Bài tham khảo số 6 - 12 Bài phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) (Ngữ Văn 9) hay nhất
Mỗi khi đọc bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu có lẽ không ai trong chúng ta không cảm nhận được tình cảm đồng đội đồng chí chân thành và sâu sắc. Đặc biệt điều đó đã được thể hiện ngày ở bảy câu thơ đầu tiên: “Quê hương anh nước mặn, đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi ...
Mỗi khi đọc bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu có lẽ không ai trong chúng ta không cảm nhận được tình cảm đồng đội đồng chí chân thành và sâu sắc. Đặc biệt điều đó đã được thể hiện ngày ở bảy câu thơ đầu tiên:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”
Mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã nêu ra hoàn cảnh xuất thân của những người lính. Họ đều là những người lính đi ra từ miền quê lam lũ. Nếu “anh” ra đi từ miền “nước mặn đồng chua” thì “tôi” đến từ “miền đất cày lên sỏi đá”. Hai miền đất xa lạ nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là cái khắc nghiệt của tự nhiên đã cuốn lấy cuộc sống của những người lao động, khiến cho cái nghèo cái khổ đi theo họ suốt năm suốt tháng.
Những người lính đến từ khắp mọi miền đất nước “tự phương trời” nhưng chẳng hẹn mà lại quen biết nhau. Họ mang trong mình một lý tưởng chung, một tình cảm chung với đất nước, với nhân dân để rồi những điều đó gắn kết họ với nhau trở thành đồng đội của nhau. Thật kì lạ khi những con người vốn xa cách về địa lý nhưng lại gặp gỡ và gắn bó với nhau như người thân trong gia đình.
Đặc biệt, Chính Hữu đã sử dụng một hình ảnh mang tính biểu tượng cao: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Trong những ngày tháng ở nơi chiến trường bom đạn, những người lính họ sống và chiến đấu cùng nhau. “Súng” chính là biểu tượng cho nhiệm vụ, cho những cuộc chiến đấu mà họ cùng nhau trải qua. Còn “đầu” là biểu tượng cho mục đích, lý tưởng mà họ cùng hướng tới. Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng nhằm nhấn mạnh sự hòa hợp giữa những người lính. Họ cùng chung mục đích, chung lý tưởng là chiến đấu bảo vệ quê hương tổ quốc và bảo vệ nhân dân.
Không chỉ cùng chung lý tưởng chiến đấu, tình đồng chí còn thể hiện qua sự chia sẻ những khó khăn vất vả: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Trong những ngày hành quân, những người lính phải ngủ nơi “rừng hoang sương muối”. Nếu chưa từng trải qua có lẽ chẳng ai hiểu thấu được cái lạnh ban đêm của nơi rừng sâu. Chỉ có những người lính cùng chung cảnh ngộ, họ đã biết chia sẻ khó khăn với nhau, họ đã trở thành “đôi tri kỷ” thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Hai từ “đồng chí” ở câu thơ cuối được thốt ra giống như một lời gọi thân thương nhất, đầy trân trọng và tự hào.
Như vậy, chỉ với bảy câu thơ thôi nhưng Chính Hữu đã khắc họa được hình ảnh những người lính một cách chân thực, cũng như tình đồng chí keo sơn gắn bó của họ.