Bài tham khảo số 12 - 12 Bài phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) (Ngữ Văn 9) hay nhất
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác năm 1948 khi Chính Hữu cùng với đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. ...
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác năm 1948 khi Chính Hữu cùng với đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bảy câu thơ đầu tiên đã cho người đọc thấy được cơ sở vững chắc của tình đồng chí:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”
Những người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp đều có chung nguồn gốc xuất thân. Tuy họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền tổ quốc. Nhưng họ đều chung một hoàn cảnh sống - những vùng quê nghèo với thiên nhiên khắc nghiệt. Nếu anh đến từ nơi “quê hương nước mặn đồng chua”, thì tôi cũng đến từ nơi “làng quê nghèo đất cày lên sỏi đá”. Cách sử dụng hình ảnh “nước mắt đồng chua” cùng với “đất cày lên sỏi đá” cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong lao động sản xuất của con người. Và những người nông dân đến từ miền quê lam lũ ấy, khi nghe theo tiếng gọi của quê hương, đã sẵn sàng rời xa quê hương để lên đường bảo vệ tổ quốc.
Những người lính gia nhập vào quân đội, chiến đấu với sự quyết tâm giành lại độc lập cho đất nước. Họ chẳng hề quen nhau, nhưng đã trở thành những người đồng đội của nhau - những con người cùng chung lý tưởng cao đẹp. Hình ảnh “súng bên súng” cho thấy những người lính đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, chống lại kẻ thù xâm lược. Còn hình ảnh “đầu sát bên đầu” thể hiện sự đồng điệu trong tâm hồn những người chiến sĩ cách mạng. Như vậy, ở đây họ không chỉ cùng chung lý tưởng chiến đấu: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Mà còn chung tấm lòng yêu nước sâu nặng.
Tình cảm đồng chí của những người lính còn xuất phát từ những năm tháng cùng nhau trải qua, cùng nhau chia sẻ khó khăn nơi chiến trường gian khổ:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”
Cái khó khăn thiếu thốn trong đời sống hàng ngày của người lính hiện lên qua hình ảnh “đêm rét chung chăn”. Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành “đôi tri kỷ”. Chỉ có những người thực sự thân thiết, thấu hiểu mới có thể cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng từng có những tứ thơ tương tự:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”
Thế mới thấy, tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó cũng giống như tình cảm của những người thân trong gia đình vậy.
Câu thơ cuối cùng đột ngột ngắn lại, chỉ còn hai chữ: “Đồng chí!”. Đó giống như một tiếng gọi thân thương được cất lên từ sâu thẳm trái tim của những người lính. Một tiếng gọi đầy trân trọng, đầy tha thiết. Dùng hai tiếng “Đồng chí” để kết thúc khổ thơ mới thật đặc biệt, sâu lắng. Bởi đây vốn là đối tượng mà nhà thơ muốn nói đến trong cả bài. Câu thơ cuối giống như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh.
Qua bảy câu thơ đầu trong bài thơ “Đồng chí”, chắn hẳn người đọc sẽ hiểu rõ hơn cơ sở hình thành nên tình cảm thiêng liêng ấy. Từ đó, chúng ta cảm thấy tự hào, yêu mến và kính trọng hơn những người lính cách mạng đã hy sinh để bảo vệ nền hòa bình của đất nước.