06/02/2018, 10:21

Bài 5 – Sọ Dừa

Bài 5 – Sọ Dừa Hướng dẫn I. ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN 1. Đọc kĩ truyện và phần Chú thích. 2. – Sự ra đời của Sọ Dừa thật khác thường: Bà mẹ Sọ Dừa vào rừng hái củi, khát nước quá, tìm thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống thế là có thai rồi sinh ra Sọ Dừa ...

Bài 5 – Sọ Dừa

Hướng dẫn

I. ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN

1. Đọc kĩ truyện và phần Chú thích.

2. – Sự ra đời của Sọ Dừa thật khác thường:

Bà mẹ Sọ Dừa vào rừng hái củi, khát nước quá, tìm thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống thế là có thai rồi sinh ra Sọ Dừa không chân, không tay, tròn như một quả dừa, cứ lăn lông lốc trong nhà.

– Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào?

Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân ta muốn thể hiện: trong cuộc sống có rất nhiều người không được sinh ra một cách bình thường mà họ bị tật nguyền hoặc có hình hài dị dạng xấu xí. Truyện muốn chú ý tới những con người bất hạnh này và tỏ thái độ thông cảm với họ, quý trọng họ.

3. Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua các chi tiết sau:

– Chăn bò rất giỏi: lùa bò ra đồng, về chuồng chu đáo, ngày nào bò cũng được ăn cỏ no căng bụng.

– Thổi sáo rất hay.

– Sắm sửa được đầy đủ mọi thứ lễ vật để mang đến nhà phú ông xin làm rể.

– Tiệc cưới được Sọ Dừa tổ chức thật linh đình.

– Sọ Dừa thông minh, chăm chỉ học hành, đậu trạng nguyên, trước khi đi sứ đã đoán được những khó khăn mà vợ chàng sẽ gặp phải nên đã cho vợ những thứ để phòng thân.

• Giữa hình thù bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật có sự đối lập nhau: hình thù bên ngoài tuy xấu xí nhưng phẩm chất bên trong thì lại rất tốt đẹp, tài giỏi hơn người.

4. Cô Út khác hai cô chị, bằng lòng lấy Sọ Dừa vì nàng đã rình nấp để được biết Sọ Dừa là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, một con người đặc biệt chẳng phải kẻ phàm trần.

Cô Út là một cô gái hiền lành, tốt bụng nên ngay khi chưa biết rõ Sọ Dừa là ai cô đã luôn đối xử tử tế với chàng.

5. Kết cục của truyện là Sọ Dừa đã thoát khỏi hình thù xấu xí, trở thành một trạng nguyên đẹp đẽ, thông minh, tài giỏi, hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc bên nhau còn hai cô chị xấu bụng thì phải bỏ nhà đi biệt xứ.

Qua kết cục này ta thấy người lao động mong muốn những người bất hạnh có đức độ, tài năng sẽ vượt qua được mọi rủi ro, trở ngại để đạt tới một cuộc sống tốt lành, hạnh phúc và những kẻ lòng dạ xấu xa (như hai cô chị) thì sẽ bị trừng phạt một cách đích đáng.

6. Ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa: Truyện đề cao giá trị chân chính của con người, bày tỏ tình thương đối với những người bất hạnh, đồng thời cũng lên án những kẻ có bụng dạ xấu xa.

Tóm tắt:

Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Nhân vật chính của loại truyện cổ tích này có hình hài dị dạng, thường mang lốt vật, bị mọi người xem thường, bị coi là "vô tích sự". Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất, tài năng đặc biệt. Cuối cùng, nhân vật trút bỏ lốt vật, kết hôn cùng người đẹp, sống hạnh phúc. Truyện Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và thể hiện tình thương đối với người bất hạnh.

Chú thích thêm:

  • Ngần ngại là còn lo lắng nên do dự chưa muốn nhận lời.
  • Kiêu kì là tự xem mình là đẹp đẽ, tài giỏi, giàu sang hơn cả nên luôn coi thường người khác.
  • Hắt hủi là đối xử với người khác bằng thái độ khinh rẻ, ghét bỏ.
  • Người phàm trần là người bình thường trên đời.
  • Sủng sốt là hết sức lấy làm lạ, hết sức ngạc nhiên.
  • Sính lễ là những lễ vật do nhà trai mang đến nhà gái để xin hỏi, cưới.
  • Cỗ bàn linh đình là cỗ to gồm nhiều món ăn sang trọng, quý giá, ngon lành.
  • Khôi ngô, tuấn tú là khỏe mạnh, cao lớn và có gương mặt đẹp đẽ, thông minh, sáng sủa.
  • Chiếu của nhà vua là công văn, giấy tờ do nhà vua gửi xuống.
  • Đảo hoang vắng là hòn đảo giữa biển khơi không có người ở.
  • Mừng mừng tủi tủi là vừa mừng vui vừa buồn tủi.
  • Khấp khởi mừng thầm là mừng rỡ ngầm ở trong lòng.
  • Bỏ đi biệt xử là bỏ đi một nơi khác khá xa mà không ai biết là đi đâu.

Mai Thu

0