31/03/2021, 15:31

Bài văn phân tích hình tượng người bà trong "Bếp lửa" của Bằng Việt số 8 - 9 Bài văn phân tích hình tượng người bà trong "Bếp lửa" của Bằng Việt hay nhất

Hình ảnh người cháu đi lính trở về quê ngoại hồi tưởng lại hình bóng bà lam lũ vất vả trong bài thơ “ Đò Lèn” của Nguyễn Duy: “Bà đi gánh chè xanh Ba Trại Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn” Gợi nhắc ta nhớ tới tình cảm bà cháu sâu nặng trong bài thơ “ Bếp lửa”. ...

Hình ảnh người cháu đi lính trở về quê ngoại hồi tưởng lại hình bóng bà lam lũ vất vả trong bài thơ “ Đò Lèn” của Nguyễn Duy:


“Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”


Gợi nhắc ta nhớ tới tình cảm bà cháu sâu nặng trong bài thơ “ Bếp lửa”. Nhà văn khắc họa hình ảnh người bà với những vẻ đẹp tần tảo, đức hi sinh và niềm tin mãnh liệt, qua đó thể hiện lòng kính yêu bà sâu nặng. Khơi nguồn kí ức của người cháu khi trưởng thành nhớ về bà khi anh bắt gặp hình ảnh quen thuộc:


“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”


Người bà hiện lên chịu thương chịu khó, cần mẫn nhóm lửa ngày nào nay ùa về trước mắt người cháu. Hình ảnh bàn tay cần mẫn của người bà đang nâng niu, vun vén cho ngọn lửa chập chờn, bập bùng trong mỗi sớm mai. In hằn suốt đời bà là những vất vả, nhọc nhằn, hình ảnh ẩn dụ “ biết mấy nắng mưa” tượng trưng cho bao nỗi cơ hàn đè nặng lên tấm thân già nua của bà. Hình ảnh ấy khơi dậy niềm thương cảm, xót xa của người cháu khiến dòng hồi tưởng về bà rõ nét, chân thực hơn:


“ Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
...Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,”


Khi cháu lên bốn, lên tám đó là những mốc thời gian nguy khó nhất của cuộc chiến tranh: cái đói hoành hành, giặc tàn phá hậu phương. Bà cưu mang đứa cháu nhỏ dại, suốt tám năm ròng “ cháu cùng bà nhóm lửa”. Phải chăng bà luôn bền bỉ nhen lên hơi ấm của sự sống bền bỉ?


Bà không chỉ trở thành người cha, người mẹ của cháu lúc cha mẹ bận công tác nơi tiền tuyến mà bà còn là người thầy hết mực bảo ban cháu. Điệp từ “ bà” lặp đi lặp lại cùng một loạt động từ “ kể chuyện, dạy, chăm cháu học” giúp ta hình dung bà là người khắc sâu lòng căm thù giặc trong lòng cháu qua những câu chuyện kể và bà bảo ban cháu nên người.


Khó nhọc đời bà thêm trĩu nặng khi nuôi lớn cháu trong hoàn cảnh khốn khó, đầy thiếu thốn về vật chất. Nhà thơ khắc họa hình ảnh người bà với tình yêu thương cháu vô bờ bến, có lẽ bà muốn bù đắp phần nào những bất hạnh trong tuổi thơ đứa cháu bé bỏng. Không chỉ giàu tình yêu thương cháu mà bà còn giàu đức hi sinh và lòng vị tha:


“Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”


Nén nỗi khổ đau một mình bà chịu đựng tất cả nên lời căn dặn cháu “ chớ kể này, kể nọ” những gian khó ở quê nhà : “ giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”, bởi bà muốn làm yên lòng những người nơi hỏa tuyến để họ làm tốt nhiệm vụ. Lòng vị tha giúp bà và dân làng tạo thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. Bà luôn nuôi dưỡng, ấp ủ một niềm tin không bao giờ dập tắt, niềm tin nhỏ bé nhưng dai dẳng, được nhen lên bằng cả tấm lòng, trái tim nhân hậu:


“Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...”


Điệp ngữ “một ngọn lửa” ấm nồng vẫn âm ỉ cháy ngày qua ngày được bà nâng niu biến hình ảnh bếp lửa trở thành một hình tượng giàu sức tượng trưng:


“ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm tình yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ”


Hành động “nhóm” bếp điệp lại tới bốn lần nhấn mạnh thói quen thường ngày thành nếp sống của suốt cuộc đời long đong “lận đận” của bà. Nhưng việc làm giản đơn ấy có sức mạnh kì lạ. Nó thắt chặt tình nghĩa xóm làng bằng những củ khoai sắn hay nồi xôi gạo ngọt bùi từ bếp lửa bà đun nấu. Một trời mộng mơ của cháu từng bị lãng quên nay bên bà những nỗi niềm ấy lại sống dậy khi được sưởi ấm tâm hồn. Vậy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa.


Qua dòng kí ức tuổi thơ của người cháu, bài thơ “ Bếp lửa” gửi gắm lòng biết ơn bà sâu nặng. Nhà thơ Bằng Việt khéo léo xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình tượng người bà vừa làm nổi bật vẻ đẹp cao cả vừa tạo tính biểu tượng cho hình ảnh thơ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0