06/02/2018, 10:21

Bài 21 – So sánh (tiếp theo)

Bài 21 – So sánh (tiếp theo) Hướng dẫn I. CÁC KIỂU SO SÁNH 1. Tìm phép so sánh trong khổ thơ sau: Những ngôi sao thức ngoài kia Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con Đêm nay con ngủ giấc tròn Mẹ là ngọn gió của con suốt đời. – Những ngôi sao thức ngoài kia – được so ...

Bài 21 – So sánh (tiếp theo)

Hướng dẫn

I. CÁC KIỂU SO SÁNH

1. Tìm phép so sánh trong khổ thơ sau:

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

– Những ngôi sao thức ngoài kia – được so sánh với: mẹ đã thức vì chúng con.

– Mẹ được so sánh như ngọn gió.

2. Từ ngữ chỉ ý so sánh trong các phép so sánh trên có khác nhau:

– Ở phép so sánh thứ nhất từ ngữ chỉ ý so sánh là: chẳng bằng.

– Ở phép so sánh thứ hai từ ngữ chỉ ý so sánh là: (ngụ ý ngang bằng).

• Tìm thêm những từ ngữ chỉ ý so sánh ngang bằng: như, giốóng như, y như, hệt như, tương tự…

• Tìm thêm những từ ngữ chỉ ý so sánh không ngang bằng: hơn, kém, thua…

Chú ý:

Có hai kiểu so sánh: – So sánh ngang bằng;

– So sánh không ngang bằng.

II. TÁC DỤNG CỦA SO SÁNH

1. Tìm phép so sánh trong đoạn văn đã cho:

– Có chiếc tựa mũi tên nhọn…

– Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không…

– Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại, rụt rè…

2. Trong đoạn văn trên, phép so sánh có tác dụng:

– Đối với việc miêu tả sự vật, sự việc: phép so sánh làm cho sự vật, sự việc trở nên sinh động hơn, mỗi chiếc lá rơi theo một cách riêng, mỗi chiếc lá cũng có hồn riêng.

– Đối với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm của người viết: qua các hình ảnh so sánh người viết đã thể hiện rõ tình cảm vui buồn và còn gửi vào đó những suy nghĩ về cuộc đời, về lẽ tử sinh.

Ghi nhớ:

So sánh vừa có tác dụng gợi hình, giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động, vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.

III. LUYỆN TẬP

1. Chỉ ra các phép so sánh. Phân tích tác dụng gợi hình, gợi cảm của một phép so sánh.

a)Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng.

– Tâm hồn tôi được so sánh với một buổi trưa hè. Đây là kiểu so sánh ngang bằng.

(Trong đoạn thơ còn có hai hình ảnh: nước gương trongtóc những hàng tre nhưng đó không phải so sánh mà là ẩn dụ).

b) Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

– Trăm núi ngàn khe con đã đi được so sánh với muôn nỗi tái tê lòng bầm. (Đây là kiểu so sánh không ngang bằng).

– Mười năm con đi đánh giặc được so sánh với sáu mươi năm đời bầm khó nhọc (so sánh không ngang bằng).

c) Anh đội viên mơ màng

Như nằm trong giấc mộng

Bóng Bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng

– Trạng thái mơ màng của anh đội viên được so sánh với trạng thái trong giấc mộng (so sánh ngang bằng).

– Bóng Bác được so sánh với ngọn lửa hồng (so sánh không ngang bằng).

+ Phân tích hình ảnh so sánh: Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Hình ảnh so sánh này gợi ra những năm dài trường kì đánh giặc cứu nước của nhân dân ta. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, các anh bộ đội là những người đã phải chịu gian nan vất vả nhiều nhất. Các anh đã đeo ba lô, vác súng đạn hành quân qua nhiều miền của đất nước. Chân các anh đã băng rừng, lội suối, vượt đèo. Các anh đã từng sống những ngày đói cơm, thiếu muối, phải hái rau rừng thay gạo, đốt củi thay chăn chống lại cái lạnh của sương đêm. Các anh còn bị bệnh tật dày vò mà không đủ thuốc dùng… nhưng những gian nan vất vả đó so với công lao của các mẹ già đã hai sương một nắng cày cấy trên đồng, đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra hạt lúa củ khoai để nuôi chồng, nuôi con, lo toan cho cuộc sống gia đình thì chẳng thấm vào đâu! Các anh đi đánh giặc mười năm còn các mẹ thì âm thầm tần tảo lo toan đã sáu, bảy chục năm, hay nói đúng hơn là cả một đời người! Dùng hình ảnh so sánh, hai câu thơ ngắn gọn đã có sức khơi gợi sâu sắc và chan chứa tình cảm yêu thương, biết ơn đối với các mẹ già, những người mẹ quần đen, áo nâu, những người mẹ chiến sĩ đã sẵn sàng cho con đi bộ đội.

2. Những câu văn trong bài Vượt thác có sử dụng phép so sánh:

Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt.

Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc… như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước.

3. Viết một đoạn năm câu tả dượng Hương Thư (có sử dụng so sánh):

Như một dũng sĩ vào trận đánh, dượng Hương Thư đứng vững chãi trên thuyền. Hai tay của Dượng nổi bắp cuồn cuộn cầm chắc cây sào tre dài đầu bịt sắt nhọn. Dòng thác dữ ào ào tuôn xuống như muốn đẩy thuyền lùi trở lại, nhưng con sào của Dượng đã nhanh chóng cắm phập xuông lòng sâu. Cứ thế con thuyền trụ lại được giữa dòng rồi nhích lên: sức người đã mạnh hơn sức nước!

Mai Thu

0