06/02/2018, 00:31

Bài 6 – Truyện Kiều của Nguyễn Du

Bài 6 – Truyện Kiều của Nguyễn Du Hướng dẫn I. NGUYỄN DU (1765-1820) Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 1) Thời đại Nguyễn Du (cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX) Cuộc ...

Bài 6 – Truyện Kiều của Nguyễn Du

Hướng dẫn

I. NGUYỄN DU (1765-1820)

Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

1) Thời đại Nguyễn Du (cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX)

Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn này:

– Chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thông trị xâu xé nhau, tranh bá đồ vương khiến đời sống nhân dân bần cùng thống khổ, xã hội loạn lạc nhiều nhương nhiều nỗi.

– Cao trào khỏi nghĩa nông dân bùng nổ, trong đó cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là đỉnh cao, quét sạch mọi rác rưởi của chế độ phong kiến tồn tại đã ngàn năm, đại thắng quân Thanh xâm lược, thống nhất đất nước.

– Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên cầm quyền thiết lập chính quyền chuyên chế tàn bạo, khắc nghiệt.

2) Thân thế của Nguyễn Du

Nguyễn Du vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc, một gia đình nhiều đời làm quan và có truyền thống văn chương với nhiều tài năng, có danh vị lẫn học vấn uyên thâm. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm làm đến Tể tướng, anh ông là Nguyễn Khảm một trong những người có thế lực lớn của Chúa Trịnh, từng làm đến Thượng thư. Nguyễn Du có vốn tri thức phong phú, vững vàng và sâu sắc. Do những biến động xã hội, khi ông trưởng thành, gia đình suy sụp, ông đã phải sống phiêu bạt nhiều năm ở đất Bắc (1786 – 1796) rồi về ẩn cư tại quê nội Hà Tĩnh (1796 – 1802). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du ra làm quan bất đắc dĩ với triều đình Huế. Ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc (1813 – 1814) và từng qua nhiều vùng đất Trung Hoa rộng lớn với nền văn hóa rực rỡ lâu đời.

Do gian truân, vất vả, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, Nguyễn Du có một vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Ông vừa là một thi sĩ thiên tài vừa là một con người có trái tim giàu lòng yêu thương. Chính nhà thơ đã từng phát biểu trong Truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong lời tựa kiệt tác số một của văn học Việt Nam này, Mộng Liên Đường cũng đã ca ngợi tấm lòng của Nguyễn Du đối với con người, với cuộc đời: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi đau đớn đến đứt ruột, Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình dã thiết. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sấu cõi tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.

3) Tác phẩm chính

Về chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ:

Thanh Hiên thi tập.

– Nam trung tạp ngâm.

– Bắc hành tạp lục.

Tất cả gồm 243 bài.

Về chữ Nôm ngoài kiệt tác Truyện Kiều (còn có tên là Đoạn trường tân thanh, còn có Văn chiêu hồn…)

II. TRUYỆN KIỀU

Tuy có nguồn gốc cốt truyện từ một tác phẩm văn học Trung Quốc là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm tài nhân nhưng Truyện Kiều, với cảm hứng nhân đạo cao cả và tài năng tuyệt vời xuất phát từ cuộc sống Việt Nam, con người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một tác phẩm văn chương vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

