiếp theo, nhà vua đưa ra những lý do để chọn thành Đại La là kinh đô mới. Dưới con mắt của nhà vua, thành Đại La hiện lên thực sự là một vùng đất hội tụ, chung đúc khí thiêng của muôn đời. Xét về vị trí địa lí, đây là nơi trung tâm của cả nước, có thế đất đẹp (rồng cuộn hổ ngồi) nhìn ra bốn phương nam , bắc, đông, tây, có núi có sông, đất đai rộng mà bằng, cao mà thoáng, không lo lụt lội. Về chính trị, là đầu mối giao lưu của bốn phương, dân cư đông đúc, đất đai màu mỡ, muôn vật phong phú tốt tươi.


Từ đó, nhà vua đi tới kết luận: khắp cả nước thì đây chính là nơi "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời". Đến đây, chúng ta thấy, vua Lí Thái Tổ thực sự là một vị vua anh minh, có tầm nhìn xa trông rộng, biết nắm giữ vận mệnh thịnh suy của triều đại mình và biết chủ động đáp ứng một nhu cầu cấp thiết của lịch sử, xã hội.


Bởi dời đô từ nơi có núi non hiểm trở (thích hợp cho việc phòng thủ và chiến đấu) xuống vùng đồng bằng rộng lớn (khả năng phòng thủ thấp) chứng tỏ dân tộc đã có nội lực phát triển vững vàng, triều đại mạnh mẽ. Cho nên đây là biểu hiện của một khát vọng tự lực, tự cường, quyết tâm dựng nước đi liền với việc giữ nước hết sức cháy bỏng, mãnh liệt của dân tộc Đại Việt.


"Chiếu dời đô" của Lí Thái Tổ được viết cách đây hơn một nghìn năm nhưng cách lập luận vẫn có sức thuyết phục mạnh mẽ nhờ sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và tình cảm. Sau những cơ sở và lí lẽ ở hai phần trước đó, nhà vua đã kết thúc bài chiếu với câu hỏi: "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?" vừa có tính chất ban bố, lại vừa có tính chất đối thoại, thăm dò ý kiến của quần thần.


Chính câu hỏi đó đã xóa nhòa đi khoảng cách giữa bậc quân vương với bách gia trăm họ, dễ tạo nên sự đồng cảm giữa nhà vua với thần dân. Từ đó mà vua – tôi dễ đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước cường thịnh, vững mạnh, huy hoàng.


Có một câu chuyện mà người xưa vẫn truyền tai nhau, khi dời đô về Đại La, vua Lí Thái Tổ đã nằm mộng thấy rồng vàng hiển hóa bay lên trời nên nhà vua đã đổi tên Đại La thành Thăng Long. Điều đó càng cho thấy rằng, việc dời đô của nhà vua càng trở nên đúng đắn, thuyết phục hơn.


Bởi đây là một sự kiện không chỉ có sự hội tụ của địa lợi, nhân hòa mà còn có cả thiên thời. Và cho tới ngày hôm nay, chúng ta vẫn thấy Đại La – Thăng Long – Hà Nội thực sự là một mảnh đất địa linh nhân kiệt với nghìn năm văn hiến và mãi trường tồn bất diệt với thời gian năm tháng trong trái tim của mỗi người dân Việt.


Tóm lại, với nghệ thuật lập luận mạch lạc, chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, tình cảm chân thành, bài chiếu đã có sức lay động tới trái tim đồng cảm của hàng triệu triệu người dân thời bấy giờ. Nguyện vọng dời đô của nhà vua đã được quân thần ủng hộ, cho thấy Lí Thái Tổ là vị vua thực sự là một bậc minh vương sáng suốt. Đồng thời qua bài chiếu, chúng ta cũng thấy được khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh, phát triển, sáng tươi huy hoàng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0