Bài 27 – Đi bộ ngao du (trích Ê-min hay Về giáo dục)
Bài 27 – Đi bộ ngao du (trích Ê-min hay Về giáo dục) Hướng dẫn TÁC GIẢ Ru-xô (1712-1778) là nhà văn Pháp nổi tiếng. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, cha là thợ đồng hồ. Thời tuổi nhỏ, ông đi học chỉ vài năm. Mới 14 tuổi đã làm đủ thứ nghề để mưu sinh từ làm đầy tớ, gia sư, dạy âm nhạc và sau ...
Bài 27 – Đi bộ ngao du (trích Ê-min hay Về giáo dục)
Hướng dẫn
TÁC GIẢ
Ru-xô (1712-1778) là nhà văn Pháp nổi tiếng. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, cha là thợ đồng hồ. Thời tuổi nhỏ, ông đi học chỉ vài năm. Mới 14 tuổi đã làm đủ thứ nghề để mưu sinh từ làm đầy tớ, gia sư, dạy âm nhạc và sau cùng đã trở thành nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.
Tác phẩm chính; Giăng-li hay Nàng Hê-lôi-i-dơ mới, Êmin hay về giáo dục.
Emin hay về giáo dục là một thiên luận văn. Tiểu thuyết, có nội dung bàn về giáo dục một em bé tên là Êmin – nhà văn đã tưởng tượng và đặt tên – từ khi mới ra đời cho đến tuổi trưởng thành.
Đi bộ ngao du trích trong quyển V, quyển cuối cùng của tác phẩm trên, Êmin hay về giáo dục (1762).
Đây là một văn bản mang tính chất nghị luận và cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục. Qua đó, ta thấy được tác giả là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên.
ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Tóm tắt ngắn gọn ba luận điểm chính
a) Đi bộ ngao du thì ta hoàn toàn được tự do, tùy theo ý thích không bị lệ thuộc bất kì ai, bất kì cái gì.
b) Đi bộ ngao du thì ta sẽ có dịp trau dồi vốn tri thức của ta.
c) Đi bộ ngao du có tác dụng tốt đến sức khỏe và tinh thần.
2. Về trật tự sắp xếp ba luận điểm chính
Có người muốn đưa lập luận thứ ba lên đầu tiên. Cũng có người cho là lập luận thứ hai quan trọng hơn.
Nhưng đối với Ru-xô, từ nhỏ đã bị chủ xưởng chửi mắng, đánh đập lại phải đi ở cho người ta để kiếm sống nên ông rất khao khát tự do, luôn luôn khao khát tự do. Ru-xô hơn ai hết hiểu được tự do quý như thế nào. Theo ông, đó là mục tiêu hàng đầu. Suốt đời Ru-xô đấu tranh cho tự do, chống lại chế độ phong kiến.
Thời thơ ấu, Ru-xô chỉ được đi học vài năm nên ông rất khao khát tri thức. Cả đời ông, ông luôn nỗ lực tự học. Chính vì thế lập luận trau dồi vốn tri thức không phải từ sách vở trường lớp, mà từ thực tiễn sinh động của thiên nhiên được nhà văn xếp hạng nhì trong số ba lợi ích của đi bộ ngao du.
3. Bài văn nghị luận sinh động
Trong bài, các đại từ nhân xưng khi thì “ta", khi thì “tôi”. Nhìn chung, Ru-xô dùng “ta" khi lí luận chung, dùng “tôi” khi nói về những cảm nhận về cuộc sống từng trải của riêng mình.
Hoặc có chỗ, những trải nghiệm của riêng mình được nhà văn thể hiện dưới dạng kể chuyện về Ê-min, tên một người học trò do ông tưởng tượng ra.
Chính nhờ sự xen kẽ như thế nên bài Đi bộ ngao du này rất sinh động, không chút khô khan.
4. Bóng dáng nhà văn
Qua bài văn nghị luận này, người đọc có thể tìm thấy đôi nét về bóng dáng của nhà văn Ru-xô. Ông là một người hết sức giản dị, yêu quý tự do và yêu mến thiên nhiên.
Mai Thu