06/02/2018, 00:30

Bài 5 – Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh (trích Vũ trung tùy bút)

Bài 5 – Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh (trích Vũ trung tùy bút) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM 1) Tác giả Phạm Đình Hổ (1768-1839). Ông có tên chữ là Tùng Niên, hoặc Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiều tục gọi là Chiêu Hổ. Ông người làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải ...

Bài 5 – Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh (trích Vũ trung tùy bút)

Hướng dẫn

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1) Tác giả

Phạm Đình Hổ (1768-1839). Ông có tên chữ là Tùng Niên, hoặc Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiều tục gọi là Chiêu Hổ.

Ông người làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là xã Nhân Quyền,, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Phạm Đình Hổ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thân phụ từng đỗ cử nhân làm quan dưới triều Lê. Từng ôm ấp mộng văn chương, gặp buổi đất nước loạn lạc, ông về quê ẩn cư dạy học. Đến thời Minh Mạng triều Nguyễn, vua mời ông ra làm quan. Ông đã mấy lần từ chức rồi lại bị triệu ra.

Phạm Đình Hổ để lại nhiều tác phẩm, về sáng tác văn chương cóĐông Dã học ngôn thi tập, Tùng, Cúc, Trúc, Mai tứ hữu, Vũ trung bút, Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án),…

2) Tác phẩm

Vũ trung tùy bút (Theo ngọn bút viết trong khi mưa) là một tác phẩm văn xuôi đặc sắc gồm 88 mẩu chuyện nhỏ viết theo thể tùy bút, ghi lại một cách sinh động hấp dẫn hiện thực đen tối của lịch sử nước ta thời đó. Tác giả bàn về các thứ lễ nghi, phong tục, tập quán, địa lí, danh lam thắng cảnh, về xã hội lịch sử.

II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1) Thói ăn chơi xa xỉ vô độ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ Chúa

Thói ăn chơi xa xỉ vô độ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ Chúa được tác giả thể hiện qua các chi tiết và sự việc sau đây:

– Chúa cho xây dựng cung điện đình đài ở các nơi hao tiền tốn của chỉ cốt để thỏa ý thích “đi chơi, ngắm cảnh đẹp”. Ý thích đó lại vô chừng;

Tháng ba bốn lần, Chúa tổ chức dạo chơi ở Tây Hồ: binh lính dân hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán. Cuộc dạo chơi này huy động rất đông người hầu hạ, bày đặt nhiều trò mua vui lố lăng tốn kém;

– Cho người tịch thu, cướp đoạt báu vật trong thiên hạ (chim quý, thú lạ, cây cổ thụ) những hòn đá có hình dáng kì lạ, chậu hoa, cây cảnh, để trang điểm phủ Chúa. Một cây đa cổ thụ từ bên Bắc chở qua sông đem về, phải một cơ binh hàng trăm người mới khiêng nổi. Tác giả miêu tả sự việc thật kĩ lưỡng công phu. Các sự việc cụ thể, chân thực và rất khách quan.

Kết thúc đoạn văn miêu tả này, tác giả viết, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường. Ông đã cảm nhận từ cảnh những khu vườn rộng đầy trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch bày vẽ tô điểm như “bến bể đầu non”, nhưng âm thanh lại gợi lên một cảm giác ghê rợn trước một cái gì đang đau thương tan tác chứ không phồn vinh, yên ả. Bởi vậy, cảm xúc chủ quan của tác giả xem đó là điềm gở, điềm chẳng lành, là “triệu bất tường”. Sự suy vong tất yếu của một triều đại chỉ lo ăn chơi hưởng lạc trên xương máu, nước mắt, mồ hôi của dân lành như đã được dự báo trước. Điều đó xảy ra không lâu khi Chúa Trịnh mất.

2) Bọn quan lại hầu bên trong phủ Chúa đã “thừa gió bẻ măng” để nhũng nhiễu vơ vét của dân bằng nhiều thủ đoạn ỷ thế nhà Chúa, vừa ăn cướp vừa la làng, tác oai tác quái trong nhân dân, khiến người dân bị cướp của tới hai lần nếu không thì cũng tự tay phá hủy báu vật của mình. Đặc biệt là bọn hoạn quan, chúng vừa thẳng tay vơ vét đầy ních cả túi tham lại vừa được nhà Chúa khen là giỏi giang làm tốt công việc nhà Chúa.

Tác giả đã kết thúc bài tùy bút bằng cách ghi lại một sự việc có thực đã xảy ra trong nhà mình. Đó là việc mẹ của ông đã phải sai chặt đi cây lê và hai cây lựu quý rất đẹp trong vườn nhà mình để tránh tai ương ập xuống. Câu chuyện nhờ đó tăng sức thuyết phục và cách viết cũng nhờ đó mà thêm phong phú, sinh động.

3) So sánh thể văn tùy bút ở đây với thể loại văn truyện đã học ở bài trước

Ở thể loại truyện đã học ở bài trước (Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ) hiện thực cuộc sống được phản ánh thông qua số phận những nhân vật, những con người cụ thể. Truyện luôn có cốt truyện và hệ thống nhân vật với cả một hệ thống chi tiết nghệ thuật đa dạng phong phú…

Còn thể tùy bút, ghi chép về những sự việc cụ thể, những con người có thực qua đó tác giả cho thấy cảm xúc suy nghĩ, nhận thức, đánh giá của mình. Sự ghi chép tùy theo cảm hứng chủ quan. Không gò bó nhưng vẫn tuân theo một tư tưởng, một cảm xúc chủ đạo.

Ghi nhớ: Bằng thể loại văn tùy bút ghi chép tùy hứng những sự việc một cách cụ thể, chân thực, sinh động chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh đã giúp chúng ta hiểu về đời sống xa hoa vô độ của bọn vua chúa, quan lại phong kiến thời Vua Lê chúa Trịnh suy tàn.

Mai Thu

0