31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du số 10 - 10 Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hay nhất

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (1820) bình luận: "... Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không ...

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (1820) bình luận: "... Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy".


Nếu là một tâm hồn không bị sóng gió vùi dập, một trái tim không thổn thức trước những nỗi đắng cay của bức tranh thế sự, một lương tâm không phẫn nộ trước những thói đời vô nhân bạc nghĩa, thì Nguyễn Du, dẫu có tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không tìm ra được những âm điệu, những vần thơ khiến cho người đọc trong cuộc nghe như khóc, như than, như uất ức, như oán hờn.


Quả đúng như vậy, Truyện Kiều không chỉ là vấn đề số phận con người bị áp bức trong xã hội, mà còn là tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa cất lên tha thiết từ xã hội đó. Đó là tiếng nói của tầng lớp người đau khổ, đòi tự do yêu đương, đòi công lý. Tinh thần nhân đạo bao la trong Truyện Kiều là sự kết tinh truyền thống nhân đạo cao đẹp của dân tộc hằng bao thế kỷ. Truyện Kiều là tiếng nói thiết tha bảo vệ quyền sống con người.


Trong vô số nạn nhân của xã hội xưa; Nguyễn Du đặc biệt trân trọng và xót thương cho số kiếp mỏng manh của người phụ nữ có tài, có sắc. Với Nguyễn Du, họ là hình ảnh kết tinh về số kiếp bi đát của con người trong cuộc đời bế tắc.Tiêu biểu là Thuý Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, nhân hậu, thuỷ chung, trong sạch, cao thượng nhưng phải ngụp lặn triền miên trong vũng bùn ô nhục của cuộc đời.


Kiều đã từng trải qua hầu hết những kiếp đời oan khổ của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến: tình duyên tan vỡ, làm gái lầu xanh, làm nô tì, làm vợ lẻ, bị làm nhục khi chồng vừa chết. Và khi Từ Hải chết, lòng Kiều đã tắt hết mọi niềm ước ao hạnh phúc trên cõi đời:


"Còn chi nữa cánh hoa tàn

Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lân

Rộng thương còn mảnh hồng quần

Hơi tàn được thấy gốc phần là may."


Người ngoài cuộc nghe tiếng nói của Kiều cũng phải thổn thức cùng nỗi niềm tuyệt vọng ẩn chứa trong ước mơ bé nhỏ ấy! Cuộc đời nàng được nhà thơ vĩ đại giàu lòng nhân đạo tổng kết bằng những lời thơ đau xót:


"Thương thay cũng một kiếp người

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Những là oan khổ lưu li

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân".


Tuy nhiên, Thuý Kiều không chỉ xuất hiện với tư cách là một nạn nhân đau khổ mà còn là hình tượng tiêu biểu cho giá trị phẩm chất, cho tinh thần chiến đấu, tiêu biểu ở thái độ chống lễ giáo phong kiến, dám vươn lên tìm lấy hạnh phúc chính đáng. Chỉ phút đầu gặp gỡ với chàng Kim; Kiều đã rung động, ước mơ thầm kín nhưng vô cùng tha thiết: "Người đâu gặp gỡ làm chi - Trăm năm biết có duyên gì hay không?" mặc dù Kiều vẫn biết rằng: "Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha".


Khi Kim Trọng tỏ tình, Kiều mạnh dạn nhận lời gắn bó. Khi thuận lợi, Kiều chủ động vượt rào sang nhà người yêu tình tự "Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa". Mối tình vượt lễ giáo phong kiến ấy lại là một mối tình rất trong sạch, thủy chung. Kiều chính là người phụ nữ trong trắng, đoan trang :


"Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Ra tuồng trên bộc trong dâu

Thì con người ấy ai cầu làm chi"


Khi buộc phải cách xa, nàng khắc sâu hình bóng chàng Kim. Tất cả đều nói lên rằng những thế lực hắc ám của chế độ phong kiến chỉ có thể làm tan nát hạnh phúc của Kiều nhưng không thể tiêu diệt tình yêu trong trái tim chung thuỷ ấy, đúng như lời Chu Mạnh Trinh đã viết: "Tấm lòng này như tuyết, như băng, mối sầu nọ qua ngày, qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì. Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn vơ vẩn. "Mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều là thiên diễm tình tuyệt đẹp trong văn học thời phong kiến!


Chế Lan Viên viết: "Tố Như ơi ! Lệ chảy quanh thân Kiều."Quả vậy, tấm lòng thương người cao cả, sâu sắc của nhà thơ như "máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy.", như hoà trong từng chữ, từng câu thơ xé ruột. Ở đoạn "Mã Giám Sinh mua Kiều", Thuý Kiều là hiện thân của con người bị chà đạp, của sắc tài bị vùi dập thảm thương.Miêu tả đúng tâm trạng của Kiều trong cảnh mua bán - đó là hiện thực; nhưng nói lên được nỗi đau xót khôn cùng khi sắc tài bị vùi dập - đó lại là nhân đạo và nhân văn sâu sắc.


