Bài soạn "Cây tre Việt Nam" số 3 - 6 Bài soạn "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới lớp 6 hay nhất
A.KIẾN THỨC TRỌNG TÂM 1.Tác giả: Thép Mới (1925 – 1991) tên khai sinh là Hà Văn Lộc Quê Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội Hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ, Sinh viên Cứu quốc, Văn hoá Cứu quốc trước Cách mạng tháng Tám Giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành báo chí. Ngoài ...
A.KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1.Tác giả:
Thép Mới (1925 – 1991) tên khai sinh là Hà Văn Lộc
Quê Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
Hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ, Sinh viên Cứu quốc, Văn hoá Cứu quốc trước Cách mạng tháng Tám
Giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành báo chí.
Ngoài báo chí, Thép Mới còn viết nhiều bút kí, thuyết minh phim.
2. Tác phẩm:
Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan.
Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: Trang 99 sgk Ngữ văn 6 tập 2
Nêu đại ý của bài vãn.
Tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn.
Bài làm:
Đại ý của bài văn:
Cây tre là người bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre có mặt trên khắp mọi miền đất nước; gắn bó và giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống lao động và chiến đấu chống ngoại xâm. Tre luôn luôn ở bên cạnh dân tộc ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Bố cục của một văn bản tự sự, bài văn chia làm 3 phần:
Mở bài: Từ đầu đến “chí khí như người”.
=> Giới thiệu chung về cây tre
Thân bài: Từ “Nhà thơ đã có lần ca ngợi” đến “Tiếng sáo tre diều cao vút mãi”.
=> Sự gắn bó của cây tre trong sản xuất, chiến đấu và đời sống của con người Việt Nam.
Kết bài: Còn lại
=> Cây tre là tượng trưng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Phần thân bài có thể chia làm 3 đoạn:
Đoạn 1: Từ “nhà thơ đã có lần ca ngợi" đến "có nhau, chung thủy".
=> Sự gắn bó của tre với sản xuất và đời sống của người Việt Nam.
Đoạn 2: Từ “Như cây tre mọc thẳng” đến "tre, anh hùng chiến đấu".
=> Tre cùng người đánh giặc.
Đoạn 3: Từ “Nhạc của trúc, nhạc của tre” đến "tre cao vút mãi".
=> Tre đồng hành với người tới tương lai.
Câu 2: Trang 99 sgk Ngữ văn 6 tập 2
Để làm rõ ý “Cây tre bạn thân của nhân dân Việt Nam là người bạn thân của nông dân Việt Nam", bài văn đã đưa ra hàng loạt những biểu hiện cụ thể. Em hãy:
a) Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre với con người trong lao động và cuộc sống hằng ngày.
b) Nêu giá trị của các phép nhân hoá đã được sử dụng để nói về cây tre và sự gắn bó của tre với con người.
Bài làm:
a) Những chi tiết, hình ảnh thể hiện, sự gắn bó của tre với con người trong lao động và cuộc sống hàng ngày:
Bóng tre trùm lên làng bản, xóm thôn.
Tre là cánh tay của người nông dân.
Tre là người nhà.
Tre gắn bó tình cảm gái trai, là đồ chơi trẻ con, nguồn vui tuổi già.
Tre với người sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.
Tre là đồng chí chiến đấu
Tre là vũ khí: gậy tầm vông, chông tre.
Tre xung phong vào xe tăng, đại bác.
b) Giá trị của phép nhân hóa hình ảnh cây tre: Phép nhân hóa cây tre giúp cây tre như có tình cảm thân thiết với làng quê, thôn xóm, cây tre trở thành người bạn tốt, trở thành anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu. Tre cũng như con người Việt Nam, là biểu tượng của người Việt Nam.
Câu 3: Trang 99 sgk Ngữ văn 6 tập 2
Ở đoạn kết, tác giả đã hình dung như thế nào về vị trí của cây tre trong tương lai khi đất nước ta đi vào công nghiệp hoá?
Bài làm:
Ở đoạn cuối tác giả hình dung rằng khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, sắt, thép có thể nhiều hơn, thay thế tre, nứa. Nhưng tre, nứa vẫn còn mãi, xuất hiện trong cuộc sống của con người: che bóng mát, làm cổng chào, hòa trong khúc nhạc truyền thống,..
Câu 4: Trang 99 sgk Ngữ văn 6 tập 2
Bài văn đã miêu tả cây tre với vẻ đẹp và những phẩm chất gì? Vì sao có thể nói cây tre là tượng trưng?
Bài làm:
Cây tre được miêu tả trong bài rất đẹp, giàu sức sống, giản dị mà thanh cao. Với những phẩm chất đáng quý như người Việt: nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm.
Cây tre tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam bởi cây tre mang phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
LUYỆN TẬP
Em hãy tìm một số câu tục ngữ, ca dao, thơ, truyện cổ tích Việt Nam có nói đến cây tre.
Bài làm:
Tục ngữ:
"Tre già măng mọc""Tre non dễ uốn"
Ca dao:
"Làng tôi có luỹ tre xanh Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng. Bên bờ vải, nhãn, hai hàng Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng."
"Chặt tre cài bẫy vót chông Tre bao nhiêu lá thương chồng bấy nhiêu."
Thơ: Bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy
"Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngàn xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy gộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi ?
…"Truyện Cổ tích: Thánh Gióng, Cây tre trăn đốt,...
Phần tham khảo, mở rộng
Câu 1: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Cây tre Việt Nam của Thép Mới
Bài làm:
1. Giá trị nội dung
Qua bài:" Cây tre Việt Nam", Thép Mới đã đem đến cho người đọc vẻ đẹp bình dị và những phẩm chất cao quí của cây tre. Cây tre là người bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre có mặt trên khắp mọi miền đất nước; gắn bó và giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống lao động và chiến đấu chống ngoại xâm. Tre luôn luôn ở bên cạnh dân tộc ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Cây tre đã trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
2. Giá trị nghệ thuật
Bài kí sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất thơ với nhịp điệu phong phú, biến hóa linh hoạt, phù hợp với nội dung bài viết.
Hệ thống điệp từ, điệp ngữ, chia làm nhiều câu văn ngắn tạo nên không khí sục sôi, hào hùng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Không chỉ vậy, góp phần tạo nên sự thành công cho văn bản còn phải kể đến những lời bình giàu hình ảnh, gợi ra khung cảnh làng quê êm đềm.
Giọng điệu dịu dàng kết hợp với các câu văn trữ tình (ca dao, câu thơ) hòa quyện với nhau tựa như một khúc hát ru tha thiết.
=> Tất cả đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.