Bài tham khảo số 11 - 12 Bài phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) (Ngữ Văn 9) hay nhất
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. Anh với tôi đôi người xa lạ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, Súng bên súng, đầu sát bên đầu, Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ. Đồng chí!” “Đồng chí” là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tình ...
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”
“Đồng chí” là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tình đồng đội, đồng chí. Trong đó, đến với bảy câu thơ đầu tiên, Chính Hữu đã cho người đọc thấy được cơ sở hình thành nên tình đồng chí.
Trước hết, tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Nếu như “anh” ra đi từ vùng “nước mặn đồng chua” thì “tôi” lại đến từ miền “đất cày lên sỏi đá”. Hai miền đất xa nhau và “đôi người xa lạ” nhưng cùng giống nhau ở cái “nghèo” - cùng chung cảnh ngộ sống. Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính. Họ là những người nông dân nghèo, vì nghe theo tiếng gọi của tổ quốc mà tham gia vào kháng chiến.
Tiếp đến, tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Những người lính vốn “chẳng hẹn quen nhau” nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hàng ngũ quân đội cách mạng. Hình ảnh “Súng” biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, “đầu” biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Kết hợp với phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.
Và cuối cùng, tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hòa và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”
Cái khó khăn thiếu thốn trong đời sống hàng ngày của người lính hiện lên qua hình ảnh “đêm rét, chăn không đủ đắp nên những người lính phải “chung chăn”. Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành “đôi tri kỷ”. Hai từ “tri kỉ” chỉ dành cho những người bạn tâm giao - thực sự thấu hiểu nhau. Và tình cảm đồng chí ở đây chính là như vậy. Với sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội.
Câu thơ cuối cùng bỗng nhiên đột ngột ngắn lại: “Đồng chí!” - như một bản lề khép lại đoạn thơ. Đồng thời cũng thể hiện một cảm xúc mãnh liệt đã dồn nén nay được bộc lộ. Tất cả những cơ sở ở trên đã tạo nên tình cảm bền chặt - tình đồng chí của những người lính cách mạng.
Với hình ảnh giản dị, gần gũi cũng như mang tính biểu tượng cao, Chính Hữu đã đưa ra những cơ sở đầy thuyết phục của tình đồng đội, đồng chí. “Đồng chí” quả là một bài thơ hay viết về tình cảm thiêng liêng của người lính cách mạng.