06/02/2018, 10:08

Bài 26 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn lập luận giải thích (bài làm ở nhà)

Bài 26 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn lập luận giải thích (bài làm ở nhà) Hướng dẫn Đề văn: Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có ...

Bài 26 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn lập luận giải thích (bài làm ở nhà)

Hướng dẫn

Đề văn:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Bài làm (tham khảo)

Mở bài: Bác Hồ kính yêu đã viết:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Từ xưa nhân dân ta đã quen với khái niệm mùa xuân là mùa của đình đám, hội hè. Những ngày đầu xuân việc ăn uống và vui chơi được đặc biệt chú trọng vì thế mà cách nghĩ của Bác “mùa xuân là Tết trồng cây” quả là mới lạ.

Thân bài: Qua hai dòng thơ trên Bác đã muốn nhắn nhủ, khuyên dạy tất cả chúng ta điều gì? Điều mà Bác muốn nói với chúng ta là ngày Tết chớ có chi tiêu hoang phí, hãy bớt chè rượu, ăn chơi mà nên làm những việc thực sự có ích. Một trong những việc thực sự có ích đó là trồng cây “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Vậy thì việc trồng cây vào mỗi mùa xuân sao lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Ý kiến của Bác là rất sáng suốt, rất chí lí. Chúng ta đã biết cây xanh là đáng quý như thế nào trong cuộc sống. Cây xanh cho ta bóng mát. Cây xanh cho ta hoa trái. Cây xanh là nguồn gỗ vô tận. Lá cây xanh rụng xuống trở thành một nguồn phân bón cho đất đai. Cây xanh còn là những cỗ máy lọc làm cho bầu không khí thêm trong sạch. Rừng cây luôn ngăn cản sức nước mưa từ trên núi cao đổ xuống làm cho mầu mỡ cửa đất đai không bị trôi đi. Cây xanh làm cho lũ lụt bị ngăn chặn lại, bị giảm bớt sức mạnh đi, đỡ gây thiệt hại cho con người. Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu những thành phố của chúng ta không có qua một bóng mát xanh nào của lá của cây thì sẽ vừa trơ trụi vừa nóng nực, ngột ngạt như sa mạc. Ngày nay trên thế giới có nhiều thiên tai như mưa, lụt, tuyết rơi, đất lở xảy ra, một phần chính vì con người đã tàn phá quá nhiều rừng cây. Cho nên việc trồng cây, gây rừng, làm cho mặt đất càng ngày càng xanh tươi hơn chính là việc cần làm để bảo bảo vệ chính cuộc sống của con người. Là người đã từ lâu nhận thức được điều này nên Bác Hồ đã khuyên chúng ta phải tăng cường trồng cây vào mùa xuân. Mùa xuân là mùa thuận lợi cho sự phát triển của cây cối cho nên trồng cây vào mùa xuân cũng là để việc trồng cây thu được kết quả tốt đẹp nhất. Nếu hàng trăm triệu người ở nước ta, cứ mỗi năm, mỗi người cùng làm theo lời Bác trồng được ít nhiều cây xanh thì dần dần đất nước ta sẽ thêm tươi đẹp, “đất nước càng ngày càng xuân”.

Kết bài: Từ ngày Bác nêu ra vấn đề “Tết trồng cây” thì mỗi mùa xuân đến có rất nhiều nơi trên đất nước, mọi người lại nô nức tổ chức hội trồng cây. Bản thân em, mỗi năm em cũng hăng hái cùng tham gia việc trồng cây do nhà trường phát động. Nhìn những hàng cây do chính tay mình trồng cứ mỗi ngày mỗi lớn, đứng rung rinh trong gió em rất vui và càng hiểu thêm ý nghĩa sâu xa tầm quan trọng chứa chất trong hai câu thơ của Bác Hồ.

Mai Thu

0