Tổng kết phần Tập làm văn
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Các phương thức biểu đạt đã học. – Các phương thức biểu đạt đã được tập làm. – Một số đặc điểm khác nhau của các loại văn bản. – Nội dung, hình thức, mục đích của một số loại văn bản. – Bố cục của một văn bản. II. HƯỚNG DẪN ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Các phương thức biểu đạt đã học.
– Các phương thức biểu đạt đã được tập làm.
– Một số đặc điểm khác nhau của các loại văn bản.
– Nội dung, hình thức, mục đích của một số loại văn bản.
– Bố cục của một văn bản.
II. HƯỚNG DẪN TỔNG KẾT
A. Các loại văn bản và phương thức biểu đạt đã học
1. Các phương thức biểu đạt (cũng là tên của loại văn bản, gồm có 6 loại)
– Tự sự.
– Miêu tả.
– Biểu cảm.
– Nghị luận.
– Thuyết minh.
– Hành chính – công vụ.
Các bài văn (văn bản) đã học chỉ có 5 loại. Đó là:
– Tự sự: Gồm 3 loại: truyện dân gian, truyện trung đại, truyện hiện đại.
– Miêu tả: Gồm các truyện có yếu tố miêu tả: Bài học đường đời đầu tiên, Sông nước Cà Mau, Vượt thác, Bức tranh của em gái tôi.
– Biểu cảm: Các bài thơ.
– Nghị luận: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.
– Thuyết minh: Động Phong Nha, Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử.
Nắm được điều này, các em dễ dàng hoàn thành câu 1.
2. Câu 2 đơn giản hơn, có thể lấy kết quả của câu 1 để điến vào. Cần lưu ý rằng một văn bản có khi có hai, ba phương thức biểu đạt (ví dụ Lượm – là thơ nên phương thức là biểu cảm ; nhưng lại có yếu tố kể chuyện – nên có phương thức tự sự; nhà thơ lại diễn đạt bằng cách miêu tả – nên có phương thức miêu tả).
Tác phẩm |
Phương thức thế hiện |
1. Thạch Sanh |
Tự sự |
2. Lượm |
Biểu cảm, tự sự, miêu tả |
3. Mưa |
Biểu cảm, miêu tả |
4. Bài học đường đời đầu tiên |
Tự sự, miêu tả |
5. Cây tre Việt Nam |
Miêu tả, thuyết minh |
3. Câu 3: Các em đã tập làm văn kể chuyện, văn miêu tả, tập làm thơ. Như vậy đã tập làm 3 loại phương thức biểu đạt. Tuy vậy kể chuyện (tự sự) và miêu tả được làm nhiều hơn.
B. Đặc điểm và cách làm
1. Để phân biệt được ba loại văn bản miêu tả, kể chuyện và đơn từ hãy thống kê theo 3 đặc điểm: mục đích, nội dung, hình thức, em sẽ dễ dàng lập được bảng sau (em cần điền nốt các ô trống).
Văn bản |
Mục đích |
Nội dung |
Hình thức |
Tự sự |
Thông báo, giải thích, nhận thức |
Nhân vật, sự việc, thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả |
Văn xuôi, tự do |
Miêu tả |
|||
Đơn từ |
Đề đạt yêu cầu nguyện vọng |
Sự việc, lí do, yêu cầu |
Theo mẫu, không theo mẫu, nhưng vẫn theo trình tự |
2. Nói chung hai loại bài kể chuyện (tự sự) và miêu tả đều có sự gần gũi, nhưng có nét khác biệt.
Các phần |
Tự sự |
Miêu tả |
Mở bài |
Giới thiệu nhân vật, tình huống, sự việc |
Giới thiệu đối tượng miêu tả |
Thân bài |
Diễn biến sự việc |
Miêu tả (theo một trật tự) |
Kết bài |
Kết quả, suy nghĩ |
Nhận xét, cảm tưởng |
3. Để trả lời câu hỏi này, cần xem lại bài 3 và bài 4 của sách Ngữ văn 6, tập một. Lưu ý định nghĩa về sự việc và nhân vật, định nghĩa về chủ đề. Mối liên quan có thể tóm tắt: nhân vật thực hiện các sự việc.
