Bài văn phân tích bài thơ "Tự tình" của Hồ Xuân Hương số 7 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Tự tình" của Hồ Xuân Hương
Tự tình là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hồ Xuân Hương, đây là bài thơ tự bày tỏ lòng mình. Như chúng ta cũng biết Hồ Xuân Hương sống vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỷ XIX , bà xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học. Thế nhưng, Hồ Xuân Hương không ...
Tự tình là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hồ Xuân Hương, đây là bài thơ tự bày tỏ lòng mình. Như chúng ta cũng biết Hồ Xuân Hương sống vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỷ XIX , bà xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học. Thế nhưng, Hồ Xuân Hương không chịu gò bó vào cái xã hội eo hẹp, tù túng mà bà là một người phóng khoáng, đa tài, đa tình, giao thiệp với những nhà văn, tài tử, đi rất nhiều nơi.
Nhưng éo le thay, người xưa thường có câu “Hồng nhan bạc phận”, bà cũng phải chịu kiếp số lận đận, éo le, đầy ngang trái trong con đường tình duyên. Các tác phẩm của bà chủ yếu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Người ta thường gọi bà là “Bà chúa thơ Nôm”. Hồ Xuân Hương – hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam.
Bài thơ Tự Tình được viết dưới dạng Đường luật thất ngôn bát cú. Với lối viết sắc xảo và cũng chính là lời tự bày tỏ lòng mình nên chủ đề bài thơ được hiện lên là một nghịch đối: duyên phận muộn màng, lỡ dở trong khi tác giả cứ lạnh lùng trôi qua. Điều này dẫn đến tâm trạng vừa buồn vừa phẫn uất, nhưng cuối cùng vẫn đọng lại trong tâm trí của bà.
Để thấy rõ được nội dung chính, ta sẽ đi vào tìm hiểu sâu qua các câu thơ. Bài thơ được viết theo thể thơ đường luật bát cú ngôn nên bố cục gồm 4 phần: 2 câu đề, 2 câu thực, 2 câu luận và 2 câu kết. Trước hết, tác giả mở đầu với hai câu đề:
“Đêm khuya văng vẳng bóng canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Khung cảnh được hiện lên là một đêm khuya, khi con người chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng cũng chính là lúc người ta đối diện với chính mình và đây cũng là lúc Hồ Xuân Hương nhận ra được cảnh đáng thương của mình. Sự cô đơn, lẻ bóng một mình gắn liền với thời gian, tạo cho người ta một cảm giác thật đáng thương cho thân phận người phụ nữ.
Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng nghệ thuật lấy động nói tĩnh: âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống cầm canh để nói lên một không gian tĩnh lặng, vắng vẻ. Chính cái khoảnh khắc ấy, tự soi vào mình, tác giả thấy “trơ” mà đặc biệt nó còn được đặt ở đầu câu, càng thêm nhấn mạnh nỗi đau, bất hạnh về đường tình duyên, số kiếp “hồng nhan bạc phận” của chính tác giả. “Trơ” ở đây có thể được hiểu là tủi hổ, bẽ bàng.
Tiếp theo nó là “cái hồng nhan” ý nói đến dung nhan của người phụ nữ, thường được dùng trong xã hội xưa. Nhưng điều đáng chú ý ở đây, một nhân phẩm, vẻ đẹp của người phụ nữ lại gọi là “cái” gợi cho người đọc thấy được sự rẻ rúng, mỉa mai. “Cái hồng nhan” trơ với nước non không chỉ là sự cay đắng, tủi hổ mà còn là nỗi xót xa, thấm thía, càng ngẫm càng thương thân.
Nhưng chữ “trơ” ở đây một phần cũng có thể hiểu được đó chính là sự gan dạ của Xuân Hương, là sự thách thức. Để nhấn mạnh điều này, tác giả đã dùng nhịp thơ: 1/3/3 để nhấn mạnh vào sự bẽ bàng. Nối tiếp hai câu đề, tác giả viết:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tàn”
Với hai câu thơ thực trên, hoàn cảnh và tâm trạng của nhà thơ được hiện lên rõ hơn. Khi sầu, người ta thường làm bạn với rượu, để có thể quên đi mọi thứ không vui, những nỗi đau. Thế nhưng “say lại tỉnh” làm nỗi buồn không thể nguôi được. Đây chính là một vòng quay luẩn quẩn, tình duyên đã trở thành một trò đùa, càng say càng tỉnh, càng cảm nhận nỗi đau của thân phận.
Câu thơ là ngoại cảnh nhưng cũng là tâm trạng. Vì vậy, tạo nên sự đồng nhất giữa tâm trạng và cảnh “ trăng” sắp tàn “bóng xế” và vẫn “khuyết chưa tròn”. Tuổi xuân, cái tuổi đẹp nhất của người con gái đã trôi qua mà nhân duyên vẫn chưa trọn vẹn gợi lên một nỗi sầu lẻ bóng. Tiếp tục hướng về ngoại cảnh, lấy thiên nhiên để bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của mình, Hồ Xuân Hương viết:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
Hai câu luận ở trên được tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên, nhưng đó cũng chính là tâm trạng của con người. Rêu và đá là hai hình ảnh được hiện lên là những vật yếu mềm, không chịu chấp nhận sự thấp bé ấy, đã vươn lên bằng mọi cách, vượt qua những cản trở (mặt đất, chân mây) để chứng tỏ mình. Các động từ mạnh: xiên, đâm kết hợp với bổ ngữ ngang, toạc gợi cho người ta thấy sự ngang ngạnh, phẫn uất.
Nó không chỉ thể sự phẫn uất mà còn nói lên một phần của sự phản kháng. Cũng có thể cho người đọc ngầm hiểu Hồ Xuân Hương với sức sống mãnh liệt ngay cả khi đau buồn nhất. Khép lại bài thơ với hai câu kết:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tý con con”
Hồ Xuân Hương đã có cách dùng từ rất độc đáo “xuân” tức là mùa xuân, tuổi xuân, “ngán” tức là ngao ngán, chán. Bên cạnh đó từ “lại” chỉ sự trở lại một cách nhanh, sợ sự quay trở lại. Theo quy luật của tạo hóa, mùa xuân qua rồi sẽ trở lại. Nhưng mỗi mùa xuân qua đi lại mang theo tuổi xuân của con người và mãi không trở lại. Sự trở lại của mùa xuân chính là sự ra đi của tuổi xuân. Tác giả đã quá ngán ngẩm với cuộc đời éo le.
Với lối nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào những điều bé nhỏ, làm cho nghịch cảnh éo le hơn. Mảnh tình đã nhỏ bé lại còn phải san sẻ “tý con con” tạo nên một cảm giác xót thương. Đây cũng chính là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa. Hạnh phúc luôn là chiếc chăn quá hẹp.
Như vậy, bài thơ Tự tình đã hiện lên với những hình ảnh giản dị mà đặc sắc, hình ảnh giàu sức gợi cảm, tinh tế từ đó nói lên tâm trạng của chủ thể. Bài thơ hiện lên cả bi kịch và khát vọng sống hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Trong những lúc buồn tủi, bế tắc, người phụ nữ cố vươn lên nhưng lại vẫn bị rơi vào cái vòng quay luẩn quẩn, tù túng của xã hội đương thời.