Bài 11 – Luyện tập xây dựng bài tự sự – Kể chuyện đời thường
Bài 11 – Luyện tập xây dựng bài tự sự – Kể chuyện đời thường Hướng dẫn 1. Tìm thêm hai đề văn tự sự: a) Kể về bà nội của em. b) Kể về cảnh vật nơi em sinh sống. 2. Theo dõi quá trình thực hiện một đề tự sự. (Xem kĩ phần hướng dẫn và tham khảo trong SGK) Nhận xét: – Bài ...
Bài 11 – Luyện tập xây dựng bài tự sự – Kể chuyện đời thường
Hướng dẫn
1. Tìm thêm hai đề văn tự sự:
a) Kể về bà nội của em.
b) Kể về cảnh vật nơi em sinh sống.
2. Theo dõi quá trình thực hiện một đề tự sự.
(Xem kĩ phần hướng dẫn và tham khảo trong SGK)
Nhận xét:
– Bài viết rất sát với đề.
– Các sự việc nêu lên đã xoay quanh các ý nhỏ như ông thích xương rồng, ông yêu các cháu và chăm lo cho gia đình. Các ý này gắn kết với nhau làm nổi bật hình ảnh của một người ông hiền hòa, hiểu biết, giàu lòng yêu thương, rất đáng yêu mến và kính trọng.
3. Lập dàn bài cho một đề văn tự sự hoặc viết một bài văn hoàn chỉnh.
Đề bài: Kể về bà nội của em.
Bài tham khảo
Mở bài: Bà nội của em đã ngoài bảy mươi tuổi. Bà vẫn cùng sống chung trong gia đình với bố mẹ em và hai đứa chúng em.
Thân bài: Bà nội em có vóc người nhỏ nhắn nhưng vẫn còn nhanh nhẹn dù tuổi đã cao. Mái tóc bà đã bạc trắng hết đầu. Có lần bà kể: ngày xưa tóc bà đen và dài kín lưng, mỗi khi gội xong phải hong gió cho khô nhưng bây giờ đã rụng nhiều và chỉ còn lại ít tóc thưa và ngắn. Mắt bà còn sáng nhưng đuôi mắt có rất nhiều nếp nhãn. Hai má bà cũng nhăn nheo nhưng răng lại ít rụng và miệng bà luôn nở nụ cười nhân hậu. Trên da tay của bà có nhiều vết tròn đen sẫm. Bà bảo đó là da đồi mồi.
Bà ưa hoạt động nên ít khi ngồi hoặc nằm một chỗ. Khi thì bà ra vườn nhổ cỏ, tưới cây, khi thì bà nhặt rau chuẩn bị cho bữa ăn. Thỉnh thoảng bà em cũng cùng mẹ em đi chợ cách nhà chừng hai cây số để mua sắm vài thứ vật dụng cần thiết cho gia đình. Những ngày mùa, khi cả làng rậm rịch bắt tay vào gặt hái thì bà em cũng bận rộn hơn. Mỗi buổi chiều, bà thường đem một cái chổi tre lớn ra đường quét thóc. Những hạt thóc của mùa gặt rơi vãi khắp nơi. Bà vun thóc lại rồi sàng sẩy qua cho bớt cát sỏi và đổ vào thúng mang về. Có năm bà thu lượm được hàng trăm cân thóc như thế chứa đầy một bao lớn. Bà bảo chúng em: "Nhà mình bây giờ chẳng thiếu gạo ăn, nhưng hạt lúa do con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra, để rơi vãi ngoài đường là phí lắm. Bà thu lượm về cho con gà, con vịt ăn cũng là quý lắm". Có lẽ ý thức tiết kiệm của bà đã thấm vào đầu óc của mọi người trong gia đình em nên ai cũng sống giản dị, biết quý trọng, giữ gìn mọi vật dụng gia đình và chăm chỉ làm việc.
Bà nội em cũng rất quan tâm đến hai đứa chúng em. Mỗi khi thấy hai chị em ngồi học bài bà bảo: "Các cháu phải ráng mà học hành cho giỏi giang. Ngày xưa bà và bố mẹ các cháu chẳng được học hành chu đáo nên bây giờ các cháu phải học thay cho cả bà và cha mẹ đấy!". Những buổi tối khi chúng em đã làm xong bài vở mà còn chưa tới giờ đi ngủ, chúng em thường lại ngồi sát bên bà đòi bà kể chuyện. Bà em chữ nghĩa ít nhưng lại thuộc nhiều truyện thơ dân gian như Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa… và nhớ nhiều câu chuyện cổ rất hay. Qua lời bà kể nhỏ nhẹ, chị em em rất dễ hình dung ra người hiền, kẻ ác trong từng câu chuyện và dần dần hiểu được thế nào là lẽ phải, lẽ công bằng, là đạo lí ở trên đời.
Kết bài: Hai chị em em đều rất mến yêu bà nội. Em mong bà mãi mãi khỏe mạnh để vui sống cùng cả gia đình và thỉnh thoảng lại đọc thơ kể chuyện cho chúng em nghe.
Mai Thu