Chủ đề là vấn đề chủ yếu mà người viết đặt ra thông qua các sự việc và nhân vật được trình bày trong văn bản. Chủ đề, nhân vật, sự việc liên quan chặt chẽ với nhau.
4. Xem lại bài 3 của sách Ngữ văn 6, tập một. Nhân vật được kể và tả qua các yếu tố: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm.
Hãy dẫn chứng nhân vật Dế Mèn, thầy Ha-men… (hoặc bất kì nhân vật nào trong truyện dân gian, truyện trung đại, truyện hiện đại).
5. Để trả lời câu hỏi này, xem lại lí thuyết ở bài 8 và bài 9 trong sách Ngữ văn 6, tập một.
– Lưu ý về ngôi kể: Ngôi thứ ba, người kể giấu mình đi, có thể kể tự do, linh hoạt những gì diễn ra với nhân vật. Ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi”, trực tiếp kể những gì mình thấy, mình trải qua ; có thể trực tiếp nói ra cảm tưởng, ý nghĩ của mình.
– Lưu ý về thứ tự kể: Để tạo bất ngờ, gây chú ý, hoặc để thể hiện tình cảm nhân vật, có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại ra kể trước, sau đó mới bổ sung hoặc kể tiếp các việc xảy ra trước đó.
Có thể dẫn chứng về thứ tự kể trong Bài học đường đời đầu tiên, về ngôi kể thứ ba trong các truyện dân gian.
6. Để trả lời câu hỏi này, cần ôn lại bài 18 và bài 19 trong sách Ngữ văn 6, tập hai.
Quan sát kĩ sự vật, hiện tượng và con người mới cho phép người viết văn miêu tả nắm được đặc điểm, tính chất của đối tượng. Từ chỗ quan sát, mới có thể nêu nhân xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh… làm nổi bật đặc điểm, tính chất tiêu biểu của đối tượng miêu tả.
Bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa kết hợp hai phương thức biểu cảm và miêu tả. Nhờ quan sát kĩ các đối tượng, tác giả miêu tả rất sinh động các con vật, cây cối, sự vật trước và trong cơn mưa.
7. Để làm câu này, cần ôn lại bài 21 và 22 trong sách Ngữ văn 6, tập hai.
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Đây là văn kể chuyện, dựa trên bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là bài thơ có yếu tố tự sự để kể. Để viết thành bài văn, cần xác định ngôi kể là anh bộ đội – người được chứng kiến câu chuyện. Nhân vật sẽ xưng tôi và kể lại theo thứ tự.
– Tôi thức dậy, thấy trời đã khuya lắm. Ngoài trời đang mưa.
– Tôi thấy Bác đốt lửa, dém chăn, rồi ngồi trầm ngâm.
– Tôi trò chuyện với Bác, mời Bác đi ngủ. Bác trả lời.
– Tôi thiếp đi trong lo lắng, thương Bác.
– Tôi thức dậy lần thứ ba, Bác vẫn thức. Tôi mời Bác đi ngủ. Bác trả lời vì sao Người không ngủ. Tôi thức luôn cùng Bác và hiểu ra tình yêu bao la của Người.
2. Bài thơ Mưa chỉ là gợi ý. Bài văn của em hoàn toàn do em quan sát, tưởng tượng và miêu tả. Cần lưu ý tới dàn bài:
Mở bài: Giới thiệu cơn mưa.
Thân bài: Tả cơn mưa (theo trình tự nào, những đối tượng nào được quan sát và miêu tả, nhấn mạnh, đặc tả các đối tượng nào: bầu trời, sấm chớp, gió, cây cỏ, con vật, sự vật,…).
Kết bài: Nhận xét, cảm tưởng.
3. Để trả lời, cần ôn lại bài 29 trong sách Ngữ văn 6, tập hai. Đối chiếu với yêu cầu các mục cần có của một lá đơn, em sẽ tìm thấy lá đơn trong bài tập này còn thiếu mục “Trình bày sự việc, lí do và nguyện vọng (đề nghị)”.
Rõ ràng, nếu không có mục này thì người (cơ quan, tổ chức) nhận đơn sẽ không thể biết người viết đơn mong muốn điều gì. Đây là mục rất quan trọng không thể thiếu trong bất cứ tờ đơn (theo mẫu, hoặc không theo mẫu) nào.
Mai Thu