Bài văn phân tích hình ảnh nồi cháo cám số 7 - 12 Bài văn phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân
Ai đó từng nói rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả đúng là như vậy, Kim Lân đã xây dựng chi tiết nồi cháo cám thật độc đáo, gây được ấn tượng mạnh với độc giả qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Hình ảnh này đã góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp sáng tác của ông. Kim ...
Ai đó từng nói rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả đúng là như vậy, Kim Lân đã xây dựng chi tiết nồi cháo cám thật độc đáo, gây được ấn tượng mạnh với độc giả qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Hình ảnh này đã góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Kim Lân là nhà văn viết truyện ngắn chân thật và xúc động về đời sống dân quê, ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí các nhân vật của mình. Năm 1954, Kim Lân đã viết tác tác phẩm này dựa vào một phần truyện cũ và được in trong tập “Những con chó xấu xí”. “Vợ nhặt” đã tái hiện lại một cách chân thật về nạn đói ở nước ta năm 1945 khiến khoảng hai triệu người chết. Hình ảnh nồi cháo cám thật đắt giá khi đã thể hiện được bức tranh hiện thực năm ấy.
Đây là chi tiết xuất hiện ở cuối tác phẩm gắn với nhân vật bà cụ Tứ, anh cu Tràng và thị. Cháo cám là món ăn đầu tiên khi thị về nhà Tràng làm dâu. Bữa cơm ngày đói đã thảm hại khi “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối”, “một đĩa muối ăn với cháo” nay lại càng thảm hại hơn khi có sự xuất hiện của nồi cháo cám. Bà cụ Tứ lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm rồi cầm cái môi vừa khuấy vừa cười: “Chè đây. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Thực chất cám là thứ đã bỏ đi, chỉ dành cho động vật ăn nhưng trong thời buổi đói khát thì “khối nhà chẳng có cám mà ăn”.
Bát cháo cám có vị “đắng chát”, “nghẹn bứ trong cổ” khiến mặt anh cu Tràng “chun ngay lại”, người con dâu thì “điềm nhiên và vào miệng”, hai con mắt tối lại. Hương vị ấy khiến trong bữa ăn không ai nói với nhau câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong và tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí họ. Món ăn này thể hiện tình yêu thương của bà cụ Tứ dành cho người con trai và người con dâu. Người con dâu mà bà thương xót trong hoàn cảnh vì cái đói mà đến với con bà, cũng nhờ thế mà Tràng mới lấy được vợ, nhưng lại là vợ nhặt, thân phận con người còn rẻ rúng hơn cả cỏ rác.
Qua nồi cháo cám, tính cách của các nhân vật cũng được khắc họa một cách rõ nét hơn. Bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nhân từ, có lòng thương con sâu sắc. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy vừa ai oán lại vừa xót thương cho số kiếp con mình và người con dâu tội nghiệp. Bà đã dậy quét dọn và chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, trong bữa ăn bà luôn nói đến những điều tốt đẹp để truyền cho các con niềm tin vào cuộc sống.
Anh cu Tràng là một người con hiểu rõ hoàn cảnh gia đình mình chỉ là dân ngụ cư nhưng anh đã dũng cảm đón nhận hạnh phúc cuộc đời. Anh còn là người chồng có trách nhiệm, có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Trước nồi cháo cám đắng chát, người vợ nhặt điềm nhiên đưa vào miệng để không làm mẹ chồng buồn lòng. Bát cháo cám là điểm cuối của tình yêu và cũng là điểm khởi đầu của hạnh phúc gia đình. Từ nay, ba người họ sẽ gắn kết, yêu thương lẫn nhau, tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ qua hình ảnh này. Nó tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, phong kiến đẩy nhân dân ta vào nạn diệt chủng. Nồi cháo cám tuy bình dị thậm chí là tầm thường nhưng lại là thứ giúp những con người nghèo khổ vượt qua nạn đói, là tình yêu thương mà bà cụ Tứ dành cho hai con. Đây còn là dụng ý của Kim Lân nhằm thể hiện giá trị hiện thực của truyện ngắn và nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo của nhà văn.
Có thể nói, nồi cháo cám là một chi tiết đắt giá của tác phẩm, thể hiện tài năng của nhà văn Kim Lân. Bên cạnh đó thời điểm xuất hiện nồi cháo cám vào buổi sáng hôm sau cũng gợi ý nghĩ tích cực, lạc quan về cuộc sống của gia đình anh cu Tràng nói riêng và của nhân dân nói chung.