Nguyễn Du đã từng trân trọng tài sắc con người khi miêu tả chị em Thuý Kiều; giờ đây ông lại đau đớn lòng trước tài sắc bị vùi dập bởi những thế lực bạo tàn mà tiêu biểu chính là tên buôn người vô lương tàn ác với sức mạnh tàn nhẫn, lạnh lùng của đồng tiền trong xã hội cũ: "Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong". Và, khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, bị Tú Bà "khoá xuân", trong cái nỗi buồn mênh mang vô tận, không thể gì làm vơi bớt, không có ai để sẻ chia - nỗi buồn của một con người hoàn toàn cô đơn giữa một khung cảnh cô đơn, vắng lặng; Kiều chỉ còn biết nhớ về người thân.


Nhà thơ lại đảo tình lên hiếu, trái với trật tự cương thường của đạo lý phong kiến khi miêu tả Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau. Nếu trước kia, Nguyễn Du đã không tiếc lời ngợi ca thiên diễm tình tuyệt đẹp vượt lễ giáo phong kiến thì giờ đây, khi mối tình đầu trong sáng ấy "trâm gẫy bình tan"; chính ông lại đồng cảm hết sức với tâm sự của người con gái đang yêu buộc phải xa cách người yêu.


Nguyễn Du thật thấu hiểu nhân tình! Nỗi nhớ người thân cũng không làm Kiều khuây khỏa nỗi buồn rợn ngợp. Buồn mà trông ra cảnh vật:


Buồn trông cửa biển chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng quanh quanh ghế ngồi


Tám câu thơ dựng lên bốn bức tranh buồn được bắt đầu bằng hai chữ "Buồn trông". Dường như ở đây không có con người, chỉ có cái nhìn hay đúng hơn, chỉ có tâm trạng. Tâm trạng của Kiều mà cũng là tâm trạng của Nguyễn Du. Lòng nhà thơ tưởng như cũng hoà vào với lòng nhân vật, cùng đồng cảm, buồn thương, đau xót với nhân vật .Không dừng lại ở sự ca ngợi, đồng cảm với người trong cuộc bể dâu.


Nhà thơ còn dựng lên cả một bức tượng đồng Từ Hải - tượng trưng cho công bằng, công lý, dân chủ trong xã hội phong kiến xấu xa, mục nát. Đó là một bậc anh hùng cái thế với tính chất phi thường về diện mạo, vóc dáng:


Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng thân mười thước cao


Phi thường cả về bản lĩnh, tài năng, phong độ, chí khí:


Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài

Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo


Hải chính là nhân vật phản ánh ước mơ tự do và công lí. Từ Hải là một người anh hùng cái thế, tài cao trí cả, dũng mãnh vô song, rất mực phóng túng ngang tàng, sống chí khí "đội trời đạp đất", "Dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi". Từ Hải thiết tha với lí tưởng: "Chọc trời khuấy nước mặc dầu - Dọc ngang nào biết trên đầu có ai"Với giọng điệu anh hùng ca, Nguyễn Du kể về sự nghiệp anh hùng của Từ Hải :


"Thừa cơ trúc chẻ ngói tan

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài

Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn vũ, rạch đôi sơn hà!"


Thái độ vô quân ấy, về nhiều mặt có ý nghĩa phản phong khá mạnh mẽ. Hình tượng Từ Hải là một minh chứng cho sự sụp đổ của quyền lực phong kiến. Đặc biệt, Từ Hải còn là con người có tấm lòng bao dung, nhân ái hào hiệp, tình cảm nhân văn bình dị tôn trọng phẩm giá con người, đường hoàng cứu vớt Kiều ra khỏi lầu xanh, đem lại cho Kiều cuộc sống hạnh phúc:


Vinh hoa bõ lúc phong trần

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày .


Từ Hải là ân nhân lớn nhất của Kiều, là người duy nhất có thể đem Kiều từ thân phận một cô gái lầu xanh lên địa vị một phu nhân ngồi ở ghế quan tòa để báo ân, báo oán:


Trướng hùm mở giữa trung quân

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi

Tiên nghiêm, trống chửa dứt hồi

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên

Từ rằng: "Ân oán hai bên

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh"


Từ Hải đã thiết lập một toà án, một pháp trường để xét xử những kẻ gian manh, độc ác đã từng giày xéo, đọa đày Kiều. Phiên tòa ấy thể hiện khát vọng lẽ công bằng, công lí sẽ chiến thắng. Từ Hải đến và đi trong cuộc đời Kiều như một ngôi sao vụt sáng; là giấc mơ dẹp tan mọi bất bình, xoá sạch những bất công ngang trái, sống tự do ngoài khuôn khổ chật hẹp của xã hội phong kiến.


GIẤC MƠ TỪ HẢI! Vừa đau xót, thông cảm; vừa ca ngợi đồng tình với những con người bị chà đạp, áp bức; Nguyễn Du đã biểu lộ trong Truyện Kiều tinh thần nhân đạo sâu xa của một nghệ sĩ thiên tài. Chính giá trị nhân đạo đã làm cho Truyện Kiều trở thành kiệt tác của nghìn đời. Phải có một mục tiêu trong cuộc sống để vươn tới.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0