Bài soạn "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến số 5 - 6 Bài soạn "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến lớp 7 hay nhất
I. Tác giả, tác phẩm 1. Tác giả - Tên lúc nhỏ: Thắng - Quê quán: thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - Cuộc đời: Thuở nhỏ nhà nghèo những ông rất thông minh, học giỏi, có chí hướng Thi đỗ cả 3 kì thi: Hương, Hội, Đình, do đó nên được gọi ...
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
- Tên lúc nhỏ: Thắng
- Quê quán: thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
- Cuộc đời:
Thuở nhỏ nhà nghèo những ông rất thông minh, học giỏi, có chí hướng
Thi đỗ cả 3 kì thi: Hương, Hội, Đình, do đó nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ
Nguyễn Khuyến làm quan khoảng mười năm, nhưng đến khi thực dân Pháp đánh chiếm xong Bắc Bộ, ông cáo quan về ở ẩn
- Sự nghiệp sáng tác:
Thơ ca của ông chủ yếu được sáng tác vào gia đoạn sau ngày cáo quan về ở ẩn ở Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc, sáng tác ở nhiều thể loại: thơ, bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng...
Ông sáng tác trên 2 mảng thơ chính là thơ trào phúng và thơ trữ tình
Tác phẩm tiêu biểu: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ...
2. Tác phẩm
Bài thơ Bạn đến chơi nhà là một bài thơ trữ tình đặc sắc được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Và qua bài thơ này, tác giả đã cho ta thấy một trong những tình cảm quý giá nhất của con người ấy là tình bạn.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Bài thơ Bạn đến chơi nhà được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Vì bài thơ có 8 câu, mỗi câu có 7 chữ. Hiệp vần ở chữ cuối của những câu 1,2,4,6,8 (nhà – xa – gà – hoa – ta). Và có xuất hiện phép đối, câu thứ 3 đối với câu thứ 4, câu thứ 5 đối với câu thứ 6. Tất cả đều tuân theo quy luật của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Câu 2:
Bài thơ được lập ý bằng cách dựng lên tình huống hoàn toàn không có gì tiếp bạn để rồi kết lại một câu: “Bác đến chơi đây, ta với ta!” nhưng vẫn thể hiện được tình bạn thắm thiết, đậm đà.
a) Theo nội dung của câu thứ nhất, đúng ra Nguyễn Khuyến phải tiếp đón bạn thật chu đáo và tử tế bằng một bữa tiệc thịnh soạn và long trọng. Bởi vì:
Thứ nhất, đây là một người bạn tri âm thân thiết mà nhà thơ yêu quý và ngưỡng mộ qua cách xưng hô “bác”, chứ không phải một người lạ tình cờ ghé qua.
Thứ hai, qua cụm từ “Đã bấy lâu nay” cho thấy hai người đã không gặp nhau trong một thời gian khá dài.
Thứ ba, có thể lúc này tác giả đã cáo quan về ở ẩn, bạn vẫn tới thăm mà không ngại đường xá xa xôi, phương tiện đi lại ngày xưa thì không dễ chút nào. Chính vì thế, đây là một sự kiện lớn, một niềm vui lớn của nhà thơ.
b) Tuy nhiên, qua 6 câu thơ tiếp theo, ta thấy thực tế dường như cố tình trêu ngươi, chủ nhà bị rơi vào cảnh oái oăm, lực bất tòng tâm, không có gì để tiếp đãi bạn hiền.
Hoàn cảnh của chủ nhà: trẻ đi vắng, chợ thì ở xa, có cá, có gà nhưng không bắt được, cải chửa ra cây, cà mới nụ, mướp đang còn hoa, bầu thì non quá, thậm chí ngay cả miếng trầu để bắt đầu câu chuyện cũng không có nốt. Có thể nói, nhà thơ đã vẽ ra một hoàn cảnh rất đặc biệt để tạo sự đùa vui: có sẵn mọi thứ nhưng hóa ra lại không có gì.
Tác giả tạo ra tình huống như vậy có dụng ý: chính cái sự không có về vật chất đã đẩy đến cao trào nhằm mục đích tạo ra đòn bẩy nghệ thuật để làm thăng hoa cho tình bạn cao đẹp ở cuối bài thơ.
c) Câu thơ thứ 8 và riêng cụm từ “ta với ta” nói lên rằng: tình bạn tri âm tri kỉ không cần phải có những thứ vật chất đời thường mà quan trọng nhất đó chính là tình cảm chân thành. Những người tri kỉ họ chỉ cần gặp nhau, ngồi ngâm mấy câu thơ, đàn vài bản nhạc, uống với nhau mấy cốc trà nóng đã là vui rồi. Tình cảm, đặc biệt là tình bạn hiền, không cứ nhất thiết phải có vật chất mới là vui.
d) Qua bài thơ Bạn đến chơi nhà, chúng ta có thể thấy tình bạn của Nguyễn Khuyến rất thiêng liêng, cao đẹp, thắm thiết, vượt lên trên những thứ vật chất đời thường, luôn hiểu và thương cảm cho nhau.