06/02/2018, 00:31

Lập luận trong văn nghị luận

Hướng dẫn I. Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận Đọc đoạn văn lập luận của Nguyễn Trãi và trả lời các câu hỏi. a. Kết luận của lập luận là: “Nay các ông” (bọn Vương Thông) không hiểu thời thế lại dốì trá, tức là kẻ “thất phu hèn kém” thì làm ...

Hướng dẫn

I. Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận

Đọc đoạn văn lập luận của Nguyễn Trãi và trả lời các câu hỏi.

a. Kết luận của lập luận là: “Nay các ông” (bọn Vương Thông) không hiểu thời thế lại dốì trá, tức là kẻ “thất phu hèn kém” thì làm sao “cùng nói việc binh được”.

b. Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ, khởi đầu từ chân lí chung: “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế”, rồi từ đó đưa ra hai hệ quả:

– Được thời có thế thì biến mất làm còn, hóa nhỏ thành lớn;

– Mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển làm nguy…

Đó cũng là cơ sở để tác giả khẳng định rằng bọn Vương Thông đã không hiểu thời thế lại còn dổi trá nên chúng chỉ là những kẻ thất phu và chắc chắn chúng sẽ thất bại.

c. Lập luận là dựa vào sự thật đáng tin cậy, các lí lẽ xác đáng để đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó.

II. Cách xây dựng lập luận

1. Xác định luận điểm

Bài văn nghị luận Chữ ta bàn về “thái độ tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài” trong việc sử dụng bản ngữ và tiếng nước ngoài tại nước mình. Bài văn có hai luận điểm lớn:

+ Tiếng nước ngoài (nói cụ thể là tiếng Anh) đang lấn lướt tiếng Việt trong các bảng hiệu, quảng cáo… ở nước ta.

+ Một số trường hợp tiếng nước ngoài đưa vào báo chí một cách không cần thiết, gây khó khăn cho một số người đọc.

2. Tìm luận cứ

a) Luận cứ trong lập luận của Nguyễn Trãi đều là lí lẽ.

b) Luận cứ trong văn bản Chữ ta đều là dẫn chứng thực tế của người viết đã từng ở Xơ-un (Hàn Quốc) và Việt Nam.

3. Lựa chọn phương pháp lập luận

– Lập luận của Nguyễn Trãi: phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân quả.

– Lập luận của Hữu Thọ: phương pháp quy nạp và so sánh đối lập.

Trong văn bản nghị luận còn hay gặp các phương pháp lập luận khác như: phương pháp phản đề, phương pháp loại suy.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1

– Luận điểm: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú, đa dạng.

– Các luận cứ:

+ Các luận cứ lí lẽ: Chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện ở lòng thương người, lên án tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người, khẳng định, đề cao con người.

+ Các luận cứ thực tế khách quan: Liệt kê những tác phẩm cụ thể đậm tính nhân đạo trong văn học trung đại.

– Phương pháp lập luận: Quy nạp.

Bài tập 2

a. Đọc sách đem lại cho ta nhiều bổ ích

– Nâng cao tầm hiểu biết về thế giới chung quanh tự nhiên và xã hội.

– Giúp ta khám phá chính mình.

– Chắp cánh cho ước mơ và sáng tạo trong cuộc sống hằng ngày.

– Giúp cho việc diễn đạt tốt hơn trong các kĩ năng nói và viết.

b. Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề

– Đất đai bị xói mòn, bạc màu.

– Khói bụi công nghiệp làm không khí bị ô nhiễm nặng nề.

– Chất thải công nghiệp làm nguồn nước bị nhiễm bẩn không thể dùng được trong sinh hoạt, sản xuất.

– Môi trường đang bị tàn phá hủy diệt ngày một nặng nề.

c. Văn học dân gian là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng

– Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.

– Văn học dân gian là những tác phẩm truyền miệng. Qua quá trình truyền miệng, văn học dân gian ngày càng phát triển và hoàn thiện dần.

Bài tập 3

Học sinh chọn một trong ba lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết thành một đoạn văn.

Sau đây là một ví dụ:

“Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của mỗi người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thực sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng”.

(Làm văn 10 – Trần Thạch Đạm – NXB Giáo dục, 2000)

Mai Thu

0