Bài văn phân tích hình ảnh nồi cháo cám số 4 - 12 Bài văn phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân
Kim Lân ( 1920- 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng huyện Từ Sơn. Ông là một nhà văn độc đáo và xuất sắc viết về nông dân của làng quê Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó tiêu biểu phải kể đến “Vợ nhặt”. Tác phẩm ra đời ngay sau cách ...
Kim Lân ( 1920- 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng huyện Từ Sơn. Ông là một nhà văn độc đáo và xuất sắc viết về nông dân của làng quê Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó tiêu biểu phải kể đến “Vợ nhặt”. Tác phẩm ra đời ngay sau cách mạng tháng tám, viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Và trong tác phẩm, Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh “nồi cháo cám” vào tác phẩm, một hình ảnh đầy dụng ý nghệ thuật và giá trị nhân đạo.
Ở “Vợ nhặt”, Kim Lân đã khắc họa rất thành công những nhân vật như bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ Tràng, cùng cuộc sống khốn khổ, thê thảm của những con người giữa nạn đói năm 1945. Và để khắc họa rõ nét hình ảnh đó, chi tiết “nồi cháo cám” dường như đẩy mạch truyện lên cao trào, phản ánh thực tại khốn cùng về cái đói khổ, cùng với tình yêu thương và lòng vị tha của người mẹ lên cao nhất. Qua “nồi cháo cám”, người đọc có thể tưởng tượng ra cảnh tượng nạn đói năm 1945 một cách chân thực, rõ nét nhất.
Câu chuyện nhặt được vợ của anh cu Tràng được tác giả khéo léo đưa chi tiết “nồi cháo cám” vào để nói lên nỗi cơ cực, đường cùng của những con người đang phải sống trong nạn đói năm 1945. Và trong hoàn cảnh đó, tình yêu thương bao là của người mẹ cũng hiện lên thật rõ nét. Dù đang lúc đói khổ, thì tình yêu thương đó vẫn luôn âm ỉ cháy trong trái tim của những người mẹ. Hình ảnh “nồi cháo cám” xuất hiện trong một tình huống vô cùng đặc biệt. Không phải trong bữa ăn hàng ngày của một gia đình, mà lại xuất hiện ngay trong buổi sáng của lễ ra mắt cô con dâu mới. Bà cụ Tứ ngượng ngùng nói với cô con dâu” kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá , cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này.” Sự đói khổ, nghèo hèn khiến con người ta phải nghẹn ngào.
Mâm cơm dành cho nàng dâu mới trong nạn đói thật thê thảm, “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Cái đói, cái nghèo bao trùm thì ai cũng biết, nhưng họ nén ở trong lòng, cố không bộc lộ ra bên ngoài. Vậy nhưng trong bữa cơm ấy, tâm trạng của cụ Tứ vô cùng phấn khởi, không ủ rũ như mọi ngày. Bà nói rất nhiều chuyện vui, chuyện hay. Diễn biến tâm lý của người đàn bà nghèo khổ có sự thay đổi rõ rệt. Bà tuy nghèo, tuy khổ nhưng lại rất yêu chiều con, kể cả con dâu mới. Có thể thấy, bà cụ Tứ đang nói những lời vô cùng tốt đẹp, về một tương lai tươi sáng của chính gia đình mình, và của cả đất nước.
Rồi bà lật đật chạy xuống bếp, bưng lên nồi cháo cám. Nói với các con rằng: Chè khoán đây, ngon đáo để; cám đấy mày ạ, xóm mình còn có khối người không có cám mà ăn ấy chứ.” Chi tiết này vô cùng đắt giá, gợi lên cái đói, nghèo đến cùng cực. Và dù ăn cháo cám nhưng cả ba người đều ăn rất ngon lành, vui vẻ. Có lẽ vì đây là nồi cháo đong đầy tình yêu thương của người mẹ. Chi tiết này khiến người đọc cảm thấy ấm áp, rằng dù trong hoàn cảnh nào thì tình mẹ vẫn luôn như vậy không bao giờ thay đổi, mẹ luôn hy vọng các con có một tương lai tươi sáng hơn.
Hình ảnh “nồi cháo cám” trong Vợ nhặt vừa có giá trị hiện thực sâu sắc, tái hiện lại cuộc sống con người nghèo khổ đến tận cùng của nạn đói năm 1945. Lại vừa mang giá trị nhân đạo khi nồi cháo cám ấy nói đến hình ảnh người mẹ với một sự đáng trân trọng và đầy yêu thương.