Đi bộ ngao du (trích Ê-min hay Về giáo dục)
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Ru-xô (1712 – 1778) là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội Pháp. Ông là tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng: Giuy-li hay Nàng Hê-lô-i-dơ mới, Ê-min hay về giáo dục. 2. Văn bản bài học được trích từ quyển V – quyển cuối ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Ru-xô (1712 – 1778) là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội Pháp. Ông là tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng: Giuy-li hay Nàng Hê-lô-i-dơ mới, Ê-min hay về giáo dục.
2. Văn bản bài học được trích từ quyển V – quyển cuối cùng của tác phẩm Ê-min hay về giáo dục (1762), nhà văn bàn luận về chuyện giáo dục.
Qua chuyện ngao du thì phải đi bộ, tác giả bộc lộ lòng yêu mến thiên nhiên, quý trọng tự do. Đồng thời đi bộ ngao du còn là một cách nói gián tiếp ngụ ý về con đường tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, về con đường tự học tập, chiếm lĩnh tri thức.
Đây là một bài văn nghị luận có lập luận chặt chẽ kết hợp nhuần nhuyễn với hình ảnh của thưc tế sinh động, dưới ngôn ngữ của tiểu thuyết.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Ba luận điểm ứng với 3 đoạn của văn bản:
– Người ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa của tự do, thoát khỏi những ràng buộc khi đi bộ ngao du (Đoạn 1: từ "Tôi chỉ quan niệm" đến "cho đôi bàn chân nghỉ ngơi").
– Bằng hình thức đi bộ ngao du, người ta có thể tuỳ thích lựa chọn, thu lượm những tri thức mà mình quan tâm (Đoạn 2: "Đi bộ ngao du là đi như" đến "không thể làm tốt hơn").
– Đi bộ ngao du là một hình thức giúp cho người ta khoẻ mạnh cả về tinh thần và thể chất (Đoạn 3: Từ "Biết bao hứng thú" đến hết).
2. Trật tự các luận điểm ở đây được sắp xếp hợp lí trong sự thể hiện tư tưởng của tác giả: lòng khao khát tự do. Suốt đời Ru-xô theo quan điểm đấu tranh cho tự do, cho nên chủ đề về tự do được đề cập đến trước tiên. Tuổi thơ Ru-xô lại không được học hành, trong tình yêu tự do còn bao gồm cả khát khao tìm hiểu, học hỏi tri thức. Cho nên, chủ đề về thu lượm, trau dồi hiểu biết, tri thức về cuộc sống được ông đề cập đến tiếp sau chủ đề về tự do.
3. Nhà văn dùng đại từ nhân xưng "ta" khi đưa ra những khái quát, nhận định chung, dùng "tôi" khi bộc lộ những thể nghiệm sinh động của riêng mình. Những nhận định chung, khái quát được bổ sung bằng những thể nghiệm của cá nhân nhà văn khiến cho chất nghị luận của bài văn không xơ cứng. Có khi nhà văn mượn vai Ê-min để thể hiện, thì thực chất cũng là một sự hoá thân từ cái "tôi" của tác giả để trình bày vấn đề sinh động hơn, hấp dẫn, thuyết phục hơn.
4. Qua bài văn, chúng ta thấy một Ru-xô giản dị, gần gũi với tự nhiên, yêu tự do và luôn theo đuổi, khám phá những chân trời tri thức mới lạ.
Mai Thu