♦ Tóm tắt Truyện Kiều

Thúy Kiều, nhân vật chính trong Truyện Kiều, là một cô gái tài sắc vẹn toàn, có tâm hồn cao thượng. Nhân dịp du xuân, nàng gặp Kim Trọng, một thanh niên hào hoa phong nhã. Hai người yêu nhạu và cùng nhau thề nguyền chung thủy. Nhưng tai họa bất ngờ đã ập đến với Kiều. Gia đình bị nạn. Kiều tự nguyện bán mình chuộc cha. Bị bọn Mã Giám Sinh và Tú Bà đưa vào lầu xanh. Kiều định tự tử để thoát khỏi cảnh ô nhục nhưng không được. Sau lần mắc mưu Sở Khanh đi trốn bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn, nàng đành chịu tiếp khách. Ít lâu sau, Kiều được Thúc Sinh, một kẻ giàu có, say mê nàng chuộc nàng về làm vợ lẽ. Nhưng chưa được một năm, Kiều lại bị Hoạn Thư, vợ cả của Thúc Sinh, bày mưu bắt về hành hạ. Nàng bị bắt làm con hầu rượu, gảy đàn mua vui cho vợ chồng ả. Khổ nhục quá, Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư nhưng lại vào một lầu xanh khác, ở đây, nàng gặp Từ Hải và trở thành vợ người anh hùng, phất cờ khởi nghĩa, hùng cứ một phương này. Từ Hải đã giúp Kiều báo ân báo oán. Nhưng cũng chẳng bao lâu Kiều bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến, nàng khuyên Từ Hải ra hàng phục triều đình, Từ Hải bị phản bội và chết đứng, Kiều bị làm nhục và bị ép gả cho một viên thổ quan. Đau xót và tủi nhục nàng đã tự tử ở sông Tiền Đường nhưng lại được sư Giác Duyên cứu sống. Kim Trọng và gia đình Thúy Kiều đi tìm. Sau 15 năm trời lưu lạc, Kiều trở lại sum họp với gia đình. Nàng từ chối không chắp nối mối duyên xưa của Kim Trọng mà họ trở thành bạn bè, để giữ tình cảm cho được trong sáng, đẹp đẽ.

♦ Giá trị nội dung Truyện Kiều

Bao gồm hai giá trị lớn là hiện thực và nhân đạo.

– Giá trị hiện thực.

Truyện Kiều phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội lúc bây giờ với cả bộ mặt tàn bạo bất nhân của tầng lớp thống trị và số phận những con người bị áp bức đau khổ, nhất là số phận bi kịch của người phụ nữ: “Đau đớn thay phận đàn bà”.

Giá trị nhân đạo.

Truyện Kiều đã tố cáo những thế lực phong kiến từ quan lại đến đồng tiền, nhà chứa đã chà đạp con người, chà đạp cuộc đời Thúy Kiều-một con người tài sắc vẹn toàn.

Truyện đã đề cao quyền sống của con người, ca ngợi yêu đương tự do, hành động tự do, chống lễ giáo, chính trị phong kiến.

Truyện đã khẳng định phẩm giá con người: lòng hiếu thảo, tình yêu chung thủy, lòng vị tha…

♦ Giá trị nghệ thuật Truyện Kiều

Đặc sắc hơn cả là về phương diện xây dựng nhân vật. Các nhân vật trong Truyện Kiều đều được Nguyễn Du xây dựng rất độc đáo. Mỗi người một cách, từ ngoại hình tới nội tâm rất sinh động. Nhà thơ có biệt tài nắm bắt cái “thần” của sự việc, chọn lọc những chi tiết sắc sảo nhất để lột tả tính cách các nhân vật. Chẳng hạn, để tả Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ nói đến nhan sắc mà còn đến tài hoa trí tuệ và qua tài sắc mà nói đến tâm hồn phong phú đa cảm, đa sầu của nàng. Tả Mã Giám Sinh, nhà thơ dùng những hình thái ngôn ngữ trực diện như diện mạo, cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật. Đặc biệt là tả cử chỉ, hành động thô lỗ của y: “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Chỉ cần một từ tót thôi cũng đủ cho thấy đó một tên thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, chỉ là một tên con buôn chứ đâu phải là sinh viên.

Ngoài ra, Truyện Kiều là một thành tựu lớn về nhiều mặt, đặc biệt là về hai mặt ngôn ngữ và thể loại. Ngôn ngữ Truyện Kiều là ngôn ngữ nghệ thuật ngoài chức năng biểu đạt, biểu cảm còn mang chức năng thẩm mĩ. Tiếng Việt trong Truyện Kiều hết sức giàu và đẹp. Đến Truyện Kiều thể thơ lục bát đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc. Ngôn ngữ tự sự đã có đủ các hình thức: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả những suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). Nhân vật trong Truyện Kiều ngoài hành động bên ngoài còn có cảm nghĩ có đời sống nội tâm bên trong…

Ghi nhớ: (Sách giáo khoa)

Nguyễn Du là thiên tài văn học, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa, có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Truyện Kiều là kiệt tác văn học kết tinh giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học dân tộc.

Mai Thu

0