Bài văn phân tích nhân vật Giăng Văn-giăng số 1 - 8 Bài phân tích nhân vật Giăng Văn-giăng trong "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" của V.Huy-gô
V.Huy-gô nhà văn lãng mạn thiên tài của nước Pháp, là người bạn, người đồng hành với những con người khốn khổ. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người đặc biệt là đối với những người lao động nghèo khổ, bất hạnh. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, ta ...
V.Huy-gô nhà văn lãng mạn thiên tài của nước Pháp, là người bạn, người đồng hành với những con người khốn khổ. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người đặc biệt là đối với những người lao động nghèo khổ, bất hạnh. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, ta không thể không nhắc đến “Những người khốn khổ” – cuốn tiểu thuyết vĩ đại của loài người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả của tác giả.
Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” được trích từ phần 1 quyển 8 chương IV của tác phẩm, phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng qua đó làm bật lên chủ đề của tác phẩm. Tuy chỉ là một lát cắt, một trích đoạn ngắn song nó cũng đã thể hiện rõ số phận, cũng như phẩm chất đẹp đẽ của Giăng Van-giăng.
Nhan đề đoạn trích là “Người cầm quyền, khôi phục uy quyền”, vậy người cầm quyền là ai? Vì sao đã là người cầm quyền lại khôi phục uy quyền? Trong đoạn trích Giăng Van-giăng vốn là một ông thị trưởng – quyền lực, nhưng sau đó quyết định đầu thú – tù khổ sai – không có quyền lực. Trước giờ phút đi đầu thú ông chưa mất đi hoàn toàn quyền lực của mình. Ông đến từ biệt Phăng-tin và sẵn sàng rút thanh giường bệnh để đe dọa tên Gia-ven, lúc này quyền lực của Giăng Van-giăng được khôi phục. Nhưng ngay sau đó ông lại nói: “Bây giờ tôi thuộc về anh” tức là mất đi quyền lực hoàn toàn. Còn Gia-ve cũng là một quyền lực khác, đại diện cho pháp luật, ông ta chỉ mất đi quyền lực trong một thời gian ít ỏi, sau đó khôi phục được ngay quyền lực của mình. Nhưng xét ở khía cạnh đó, ý nghĩa của nhan đề sẽ mất đi tính nhân văn của nó. Nếu xét trên bình diện đạo đức, cái thiện – Giăng Van-giăng và cái ác – Gia-ve thì ở đây cái thiện đã thắng thế hoàn toàn, đã khôi phục được quyền lực của mình. Và xét như vậy mới có thể đi đúng với tinh thần nhân bản của tác giả được đề cập đến trong toàn bộ văn bản.
Giăng Van-giăng là một con người nghèo khổ, vì cuộc sống túng quẫn, nhìn đám cháu thơ dại chịu đói, Giăng Van-giăng đã đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Hành động đầy yêu thương đó đã bị kết tội, và Giăng Van-giăng đã phải chịu án tù khổ sai mười chín năm. Ra tù, Giăng Van-giăng nhận được sự giúp đỡ của giám mục Mi-ri-en ông đã trở thành một con người tốt, đổi tên thành Ma-đơ-len, lập nên xưởng may để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn. Giăng Van-giăng được mọi người yêu quý và được bầu làm thị trưởng ở một thị trấn nhỏ.
Giăng Van-giăng là người có tấm lòng lương thiện, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Hành động ăn cắp bánh mì của ông cũng là xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho những đứa cháu. Nhưng ở xã hội bấy giờ hành động đó lại là một tội ác không thể tha thứ, đẩy Giăng Van-giăng vào tù. Nhưng bản chất lương thiện đã không bị nhà tù tàn độc dập tắt, nhận được sự giúp đỡ của giám mục ông vẫn trở thành người tốt. Ngay cả khi được làm thị trưởng, Giăng Van-giăng vẫn không vì lợi ích cá nhân mà để người khác chịu oan, ông quyết định ra đầu thú để cứu nạn nhân bị Gia-ve bắt oan. Đó là biểu tượng của một con người thành thực, có tình yêu thương đối với mọi người.
Tình yêu thương còn được thể hiện rõ hơn trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị Phăng-tin trước khi buộc phải đi theo Gia-ve. Điều ông quan tâm nhất lúc này là làm sao co thể tìm được con cho Phăng-tin, quan tâm đến bệnh tình của chị. Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van-giăng hết sức điềm tĩnh, nhẹ nhàng trấn án chị: “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu” để Phăng-tin bớt lo lắng. Trước thái độ hung hãn của Gia-ve, Giăng Van-giăng vẫn hết sức điềm tĩnh, nhún nhường: “thưa ông tôi muốn nói riêng với ông câu này” cách nói rất tế nhị “Tôi biết là anh muốn gì rồi”. Không chỉ vậy, để giữ lời hứa với Phăng-tin, Giăng Van-giăng sẵn sàng cầu xin Gia-ve cho mình ba ngày để đi tìm Cô-dét đứa con gái cho chị Phăng-tin. Mọi cử chỉ nhún nhường ấy đều là vì chị Phăng-tin, ông không muốn làm người bệnh thêm phần hoang mang, sợ hãi, sợ cú sốc tinh thần sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị.
Trước cái chết của Phăng-tin, Giăng Van-giăng vô cùng đau đớn, kết tội Gia-ve đã gây nên cái chết thương tâm này. Trước thi thể người phụ nữ bất hạnh, Giăng Van-giăng quỳ xuống thành giường, nỗi xót thương trào dâng và thầm thì vào tai người đã khuất, vuốt mắt cho chị đi xuôi. Những cử chỉ đó thể hiện tình yêu thương, nỗi đau đớn chân thành, sâu sắc với sự ra đi của chị Phăng-tin.
Không chỉ mang trong mình tình yêu thương, Giăng Van-giăng còn là một con người kiên cường, dũng cảm chống cự lại quyền lực. Bị phát hiện chính là người tù khổ sai, Gia-ve đến bắt đi, nhưng Giăng Van-giăng vẫn hết sức từ tốn đón nhận điều đó. Nếu trước đó cầu xin, nhún nhường với Gia-ve để bảo toàn cho Phăng-tin thì sau khi chị Phăng-tin chết, Giăng van-giăng dùng giọng điệu đầy thách thức với Gia-ve, yêu cầu hắn không nên động đến mình vào lúc này, sẵn sàng rút thanh sắt, bất chấp đối đầu với Gia-ve.
Xây dựng nhân vật Giăng Van-giăng tác giả sử dụng biện pháp đối lập tương phản, giữa một bên là cái thiện – Giăng Van-giăng với một bên là cái ác – Gia-ve để làm nổi bật nhân vật trung tâm. Giăng Van-giăng là đại diện của tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Qua nhân vật này tác giả muốn khẳng định, tình yêu thương con người có thể sưởi ấm trái tim, đem lại hi vọng vào tương lai tốt đẹp cho con người. Đây cũng là giá trị nhân văn cao cả mà V.Huy-gô muốn gửi đến bạn đọc.